Người thích mới lạ cùng sân khấu thử nghiệm

Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề giáo viên, song từ bé Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Chí Kiên đã nung nấu ý định đi theo nghệ thuật sân khấu. Ðỗ Ðại học Xây dựng, nhưng anh vẫn lựa chọn theo đam mê để thi vào Ðoàn Kịch nói Hà Nội.

Nghệ sĩ Ưu tú Chí Kiên trong phim Mùi cỏ cháy.

Trong hơn một năm ở Ðoàn Kịch nói Hà Nội, Chí Kiên đã theo đoàn đi diễn nhiều nơi với vai trò diễn viên quần chúng. Sau đó, anh được gửi sang học tập tại Trường trung cấp nghệ thuật Hà Nội, học xong anh lại về đầu quân cho Ðoàn nghệ thuật Múa rối Hà Nội nay là Nhà hát múa rối Thăng Long. Cái duyên đến với múa rối dễ dàng vậy, song con đường sự nghiệp của anh lại lắm gian truân. Năm 1988, sau đám cưới, hai vợ chồng nhận được tin đoàn giảm biên chế; đành phải ra ngoài làm đủ nghề kiếm sống, nào đi tàu biển, buôn bán xe đạp… Khoảng năm 1992-1993, đơn vị cũ của anh nhận rạp mới ở đường Ðinh Tiên Hoàng, Hà Nội. Giám đốc nhà hát khi đó tiếc lớp diễn viên của anh vốn đã được đào tạo cơ bản nên gọi về tiếp tục hoạt động nghệ thuật. Từ đây, anh được làm công việc đúng như mơ ước. "Thời gian đầu, cuộc sống còn nhiều khó khăn, tôi hầu như chỉ đi diễn kiếm tiền nuôi sống gia đình, không dám mơ ước điều gì cao xa. Ðến năm 2000, kết thúc giai đoạn vất vả, không còn cảnh ăn bữa nay lo bữa mai, tôi bắt đầu nghĩ đến phải làm cái gì đó cho nghề". Chí Kiên nhớ lại, khi đó, anh đã 35 tuổi.

Trong một lần sang Nhật Bản biểu diễn, buổi chiều Chí Kiên dạo quanh hồ và bất chợt thấy đàn thiên nga trắng đang kiếm ăn, rồi xuất hiện một chú thiên nga đen lao vào giữa đàn. Về nhà, anh đã nghĩ ra tứ cho một tiết mục chào đón thiên niên kỷ mới; một vở diễn về cái thiện và cái ác, lại chứa đựng chất hài hước dễ thương. Sau đó, anh kết hợp với Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Anh Tú thực hiện vở rối thử nghiệm mang tên Trấn cổ Loa thành. Trong Liên hoan Sân khấu thử nghiệm lần thứ hai năm 2008, vở diễn được trao Huy chương bạc và Giải đặc biệt cho sáng tạo của đạo diễn. Ðó cũng là thời điểm được nhiều ý kiến cho là bước ngoặt của sân khấu múa rối. Từ lúc có khát vọng làm cái gì đáng nhớ cho nghề, Chí Kiên luôn đau đáu làm sao thoát ra khỏi lối mòn, vì nếu cứ theo nếp truyền thống múa rối sẽ không còn khán giả. Theo anh, làm một tác phẩm khiến nhiều người tranh luận, ở góc độ nào đó, được coi là thành công.

NSƯT Chí Kiên theo học khoa đạo diễn Trường đại học Sân khấu Ðiện ảnh Hà Nội niên khóa 2007-2011, từ đó đến nay anh đã dàn dựng khoảng 10 vở, biểu diễn khắp từ nam ra bắc. Riêng tại Nhà hát Múa rối Thăng Long, mỗi năm anh khai sàn một tác phẩm, thuộc đủ các đề tài. Chí Kiên luôn thắc mắc, tại sao người Việt Nam thường coi múa rối và xiếc chỉ dành cho trẻ con? Và anh muốn làm múa rối dành cho người lớn. thí dụ như khi công diễn vở Hồn Trương Ba, da hàng thịt, anh rất muốn đề thêm dòng chữ: "Cấm trẻ em dưới 15 tuổi", vì mỗi vở có đối tượng riêng. Thêm nữa, tác phẩm kinh điển này chỉ người lớn hiểu được. Ít ai biết, Chí Kiên đã ấp ủ dựng Hồn Trương Ba, da hàng thịt trong 9 năm, từ lúc bắt đầu học đạo diễn. Năm 1997, khi đơn vị anh sang Mỹ, bắt gặp Nhà hát Kịch Việt Nam cũng mang vở này sang biểu diễn thành công. Khi tốt nghiệp, anh muốn dàn dựng luôn nhưng cảm thấy sức mình chưa đủ. Ðến năm 2016, anh và họa sĩ, NSƯT Doãn Bằng dựng vở này để dự Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm. Khi bắt tay dựng vở, gia đình tác giả Lưu Quang Vũ không tin Chí Kiên sẽ làm được. Hội đồng nghệ thuật cũng nghi ngờ, đến nỗi anh phải xin mấy lần mới được chấp thuận. Ai cũng bảo: Một vở kịch nói kinh điển, sao có thể dựng trên sân khấu múa rối? Ấy thế mà anh đã làm được. Khán giả đến với Hồn Trương Ba, da hàng thịt của anh không phải xem nội dung mà xem múa rối sẽ lý giải câu chuyện thế nào. Ðặc thù của sân khấu rối là trò, trò nói thay lời. Kịch bản của tác giả Lưu Quang Vũ gồm 95 trang, được biên tập lại còn 23 trang, 62 trang kia biến thành hành động diễn ra trên mặt phẳng thẳng đứng. Vở diễn chỉ dài 70 phút song vẫn giữ đầy đủ tư tưởng của tác giả. Trong Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ ba năm 2016, vở diễn được trao giải xuất sắc dành cho thể loại múa rối. Chí Kiên bảo, anh thích làm những tác phẩm không giống ai, vì thế chỉ thích thử nghiệm. Anh đang dự định chuyển thể một vở kịch cổ điển của thế giới sang nghệ thuật múa rối.

Từ xuất phát điểm diễn viên rồi rẽ sang múa rối, song Chí Kiên vẫn tự hào mình luôn gắn bó với nghiệp diễn, cả sân khấu lẫn điện ảnh. Trong Liên hoan Sân khấu thử nghiệm lần thứ hai năm 2008, anh đoạt giải Nam diễn viên xuất sắc với vai nhà sư trong vở Ðến bờ bên kia của đạo diễn, NSND Anh Tú. Anh đoạt giải Diễn viên phụ xuất sắc trong phim điện ảnh Nước mắt người tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17; vai đại đội trưởng Phong của anh trong phim Mùi cỏ cháy cũng được đề cử giải Nam diễn viên xuất sắc. Trên sân khấu múa rối, anh từng nhận Huy chương vàng trong tiết mục Múa Chăm, Huy chương bạc cho vai An Dương Vương trong Trấn cổ Loa thành... Và giờ đây, ở vai trò đạo diễn, đích đến của NSƯT Chí Kiên là đạt tới một đỉnh nào đó của nghề "phù thủy" sàn diễn.

THU HUYỀN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/36287302-nguoi-thich-moi-la-cung-san-khau-thu-nghiem.html