Người thầy 'truyền lửa'

Mặt trời gần đứng bóng, nhưng tại điểm cao 148-Núi Voi, không khí tập bài của Lớp 55D, Hệ Đào tạo cán bộ chính trị cấp chiến thuật-chiến dịch (CT-CD), Học viện Chính trị vẫn hết sức tập trung. Đại tá, ThS Hoàng Ngọc Cẩn, Chủ nhiệm Bộ môn CT-CD-Tiến công, Khoa CT-CD nhiệt tình truyền đạt cho học viên những kiến thức cơ bản, bài học kinh nghiệm cùng một số kỹ năng công tác cần thiết của người chính ủy trung đoàn trong nội dung 'Trinh sát thực địa'.

Đó là sự tận tụy thường thấy ở Đại tá, ThS Hoàng Ngọc Cẩn trong quá trình giảng dạy và công tác. Bất kể khi huấn luyện ngoài thao trường, lên lớp trên giảng đường hay các buổi học ngoại khóa, anh đều muốn đi đến tận cùng giới hạn nhận thức của học viên. Nội dung nào học viên còn “lơ mơ”, anh tận tình giảng giải, chỉ bảo, dẫn chứng cụ thể. Khi giảng bài, anh dành phần lớn thời gian truyền thụ kiến thức thực tế cho bộ đội. Bởi theo anh, việc tăng cường kỹ năng thực hành, đồng thời vận dụng sáng tạo lý luận cơ bản vào giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn sẽ giúp học viên sau khi ra trường có thể bắt tay ngay vào nhiệm vụ được giao.

 Đại tá Hoàng Ngọc Cẩn (ngoài cùng, bên phải) trao đổi kinh nghiệm học tập với các học viên và đồng nghiệp. (Ảnh chụp ngày 22-4-2021)

Đại tá Hoàng Ngọc Cẩn (ngoài cùng, bên phải) trao đổi kinh nghiệm học tập với các học viên và đồng nghiệp. (Ảnh chụp ngày 22-4-2021)

Theo Đại tá, ThS Hoàng Ngọc Cẩn, người chính ủy, cán bộ chính trị ở đơn vị cơ sở có vai trò hết sức quan trọng, là lực lượng "truyền lửa" nhiệt huyết, tinh thần cống hiến cho bộ đội; cũng là những hạt nhân đoàn kết ở từng cơ quan, đơn vị; chỗ dựa tinh thần vững chắc cho cán bộ, chiến sĩ trong mọi hoàn cảnh, nhất là trong thực thi nhiệm vụ hiểm nguy, gian khổ. Do vậy, quá trình giảng dạy, anh luôn tìm tòi, nghiên cứu về hoạt động CTĐ, CTCT, truyền thống quân đội, đồng thời chú trọng nghiên cứu, tìm hiểu, phân tích kỹ các chiến lệ điển hình của quân đội ta cũng như thế giới, làm cơ sở phân tích, giảng dạy, truyền cảm hứng tới học viên, khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc.

Vốn trưởng thành từ cơ sở, trải qua nhiều cương vị lãnh đạo, chỉ huy, môi trường công tác khác nhau, từ cơ quan, đơn vị chủ lực, đơn vị khung thường trực, đoàn kinh tế-quốc phòng trên biên giới đến nhà trường nên anh hiểu hơn ai hết những phẩm chất, kiến thức cần có của người cán bộ chính trị cấp CT-CD. Đại tá, ThS Hoàng Ngọc Cẩn cho rằng, cùng với nắm vững chuyên môn CTĐ, CTCT, người chính ủy trung, sư đoàn phải có sự hiểu biết sâu sắc các nguyên tắc chiến thuật, kỹ năng công tác tham mưu tác chiến. Bởi dưới quyền của mình phần lớn là cán bộ quân sự, nếu không nắm toàn diện những kiến thức cơ bản đó sẽ gặp khó khăn trong lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị. Ví như quá trình chỉ đạo, điều hành một cuộc diễn tập cấp chiến thuật thì đồng chí chính ủy, chính trị viên phải chủ trì hội nghị đảng ủy thông qua quyết tâm chiến đấu của đồng chí trung đoàn trưởng, sư đoàn trưởng, chỉ huy trưởng ban CHQS huyện, bộ CHQS tỉnh, nếu không tinh thông về quân sự, chiến thuật, thiếu kỹ năng lãnh đạo, chỉ huy, điều hành, không đủ tự tin khi phát biểu, kết luận thì đồng chí chính ủy, chính trị viên đó sẽ khó xây dựng uy tín trước tập thể, “sức nặng” của lời nói trước đơn vị sẽ giảm.

