Người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khai sinh, khởi nguồn cho nền báo chí cách mạng Việt Nam. Gần 60 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh viết báo để làm cách mạng, với 169 tên gọi, bí danh và bút danh, được thể hiện bằng nhiều thứ tiếng, tạo nên những tác phẩm báo chí xuất sắc đăng trên nhiều tờ báo trong và ngoài nước. Từ tác phẩm đầu tiên 'Quyền của các dân tộc thuộc địa' trên Báo Nhân đạo ngày 18-6-1919 đến tác phẩm cuối cùng 'Thư trả lời Tổng thống Mỹ' trên Báo Nhân Dân ngày 25-8-1969, Bác đã viết hơn 2.000 bài báo các loại, gần 300 bài thơ, gần 500 tranh truyện và ký.

Người đã sáng lập ra hàng chục tờ báo và đã chỉ thị thành lập các cơ quan báo chí lớn ở Việt Nam. Báo Thanh niên-cơ quan tuyên truyền, cổ động của Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội là tờ báo cách mạng đầu tiên của nước ta do Nguyễn Ái Quốc sáng lập và trực tiếp phụ trách, ra số đầu tiên vào ngày 21-6-1925, và đây cũng là Ngày truyền thống báo chí cách mạng Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại hệ thống các quan điểm, tư tưởng đặc sắc về báo chí cách mạng Việt Nam. Người khẳng định báo chí chỉ đúng về chính trị khi được lãnh đạo của một đảng dựa trên nền tảng Chủ nghĩa Mác-Lênin, một đảng mang bản chất của giai cấp công nhân và gắn bó mật thiết với dân tộc, với nhân dân. Vì vậy, theo Bác: “Tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành,…) phải có lập trường chính trị vững chắc”.

Tôn chỉ, mục tiêu của báo chí cách mạng là “đoàn kết toàn dân, thi đua ái quốc” cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đối tượng của tờ báo là phục vụ nhân dân, là diễn đàn của nhân dân, thức tỉnh các tầng lớp nhân dân, nhất là đông đảo quần chúng lao động. Người cho rằng: “Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng, thì không xứng đáng là một tờ báo”.

Ngay từ năm 1946, Bác đã căn dặn cán bộ tuyên truyền, “bao giờ ta cũng tôn trọng sự thực”, phải có lượng thông tin cao, mang tính khách quan, chính xác. Bác đã dạy, viết “những điều mắt thấy, tai nghe”, “không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng, nhiệm vụ báo chí cách mạng là phải đi tiên phong trong đấu tranh không khoan nhượng với những gì ngược lại quy luật của lịch sử, vạch trần tính chất phản động, giả dối, bịp bợm của kẻ thù dân tộc.

Bác viết: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Người cũng chỉ rõ, sứ mệnh báo chí là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và quần chúng, cầu nối giữa các quốc gia, là phương tiện để các cộng đồng, các dân tộc hiểu biết nhau hơn, vì thế, Bác căn dặn làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, về nội dung, về cách viết.

Đối với những người làm báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải vừa “hồng”, vừa “chuyên”, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng; nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hóa, phải đi sâu vào nghiệp vụ.

Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có sự thống nhất về sự nghiệp báo chí và sự nghiệp cách mạng vĩ đại. Những tinh thần chỉ dẫn của Bác có giá trị như một tuyên ngôn lâu dài khi Người khẳng định: “Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? Viết như thế nào?”. Tức là phải xác định rõ đối tượng, mục đích, nội dung, phương pháp viết báo, làm báo để phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Đại tá, PGS, TS BÙI MẠNH HÙNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/nguoi-thay-vi-dai-cua-bao-chi-cach-mang-viet-nam-623918