Người thừa của nền kinh tế Nhật Bản

'Chúng tôi bị xem như người thừa', Setsuko Hikita (64 tuổi), nhân viên bán hàng, nói về việc bị công ty phân biệt đối xử vì không phải lao động chính thức.

Zing trích dịch bài đăng trên New York Times, đề cập đến tình trạng chênh lệch quyền lợi giữa lao động trọn đời và thời vụ tại Nhật Bản.

Sau khi ly dị chồng vào 10 năm trước, Setsuko Hikita trở về Tokyo và bắt đầu công việc bán đồ ăn vặt, tạp chí cho một cửa hàng nhỏ ở ga tàu điện ngầm. Bà từng được công ty khen thưởng vì thái độ tận tâm, chăm chỉ.

Dù vậy, Hikita cảm thấy mình không được trả công xứng đáng. "Khi mới nhận việc, tôi nghĩ mọi người đều được đối xử như nhau. Nhưng hóa ra, sự chênh lệch giữa nhân viên hợp đồng và nhân viên trọn đời lại lớn tới vậy".

Thu nhập của bà sau một thập kỷ làm việc ít hơn 90.000 USD so với đồng nghiệp, thậm chí không được trợ cấp lương hưu vì không phải lao động chính thức, không ký hợp đồng trọn đời với công ty.

Bất bình với chính sách này, Setsuko Hikita đâm đơn kiện vào năm 2014. Tháng trước, sau hơn 6 năm chờ đợi, tòa án tối cao đưa ra phán quyết: Doanh nghiệp không có nghĩa vụ trợ cấp hưu trí cho bà, với lý do tương tự phía công ty.

"Chúng tôi bị xem như người thừa", bà Hikita bộc bạch.

 "Chúng tôi bị xem như người thừa", bà Setsuko Hikita (64 tuổi) chia sẻ trải nghiệm bị đối xử bất công ở chỗ làm vì là nhân viên không chính thức. Ảnh: New York Times.

"Chúng tôi bị xem như người thừa", bà Setsuko Hikita (64 tuổi) chia sẻ trải nghiệm bị đối xử bất công ở chỗ làm vì là nhân viên không chính thức. Ảnh: New York Times.

Chính sách bất hợp lý

Đầu năm nay, khi nền kinh tế Nhật Bản rơi vào hiểm cảnh, đa số công ty buộc phải cắt giảm hàng chục nghìn nhân viên thời vụ. Trong khi đó, hiếm lao động trọn đời phải lo lắng viễn cảnh thất nghiệp.

Số liệu thống kê mới nhất của chính phủ cho thấy Nhật Bản có khoảng 20,6 triệu lao động không chính thức, chủ yếu là phụ nữ, chiếm 37% lực lượng lao động trên cả nước.

Dù ngày càng đông đảo về số lượng, người lao động không chính thức vẫn chịu nhiều thiệt thòi về quyền lợi hơn những nhân viên có hợp đồng trọn đời.

Trước tình hình này, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga khẳng định trong bài phát biểu gần đây rằng "cần tìm giải pháp phù hợp để ngăn chặn tình trạng thất nghiệp gia tăng ở nhóm lao động thời vụ".

Đại dịch Covid-19 phô bày sự chênh lệch lớn giữa nhân viên chính thức và thời vụ. Ảnh: New York Times.

Dẫu vậy, lời hứa của chính phủ không thuyết phục được các nhà hoạt động xã hội. Shigeru Wakita, giáo sư ngành Luật Lao động tại ĐH Ryukoku (Kyoto, Nhật Bản), nói rằng tòa án tối cao đã phủ nhận nỗ lực đòi bình đẳng cho nhóm lao động không chính thức xứ hoa anh đào.

Theo đó, luật pháp nước này quy định các công ty không được phân biệt đối xử "một cách vô lý" đối với nhân viên, song không quy định cụ thể những hành vi nào vi phạm quy tắc này.

Trong vụ việc của bà Setsuko Hikita, các thẩm phán cho rằng phía công ty không hề vi phạm pháp luật, dù tồn tại sự chênh lệch lớn về quyền lợi của nhân viên chính thức và không chính thức.

"Nếu tòa án công nhận trường hợp này là hợp lý, chuyện gì mới được coi là phi lý đây? Bồi thẩm đoàn đã đứng về phía các doanh nghiệp, cho họ lý do để tiếp tục đối xử bất công với nhân viên", Mitsuteru Suda, chủ tịch một liên đoàn lao động ở Tokyo, bức xúc.

Ranh giới "thời vụ" và "trọn đời"

Trong hệ thống tuyển dụng xứ hoa anh đào, ranh giới giữa nhân viên chính thức và không chính thức được phân định rõ ràng.

Nhân viên chính thức, hay "seishain" trong tiếng Nhật, sẽ nhận thưởng 2 lần/năm với giá trị tương đương một tháng lương hoặc hơn và một số đãi ngộ khác như nhà cửa, xe cộ... Đặc biệt, họ sẽ được bảo đảm về công việc trọn đời mà không lo bị cắt giảm biên chế hay sa thải, trừ khi vi phạm pháp luật.

Trái ngược với "seshain", những lao động theo hợp đồng thời vụ có thể bị sa thải bất cứ lúc nào. Ngoài ra, họ được trả lương thấp hơn và không có các quyền lợi như nhân viên trọn đời.

Thông thường, các công ty Nhật Bản ưa chuộng nhân viên trọn đời hơn.

Tại Nhật Bản, ranh giới giữa nhân viên chính thức và không chính thức được phân định rõ ràng. Ảnh: New York Times.

"Họ không chỉ tìm kiếm ở ứng viên năng lực chuyên môn, kinh nghiệm làm việc mà còn cả tinh thần gắn bó lâu dài. Họ sợ nhân viên thời vụ không thể hòa nhập vào văn hóa doanh nghiệp, dẫn đến hiệu suất công việc kém", Andrew Gordon, giáo sư ngành Lịch sử Lao động Nhật Bản tại ĐH Harvard (bang Massachusetts, Mỹ), nói.

Vào mùa thu hàng năm, các nhà tuyển dụng trên cả nước bắt đầu chiêu mộ lớp tân cử nhân vào làm việc tại công ty của mình. Với nhiều bạn trẻ, đây là giai đoạn mang tính quyết định liệu họ có tìm được "bến đỗ trọn đời" hay sẽ rơi vào vòng lặp của hàng loạt công việc thời vụ.

Năm 2013, chính phủ Nhật Bản đã ban hành một đạo luật nhằm khắc phục tình trạng bất bình đẳng trong lao động này. Theo đó, các doanh nghiệp phải thăng cấp cho các nhân viên thời vụ lên chính thức sau 5 năm làm việc.

Song đến nay, đạo luật này vẫn chưa có ảnh hưởng mạnh mẽ.

Trang Minh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-thua-cua-nen-kinh-te-nhat-ban-post1158223.html