Đó cũng là lý do trong quá trình huấn luyện, nhất là khi tập bài, thảo luận, bằng kinh nghiệm thực tiễn phong phú của mình, Đại tá, ThS Hoàng Ngọc Cẩn luôn quan tâm bồi dưỡng, chỉ rõ cho đội ngũ học viên đào tạo cán bộ chính trị cấp CT-CD vị trí, vai trò của người chính ủy, chính trị viên, những yếu tố tạo nên sức mạnh chiến đấu của một đơn vị, một quân đội mà nhân tố chính trị tinh thần là hết sức quan trọng. Cũng đồng thời giúp học viên nhận thức đúng vị thế của mình trong cơ quan, đơn vị, từ đó tích cực học tập, nghiên cứu, trau dồi kiến thức, làm chủ bản thân. Theo anh, kiến thức lĩnh hội trong nhà trường chỉ là cơ sở ban đầu, để quá trình công tác sau này được thuận lợi, người cán bộ chính trị cấp CT-CD nhất thiết phải phát huy tốt tinh thần tự học tập, nghiên cứu, thường xuyên trau dồi kiến thức, liên tục đúc rút kinh nghiệm thực tiễn. Đặc biệt phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, xác định đúng vị trí công tác được giao, bình tĩnh, tự tin trong xử lý các tình huống, dù khó khăn, phức tạp, nguy hiểm đến mấy. Ngoài ra, quá trình công tác phải thật sự chân thành, thẳng thắn, tôn trọng ý kiến tập thể, tôn trọng người chỉ huy, luôn là hạt nhân đoàn kết trong cơ quan, đơn vị, giải quyết hài hòa các mối quan hệ.

Được biết, ở cương vị là Chủ nhiệm bộ môn, những năm qua, nhất là năm học 2020-2021, Đại tá, ThS Hoàng Ngọc Cẩn đã điều hành Bộ môn CT-CD-Tiến công luôn hoàn thành vượt định mức giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Bộ môn đã thông qua 9 chủ đề, trong đó có 1 bài giảng mẫu trước toàn học viện, do anh trực tiếp lên lớp, đạt kết quả xuất sắc, được Đảng ủy, Ban giám đốc học viện ghi nhận, đánh giá cao. Năm 2020, Đại tá Hoàng Ngọc Cẩn thực hành giảng 8 chủ đề, thảo luận 4 chủ đề, hướng dẫn tập bài 2 tưởng định; thời gian huấn luyện 494 giờ, vượt mức quy định 244 giờ; nghiên cứu khoa học 680 giờ, vượt mức quy định 350 giờ. Anh còn là chủ nhiệm một đề tài khoa học cấp học viện, là thành viên 3 đề tài; tham gia hiệu quả nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học khác... Từ năm 2019 đến nay, Đại tá, ThS Hoàng Ngọc Cẩn liên tục được công nhận là giảng viên giỏi cấp học viện, là chiến sĩ thi đua cơ sở; được tặng 1 bằng khen, 3 giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy, điều hành diễn tập và nghiên cứu khoa học.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá, TS Lê Quang Trung, Chủ nhiệm Khoa CT-CD, Học viện Chính trị, đánh giá: “Đồng chí Hoàng Ngọc Cẩn là một giảng viên có năng lực sư phạm tốt, tác phong làm việc khoa học, luôn tận tụy, cầu thị trong công tác; nghiêm túc, trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học, được Đảng ủy, Ban giám đốc Học viện Chính trị, chỉ huy Khoa CT-CD cũng như đồng chí, đồng nghiệp yêu mến, quý trọng, là tấm gương sáng để cán bộ, giảng viên trong khoa học tập, noi theo”.

Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/nguoi-thay-truyen-lua-660179