Người thi hành công vụ gây thiệt hại, Nhà nước phải bồi thường

Thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP do Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ban hành hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLDS 2015 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Đáng chú ý, Điều 3 Nghị quyết đã hướng dẫn về thiệt hại thực tế (trước đây BLDS 2005, BLDS 2015 và Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP không quy định).

Theo Nghị quyết 02/2022, thiệt hại thực tế là thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần. Thiệt hại thực tế được tính thành tiền tại thời điểm giải quyết bồi thường. Thiệt hại phát sinh sau thời điểm giải quyết bồi thường lần đầu được xác định tại thời điểm giải quyết bồi thường lần tiếp theo nếu có yêu cầu của người bị thiệt hại.

Về bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra, Điều 10 nghị quyết nêu rõ, thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Trường hợp người bị thiệt hại khởi kiện yêu cầu bồi thường thì tòa án xem xét, thụ lý, giải quyết theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Về trách nhiệm của chủ sở hữu khi tài sản gây thiệt hại, Điều 584 BLDS 2015 quy định, trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại…

Người chiếm hữu mà không phải là chủ sở hữu thì phải bồi thường thiệt hại nếu đang nắm giữ, chi phối trực tiếp hoặc gián tiếp tài sản như chủ thể có quyền đối với tài sản tại thời điểm tài sản gây thiệt hại.

Theo Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, việc áp dụng quy định này được thực hiện theo nguyên tắc, người chiếm hữu mà không phải là chủ sở hữu thì phải bồi thường thiệt hại nếu đang nắm giữ, chi phối trực tiếp hoặc gián tiếp tài sản như chủ thể có quyền đối với tài sản tại thời điểm gây thiệt hại.

Ví dụ, A là chủ sở hữu ô tô đã giao ô tô đó cho B, B lái ô tô tham gia giao thông gây tai nạn và gây thiệt hại thì:

Nếu A thuê B lái ô tô và trả tiền công cho B, việc sử dụng ô tô là do A quyết định. Trong trường hợp này, A là người chiếm hữu, chi phối đối với ô tô. Do đó, A phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Nếu A giao ô tô cho B thông qua hợp đồng cho thuê tài sản hợp pháp, việc sử dụng ô tô là do B quyết định. Trong trường hợp này, B là người chiếm hữu, chi phối đối với ô tô. Do đó, B phải bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Còn với chủ sở hữu tài sản thì khi tài sản gây thiệt hại sẽ phải bồi thường phần thiệt hại này trừ trường hợp người chiếm hữu phải chịu trách nhiệm như đã nêu trên. Chủ sở hữu tài sản được xác định tại thời điểm tài sản gây thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nguoi-thi-hanh-cong-vu-gay-thiet-hai-nha-nuoc-phai-boi-thuong-post527973.antd