Người thổi hồn vào những sản phẩm trang sức

Với người thợ kim hoàn, từ việc 'chạm' được vào trái tim và xúc cảm của khách hàng là một hành trình không đơn giản. Qua thời gian, với nghệ nhân Trần Công là một hành trình sáng tạo và không ít gian nan.

Nghệ nhân Trần Công chia sẻ, năm 1990 ông ngược xuôi học nghề kim hoàn, may mắn ông đã được thầy Nguyễn Văn Uôn từ Nam Vang Campuchia sang Việt Nam dạy nghề. Sau đó, năm 1992, ông xin vào làm việc tại Công ty Vàng Bạc Đá Quý SJC và nhận gia công thêm tại nhà. Trong xu thế “chuyển mình” của thị trường vàng bạc đá quý, năm 2002, ông quyết định nghỉ việc tại công ty và thành lập doanh nghiệp riêng.

Qua gần 20 năm gắn bó với nghề, nghệ nhân Trần Công nhận được nhiều giải thưởng cao quý

Qua gần 20 năm gắn bó với nghề, nghệ nhân Trần Công nhận được nhiều giải thưởng cao quý

Vốn có kỹ năng chuyên về sản xuất trang sức gắn đá cao cấp, gắn kim cương, sản phẩm của ông luôn chú trọng tối đa đến chất lượng, kỹ thuật chuẩn xác, độ tinh xảo, tính thẩm mỹ cao. Vì vậy, các sản phẩm rất sắc sảo về đường nét, hài hòa về màu sắc, cân đối, phù hợp về kiểu dáng, ý nghĩa về lịch sử và tâm linh, được khách hàng trong, ngoài nước tin dùng đặt hàng với số lượng lớn.

Nhiều tác phẩm của Trần Công người tiêu dung yêu thích và đã nhận được giải thưởng liên tiếp trong nhiều năm như: Dây colier; bông tai; vương miện cá hóa Long…

Để cho ra đời sản phẩm trang sức hoàn hảo, tinh tế, nghệ nhân Trần Công tâm sự: Quy trình chế tác trang sức với nhiều công đoạn phức tạp, đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm lâu năm, thao tác thuần thục. “Công đoạn nào cũng rất quan trọng, phải thật tỷ mỉ, thả hồn vào sản phẩm để đạt được độ tinh xảo và đẹp mắt. Công việc đòi hỏi người thợ muốn thành công phải rất cần cù, chịu khó và đam mê để mỗi tác phẩm hoàn thành là một sản phẩm nghệ thuật” - ông Công chia sẻ.

Không chỉ chú trọng vào làm nghề, nghệ nhân Trần Công cũng đang đào tạo và dạy nghề cho hàng trăm thợ kim hoàn. Bên cạnh đó, ông còn duy trì quản lý nhóm thợ hơn 20 người sản xuất gia công chế tác sản phẩm trang sức tất cả các loại, cung cấp tại thị trường TP. Hồ Chí Minh và một số doanh nghiệp ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Tất cả thợ học nghề của ông đều có tay nghề giỏi, vừa phục vụ làm nghề tại địa phương vừa đi làm hàng vàng cao cấp ở các tỉnh. Ông luôn truyền đạt cho những người thợ rằng: “Nghề kim hoàn cũng như bao nghề khác, người thợ luôn phải đặt cái tâm lên hàng đầu, đòi hỏi người thợ cần phải biết giữ mình trước những cám dỗ, biết làm chủ bản thân, giữ vững đạo đức và giá trị nghề nghiệp mà ông tổ ngành vàng đã truyền lại, để cái nghề này luôn được trân trọng và giữ được bản sắc riêng.

Qua gần 20 năm gắn bó với nghề, nghệ nhân Trần Công luôn tâm niệm gắn bó dài lâu với nghề. Và ông cũng đánh giá, tiềm năng kinh tế từ nghề kim hoàn rất lớn, chỉ là chưa khai thác triệt để. Song, với bề dày kinh nghiệm cùng truyền thống là lợi thế lớn, ông hy vọng trong tương lai sẽ đóng góp nhiều hơn những mẫu trang sức mỹ nghệ hoàn hảo phục vụ khách hàng...

Với những đóng góp có giá trị, ông là một trong số nghệ nhân tiêu biểu của cả nước được xét phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú vì đã có những thành tích đặc biệt xuất sắc trong gìn giữ, duy trì và phát triển nghề kim hoàn truyền thống của dân tộc.

Nghệ nhân Trần Công vinh dự nhận được nhiều Bằng khen của UBND TP. Hồ Chí Minh và của Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Việt Nam. Năm 2000, ông đạt giải nhất thể loại dây Colier; giải nhì thể loại bông tai tại Hội chợ Triển lãm nữ trang Việt Nam 2000 lần VIII. Năm 2005, ông được phong tặng nghệ nhân kim hoàn trẻ nhất và Thợ Kim hoàn bậc cao, do Hội Kim hoàn đá quý TP. Hồ Chí Minh trao.

Lan Viên

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nguoi-thoi-hon-vao-nhung-san-pham-trang-suc-130387.html