Người 'thổi hồn' cho vùng đất khô cằn

Với mong muốn phủ xanh vùng đất khô cằn của quê hương và quyết tâm bảo tồn thế giới tự nhiên, một người đàn ông Ấn Độ đã viết nên câu chuyện phi thường, khi tự tay tạo ra khu rừng rộng lớn hơn cả Công viên Central Park ở New York (Mỹ).

Đó là ông Jadav Payeng, một cư dân sống ở đảo Majuli thuộc bang Assam (Ấn Độ). Là một hòn đảo trên sông lớn nhất thế giới, Majuli đã rơi vào tình trạng xói mòn đất đáng báo động sau trận lũ quét và hạn hán nghiêm trọng vào năm 1979. Theo Daily Mail, trong một nỗ lực để ngăn chặn tình trạng xói mòn đất lan rộng ở quê hương của mình, ở độ tuổi 16, Jadav Payeng quyết định sẽ trồng cây mỗi ngày trên mảnh đất cằn cỗi vì hạn hán này. Sau 39 năm, ông đã tạo ra được cánh rừng rộng lớn, nơi trú ngụ của hổ Bengal, tê giác, kền kền và 115 con voi. Diện tích đất rừng của ông hiện là 1.360 mẫu, lớn hơn nhiều so với 840 mẫu của Công viên Central Park ở New York (Mỹ).

 “Người rừng của Ấn Độ” Jadav Payeng. Ảnh: IndiaTvNews.

“Người rừng của Ấn Độ” Jadav Payeng. Ảnh: IndiaTvNews.

Câu chuyện về ông Jadav Payeng được nhà báo ảnh và cũng là người đam mê động vật hoang dã Jitu Kalita tình cờ phát hiện vào mùa thu năm 2007. Jitu Kalita thuê một chiếc thuyền để chụp ảnh những con chim ở khu vực sông Brahmaputra, chảy quanh đảo Majuli. Trong khi chèo thuyền qua vùng nước cạn, ông phát hiện một điều gì đó không bình thường. Kể lại câu chuyện của mình trong bộ phim tài liệu Forest Man (Người rừng), thu hút hơn 2,7 triệu lượt xem trên YouTube, Jitu Kalita nhớ lại: “Tôi thấy một thứ gì đó kỳ lạ… Nó trông giống như một khu rừng ở xa xa. Tôi bắt đầu đi về phía đó và khi đến nơi, tôi không thể tin vào mắt mình. Tôi đã tìm thấy một khu rừng rậm rạp ở giữa một vùng đất trống cằn cỗi”. Ban đầu, ông Jadav Payeng cho rằng nhà báo Jitu Kalita là một kẻ săn trộm, đang tìm kiếm hổ hoặc tê giác quanh khu rừng của ông. Sau đó, ông Jadav Payeng hết sức ngạc nhiên khi biết rằng vị khách ghé thăm khu rừng của ông thực ra là một nhà báo. Nhà báo Jitu Kalita bị cuốn hút bởi câu chuyện của Jadav Payeng và dành thời gian tìm hiểu về công việc của ông.

Ông Jadav Payeng cùng vợ kiếm sống bằng nghề bán sữa bò cho các ngôi làng trong khu vực. Tuy nhiên hằng ngày, người đàn ông Ấn Độ này đều đến thăm khu rừng của mình vì đối với ông, cây cối và động vật hoang dã chính là gia đình. Ông cho biết sẽ tiếp tục gieo trồng các hạt giống cho tới “hơi thở cuối cùng” của mình. Jadav Payeng cũng bày tỏ, ông muốn phủ xanh đảo Majuli và mở rộng diện tích đất rừng lên 5.000 mẫu. Trong bộ phim tài liệu Voice of Trees (tạm dịch: Tiếng nói của cây), Jadav Payeng chia sẻ, hằng ngày ông thức dậy vào khoảng 3 giờ sáng, sau đó sử dụng thuyền và xe đạp đi đến khu rừng đặc biệt có tên Mulai Kathoni của mình. Jadav Payeng nói rằng, lối sống trong khu vực nơi ông sống hoàn toàn trái ngược với các đô thị nhộn nhịp, nơi mọi người có ít thời gian để suy nghĩ về thế giới xung quanh họ.

Trong một bộ phim ngắn có tựa đề The Man Who Planted A Forest (tạm dịch: Người đàn ông trồng rừng), Payeng tiết lộ, ông vẫn có thể xác định vị trí cây đầu tiên mà ông đã trồng. Đứng bên cạnh cây đầu tiên mình trồng, hiện đã trở nên cao lớn và vỗ nhẹ vào thân cây này, ông kết luận: “Không có bạn, tôi sẽ không thấy thế giới bên ngoài kia. Mọi người từ khắp nơi trên thế giới đến đây vì cánh rừng này làm họ kinh ngạc".

Chia sẻ về quá trình trồng cây gây rừng trong gần 40 năm, ông Jadav Payeng cho biết, ban đầu, mọi thứ rất tốn thời gian nhưng mọi chuyện giờ đơn giản hơn nhiều. Khi nơi đây thành rừng, động vật hoang dã tự động tìm về sinh sống. Nhưng khi cánh rừng phát triển, khó khăn bắt đầu tới với Jadav Payeng khi ông phải đối mặt với những kẻ săn bắt động vật quý hiếm và lâm tặc.

Câu chuyện của Jadav Payeng được giới truyền thông Ấn Độ đón nhận sau khi ông gặp nhà báo Jitu Kalita. Người dân trên cả nước quan tâm tới việc làm của Jadav Payeng và ca ngợi ông là “Người rừng của Ấn Độ”. Cống hiến của Jadav Payeng đã được công nhận rộng rãi trên toàn quốc. Năm 2015, ông được chính phủ Ấn Độ vinh danh với giải thưởng danh giá Padma Shri. Nhiều nhà khoa học cũng ca ngợi Jadav Payeng là một tấm gương đáng để mọi người noi theo. Tiến sĩ Arup Kumar Sarma từ Viện Công nghệ Ấn Độ cho biết: “Câu chuyện của Jadav Payeng chứng minh rằng, nếu một người có thể tạo ra một khu rừng bằng sự nỗ lực của chính mình thì tại sao người khác không làm được”.

LÂM ANH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/nguoi-thoi-hon-cho-vung-dat-kho-can-547507