Người thợ mộc và tấm ván thiên - Cuốn tiểu thuyết không thể bỏ qua

Tôi đọc ngấu nghiến tiểu thuyết 'Người thợ mộc và tấm ván thiên' dày 312 trang này và mừng cho ông bạn vàng của mình. Theo tôi đây đúng là một tác phẩm để đời.

Tôi có nhiều bạn bè thành danh, nhưng người bạn học thành công nhất của tôi trong lĩnh vực Văn học là nhà văn Ma Văn Kháng.

Nhà văn Ma Văn Kháng tên thật là Đinh Trọng Đoàn, sinh năm 1936, hơn tôi hai tuổi. Chúng tôi cùng học với nhau thời cấp III ở Trường Sư phạm trung cấp trung ương.

Năm 1954 sau khi tốt nghiệp vì quá ít tuổi tôi được về Thủ đô sau ngày tiếp quản để học tiếp Đại học Sư phạm.

Kháng được phân công về dạy tại Thủ đô nhưng thật bất ngờ khi anh từ chối nhiệm vụ vẻ vang đó để xin về Lào Cai.

Ai cũng tưởng Kháng quê ở Lào Cai nhưng tôi biết rõ Kháng sinh ra ngay ở làng Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội.

Tâm sự với tôi, Kháng bảo mình thích tập sự viết văn nên xin lên vùng biên giới với đông đồng bào thiểu số chắc lắm chuyện hay. Nhưng Kháng đâu biết rằng hồi đó Lào Cai đâu đã bình yên để mà dạy học.

Thế là Kháng được xung vào việc tham gia tiễu Phỉ, xây dựng Hợp tác xã nông nghiệp. Khi đã yên bình Kháng mới trở thành ông giáo cấp hai.

Bước ngoặt đầu tiên là một bài báo gửi cho tờ Văn nghệ ký tên Ma Văn Kháng.

Đâu phải mạo nhận dân tộc Tày để ra oai mà chính là một chuyện ít người biết đến.

Hồi ấy Kháng bị sốt rét ác tính tưởng nguy rồi, may có một ông bạn người Kinh nhưng họ Má giúp cho hai ống thuốc để tiêm thế mà cứu được.

Thế là họ kết nghĩa anh em cùng mang tên họ Má. Nhưng ở Lào Cai họ Ma rất phổ biến nên sau đổi luôn thành họ Ma.

Báo Văn nghệ ngạc nhiên có ông Tày viết văn hay quá nên đăng ngay. Với Kháng đó là một sự động viên rất lớn cho hoài bão viết văn của anh.

Vừa dạy cấp hai vừa viết văn. Chiều thứ bảy hàng tuần Kháng thường tổ chức tọa đàm văn chương tại nhà của mình để trao đổi với những người yêu văn chương ở thị trấn xa xôi.

Tôi có may mắn vượt sông lên thăm Kháng đúng một chiều thứ bảy và chứng kiến một buổi trao đổi văn chương ấy.

Trong đám yêu văn chương ấy có một cô gái trẻ là công nhân nhà máy điện. Kháng kể cô ấy tình nguyện chép hộ bản thảo sửa chữa nhằng nhịt của mình chỉ vì yêu văn chương. Ai ngờ, cô ấy sau này thành người vợ đảm đang của anh.

Rồi Kháng được về học tại Khoa Văn Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp thường thì ai cũng muốn được ở lại trường làm cán bộ giảng dạy rồi bảo vệ Thạc sĩ, Tiến sĩ, tiến tới Phó giáo sư, Giáo sư...

Nhưng thật bất ngờ Kháng từ chối lời đề nghị của vài bộ môn để về lại Lào Cai làm Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Lào Cai. Sau đó, có thời Kháng còn làm Thư ký cho Bí thư Tỉnh ủy.

Khi tỉnh sát nhập thành Hoàng Liên Sơn thì Kháng chuyển về Hà Nội để nhận chức Phó giám đốc Nhà xuất bản Lao động.

Tôi trêu Kháng: “Sao ông thề gắn bó với mảnh đất Lào Cai cơ mà?”. Kháng hồn nhiên trả lời: “Bây giờ phải đứng xa hơn mới thấy hết được Lào Cai yêu quý của mình”.

