Người thổi luồng gió mới cho mỹ thuật Vùng mỏ

Không chỉ nổi tiếng với tranh vẽ huy hiệu Đoàn, vẽ mẫu tiền, vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh, cố họa sĩ Huỳnh Văn Thuận còn được bạn nghề nhớ đến ở vai trò một người thầy dìu dắt, bồi dưỡng lực lượng cầm cọ trẻ. Đối với mỹ thuật Quảng Ninh, ông là người có đóng góp to lớn trong việc xây dựng phong trào.

Di ảnh họa sĩ Huỳnh Văn Thuận.

Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận sinh năm 1921 ở Gia Định - Sài Gòn nay thuộc quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, trong một gia đình không có truyền thống hội họa. Học hết phổ thông, ông thi vào Trường Mỹ nghệ thực hành Gia Định. Khi đang học năm thứ 3, ông lại thi vào Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương rồi trở thành sinh viên xuất sắc của trường.

Ông tốt nghiệp khóa 1939-1944 và tham gia cách mạng ở miền Bắc. Năm 1951, ông phác thảo huy hiệu Đoàn Thanh niên cứu quốc và bản phác thảo của ông đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm biểu tượng của Đoàn. Ông còn cùng các họa sĩ Lê Phả, Bùi Trang Chước được giao nhiệm vụ vẽ đồng tiền riêng của Việt Nam.

Khi Sài Gòn giải phóng, ông được bầu làm Cục trưởng Cục Mỹ thuật miền Nam, tham gia đoàn quân tiếp quản thành phố. Nhưng cuối năm 1976, ông lại ra Bắc hoạt động nghệ thuật, làm Cục trưởng Cục Mỹ thuật (Bộ Văn hóa - Thông tin), sau chuyển sang Hội Mỹ thuật Việt Nam. Năm 1988, ông tổ chức triển lãm tranh cổ động tại TX Cẩm Phả, sau đó đưa về Hà Nội tiếp tục trưng bày.

Tác phẩm "Thôn Vĩnh Mốc" của cố họa sĩ Huỳnh Văn Thuận.

Vùng mỏ Quảng Ninh với vịnh Hạ Long là nơi thường được các họa sĩ Hội Mỹ thuật Việt Nam, trong đó có họa sĩ Huỳnh Văn Thuận về thâm nhập thực tế sáng tác. Để vẽ toàn cảnh Hạ Long, họa sĩ Huỳnh Văn Thuận nhiều lần leo lên Ba Đèo hay Lán Đạo quan sát. Do đó, theo họa sĩ Phạm Phi Châu, tranh của họa sĩ Huỳnh Văn Thuận có cái không gian hùng vĩ lại chân thực, sinh động, bởi sự dụng công lấy tài liệu từng chi tiết rồi lùi xa lên cao để vẽ toàn cảnh. Hầu hết các tác phẩm sơn khắc của họa sĩ Huỳnh Văn Thuận đều giữ niêm luật viễn cận, đường chân trời theo Tây học, tỷ lệ phần vóc chừa lại thường lớn hơn phần sẽ khoét khắc.

Cố họa sĩ Huỳnh Văn Thuận và học trò Vũ Tư Khang. (Ảnh tư liệu của họa sĩ Vũ Tư Khang)

Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận là một trong những họa sĩ chuyên sâu vào nghệ thuật tranh sơn khắc. Tranh của ông gắn bó với đời sống người dân, có bố cục chặt chẽ, công phu, giá trị nghệ thuật cao. Cùng với tranh sơn khắc, họa sĩ còn sáng tác nhiều tranh cổ động chất lượng tốt. Một số tác phẩm đáng chú ý của ông là “Sửa thuyền”, tranh thuốc nước sáng tác năm 1956; “Kéo lưới”, tranh thuốc nước sáng tác năm 1956; “Núi Bài Thơ Hồng Gai”, tranh bút chì sáng tác năm 1979...

Bức tranh "Núi Bài Thơ Hồng Gai" của cố họa sĩ Huỳnh Văn Thuận.

Cùng với các họa sĩ Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên... họa sĩ Huỳnh Văn Thuận đã tham gia giảng dạy và tận tình chỉ bảo, hướng dẫn trong các lớp vẽ công nhân được tổ chức tại Vùng mỏ. Một trong những học trò tiêu biểu nhất của họa sĩ Huỳnh Văn Thuận là Vũ Tư Khang.

Trước những năm 80 của thế kỷ XX, họa sĩ Huỳnh Văn Thuận đã phát hiện ra triển vọng của cây cọ trẻ Vũ Tư Khang. Đầu năm 1980, theo lời động viên của họa sĩ Huỳnh Văn Thuận, lúc đó đang là Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Vũ Tư Khang gom hết vốn liếng về Hà Nội mua lại toàn bộ vóc sơn khắc của họa sĩ Thanh Còm để chuyển về Yên Hưng. Với sự kèm cặp, chỉ bảo tận tình của họa sĩ Huỳnh Văn Thuận, họa sĩ Vũ Tư Khang đã trưởng thành rất nhanh chóng và trở thành một cây cọ độc đáo của Quảng Ninh chuyên sâu dòng tranh sơn khắc, khắc gỗ. Sau đó, họa sĩ Huỳnh Văn Thuận còn đứng ra vận động tổ chức triển lãm tranh cá nhân cho học trò Vũ Tư Khang tại Hà Nội vào năm 1995.

Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận (thứ ba, trái sang) dự triển lãm tranh Quảng Ninh năm 1980. (Ảnh tư liệu của họa sĩ Hoàng Công Luận)

Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận và nhiều họa sĩ danh tiếng đã gây dựng và thổi luồng gió mới cho mỹ thuật Vùng mỏ. Bắt đầu từ năm 1971 trở đi, dưới sự bảo trợ của Hội Mỹ thuật Việt Nam, cứ vài năm các cây cọ Quảng Ninh lại mang tranh lên thủ đô triển lãm. Cũng từ các triển lãm này, nhiều bức vẽ đã tìm được chỗ đứng trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam đương đại, nhiều người đã thành danh, như: Lê Vân Hải, Phạm Phi Châu, Ngô Phương Cúc, Bùi Đình Lan, Bùi Trọng Hướng, Đặng Đình Liên, Lê Chuyền, Tống Giang Minh, Trần Công Phú, Vũ Quý, Vũ Tư Khang...

Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận (giữa) đến thăm nhà văn Võ Huy Tâm ở Thạch Anh Trang tại Tây Khe Sim, phường Cẩm Tây, TP Cẩm Phả. Ảnh: NSNA Đoàn Đạt

Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2001. Từ năm 2015, ông chuyển vào sống cùng con trai tại TP Hồ Chí Minh và tiếp tục sáng tác. Ông qua đời ngày 18/10/2017 tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP Hồ Chí Minh, để lại sự nghiệp mỹ thuật với rất nhiều thành tựu và sự yêu mến của công chúng cũng như đồng nghiệp.

Huỳnh Đăng

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/201910/nguoi-thoi-luong-gio-moi-cho-my-thuat-vung-mo-2458846/