Thời gian ấy là thời gian vất vả nhất của gia đình Kháng. Có lúc cả nhà phải đến ngủ nhờ ở Văn phòng Nhà xuất bản với điều kiện là sáng dậy phải cuốn gói đi trước giờ làm việc.

Tình cảnh này được Kháng ghi lại rất cảm động trong một cuốn sách của anh.

Kháng rất khiêm tốn nói với tôi: “Mình đâu có năng khiếu bẩm sinh, nhưng được cái chịu khó quan sát, chịu khó học tiếng nói của người dân nên mới viết được nhiều đến thế.

Quả thực nhìn vào danh sách các tác phẩm của Kháng mà tôi sưu tầm khá đầy đủ thì thấy đó là một gia tài quá đồ sộ.

Đó là: Đồng bạc trắng hoa xòe (tiểu thuyết, 1979); Vùng biên ải (tiểu thuyết, 1983); Trăng non (tiểu thuyết, 1984); Phép lạ thường ngày; Thầy Thế đi chợ bán trứng; Mưa mùa hạ (tiểu thuyết, 1982); Mùa lá rụng trong vườn (tiểu thuyết, 1985); Võ sỹ lên đài; Thanh minh trời trong sáng; Hoa gạo đỏ; Côi cút giữa cảnh đời (tiểu thuyết, 1989); Đám cưới không giấy giá thú; Đám cưới không có giấy giá thú (tiểu thuyết, 1989); Chó Bi, đời lưu lạc (tiểu thuyết, 1992); Ngày đẹp trời (truyện ngắn, 1986); Vệ sĩ của Quan Châu (truyện ngắn, 1988); Giấy trắng (tiểu thuyết);

Trái chín mùa thu (truyện ngắn, 1988); Heo may gió lộng (truyện ngắn, 1992); Trăng soi sân nhỏ (truyện ngắn, 1994); Ngoại thành (truyện ngắn, 1996); Truyện ngắn Ma Văn Kháng (tuyển tập, 1996); Vòng quay cổ điển (truyện ngắn, 1997); Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương (hồi ký, 2009); Một mình một ngựa (Tiểu thuyết, 2007)…

Với sự lao động nghiêm túc và tài hoa thật sự, Kháng đã được đánh giá cao với rất nhiều phần thưởng cao quý. Điển hình là Giải thưởng Văn học ASEAN; Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2001; Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật năm 2012.

Ông bạn tôi nay đã bát thập cổ lai hy, vượt qua mức Thất thập như thơ Đỗ Phủ. Đáng tiếc là trái tim quá tải nên đã phải lồng vào động mạch vành cả mấy chiếc stent kim loại.

Kháng yếu hẳn và buồn rầu nói với tôi là hết khả năng đi xa nữa rồi.

Một hôm Kháng đến và trao cho tôi cuốn tiểu thuyết mới in “Người thợ mộc và tấm ván thiên” với lời tâm sự nghe xao xuyến quá: “Mình dồn hết sức lực vào cuốn này, không biết có phải là cuốn cuối cùng hay không đây”?

Nhà văn Ma Văn Kháng với tiểu thuyết "Người thợ mộc và tấm ván thiên" (Ảnh minh họa: toquoc.vn)

Nhà văn Ma Văn Kháng với tiểu thuyết "Người thợ mộc và tấm ván thiên" (Ảnh minh họa: toquoc.vn)

Kháng viết vào trang bìa hai “Rất thân quý tặng Lân Dũng và gia đình; Hà Nội đầu năm 2016; Ma Văn Kháng”.

Tôi đọc ngấu nghiến cuốn tiểu thuyết dày 312 trang này và thật mừng cho ông bạn vàng của mình. Theo tôi đây đúng là một tác phẩm để đời.

Tất nhiên là tôi mong Kháng khỏe lên để tiếp tục sự nghiệp cao cả của mình, nhưng trộm nghĩ nếu cuốn tiểu thuyết này kết thúc gia tài văn học của Kháng thì cũng quá xứng đáng với Kháng rồi.

Đó là câu chuyện gần như máu thịt của cuộc đời gắn với sự nghiệp giáo dục của Kháng.

Thầy giáo Quang Tình xung phong lên miền núi dạy học. Làng Nhuần nơi đồng bào Giáy sinh sống đã cuốn hút tâm trí thầy giáo trẻ miền xuôi. Rồi mối tình đẹp như mơ với cô gái dân tộc Giáy Lục Thị Thắm, con một nghệ nhân nổi tiếng.

Rồi Quang Tình chuyển về dạy ở Trường Bổ túc công nông và bắt đầu chạm trán với những quan niệm hẹp hòi, thiển cận, nhất là với ông Hiệu trưởng tên Hoàng. Sóng gió như bão táp dội lên đầu anh giáo trẻ.

Quang bị sa thải khỏi ngành cùng với những người bạn tốt như Lễ và Đình.

Bế tắc trước cuộc sống Quang Tình chấp nhận thử thách với việc học nghề mộc dưới sự dìu dắt nhiệt tình của ông phó mộc tốt bụng Văn Chi.

Quang Tình đã vượt lên trước bao nghịch cảnh để trở thành ông thợ mộc đủ tiền nuôi sống vợ con.

Cực nhọc, nham nhở, nhem nhuốc, bụi bặm, thô lỗ, cục cằn, lại bị coi là xoàng xĩnh, tầm thường, thấp kém… nhưng chính từ cuộc sống thực ấy Quang đã tìm thấy giá trị đích thực của mình và của người thầy đáng kính.

Câu chuyện cuốn hút người đọc với biết bao diễn biến phức tạp được miêu tả thật sinh động mà tôi không sao đủ sức kể lại.

Tôi ấn tượng nhất với đoạn kết khi ông thầy Văn Chi vốn rất tốt bụng, lịch lãm, nhưng đã sai lầm khi muốn trả thù những kẻ xấu.

Ông đã lấy những tấm ván thối từ bãi tha ma về để làm nên các đồ gia dụng tặng cho những kẻ đã gây ra biết bao bi kịch cho cuộc đời thầy giáo Quang Tình.

Nhưng ông bị thầy kịch liệt phản đối và ông đã nhận ra phần thiếu sót trong tư cách tưởng như đã hoàn thiện của mình.

Khép lại cuốn tiểu thuyết Ma Văn Kháng đã để thầy Quang Tình “nâng một trang giấy đầy chữ trên tay. Đó là bài thơ thầy mới hoàn thành đêm qua. Khe khẽ thầy đọc một mình cho mình nghe:

Cháu con hỡi

Khi ta tắt thở

Hãy tới công an phường

Xin phép

Đốt cho ta một tràng pháo tép

Mừng ta đã sống đẹp

Nếu phường không cho phép

Thì cứ đốt cho ta một quả pháo đùng

Tiếng sao âm vang tới tận thiên đình

Dõng dạc bảo: Ta ung dung chuyển cõi

(Người có tim sẽ không tra hỏi,

Đem luật hình sự ra soi)

Tiếng pháo biệt ly

Đừng cỗ bàn, báo tử làm chi

Một hạt bụi biến vào hư vô

Như ta đó, chẳng có gì đáng nói:

Sống chân thực đến mức thành khờ dại

Dốt nịnh đời, danh lợi chẳng màng chi

Cả một đời quằn quại vượt gian nguy

Mang chữ tình đeo nặng suốt đường đi

Lởn vởn giữa không trung

Mấy hồn mấy vía

Chờ một ngày tái nhập cõi trần gian

Ngày giỗ Tết cho ta một nén nhang

Để tưởng nhớ một người thân dĩ vãng

Rồi sống tốt những tháng ngày hiện tại

Với trái đất dày thịt xương nhân loại

Liên tiếp thành hóa thạch gửi đời sau”.

Ma Văn Kháng ghi sau câu cuối một dấu * để ghi chú thơ Trần Đình Huỳnh, cũng là một người bạn của tôi và Kháng.

Thơ không thật nhiều vần điệu nhưng sao tôi thấy xúc động quá. Tôi có cảm tưởng Kháng cố tình đưa vào cuối sách giống như một trang Di chúc dành cho chính mình.

Gấp cuốn sách lại tôi nghĩ rằng: Giữa thời buổi ngổn ngang thật giả, xấu tốt như hiện nay, đây là cuốn sách mà mỗi chúng ta, không kể già hay trẻ đều nên đọc và suy ngẫm.

Nguyễn Lân Dũng

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/van-hoa/nguoi-tho-moc-va-tam-van-thien--cuon-tieu-thuyet-khong-the-bo-qua-post195612.gd