Người thầy sinh viên của chúng tôi

Thầy ơi! Thầy là 'Teacher of the teachers', thầy đã truyền ngọn lửa yêu nghề, lòng đam mê, sáng tạo cho 41 thế hệ nhà giáo chúng em.

Nhắc đến người thầy sinh viên, nhiều phụ huynh và học sinh khu vực Lương Y, thành phố Huế đều rất trân trọng, nể phục bởi tấm lòng nhân ái, đam mê trải nghiệm, yêu nghề dạy học của các thầy cô giáo là sinh viên.

Có lần, Cụ bà Hoàng Thị Lượt 87 tuổi, nay ở tại số nhà 20/3 đường Lương Y hỏi tôi:

“Cháu ơi! Cậu sinh viên dạy nhóm Tình Thân hay đi chiếc xe đạp màu xanh, khuôn mặt hiền từ, dáng đi nhẹ nhàng, tính tình hoạt bát vui vẻ… chắc bây giờ là cây đa cổ thụ trong ngành giáo dục phải không cháu?

Sao bà biết?

Vì hơn 40 năm về trước bà dẫn hai đứa con của bà đến xin học, thầy tiếp đón bà rất lễ phép, thân thiện. Những cô, cậu sinh viên này lại yêu thương học sinh như em ruột của mình vậy!

Dạ đúng rồi, thưa bà! Đó chính là người thầy sinh viên của cháu tên là Nguyễn Khoa Lân.

Thầy sinh ra ở thành phố Huế, lớn lên theo gia đình vào Đà Nẵng sinh sống. Những năm học phổ thông trung học tại trường Phan Chu Trinh, thầy chăm chỉ học tập với mơ ước lớn lên được đứng trên bục giảng và mơ ước ấy đã trở thành hiện thực khi thầy đậu vào Trường đại học Sư phạm Huế (khóa 1971-1975) Ban Vạn vật.

Nhóm sinh viên Lớp Vạn Vật, Trường Đại học Sư phạm Huế Khóa 1971-1975 (Thầy Nguyễn Khoa Lân: người cầm đàn). Ảnh: tác giả cung cấp.

Trong những năm tháng ở giảng đường đại học thầy rất nhiệt tình, năng nổ trong các phong trào của sinh viên Trường đại học Sư Phạm Huế và của Viện Đại học Huế.

Với bề bộn công việc như thế nhưng thầy vẫn cùng các bạn sinh viên mở lớp “Tình Thân” dạy miễn phí cho học sinh nghèo, gồm hai lớp Đệ tứ và Đệ tam năm 1973, trong đó có tôi.

Chúng tôi là những học sinh đời đầu của các thầy cô: Hoàng Kim Khánh, Nguyễn Khoa Lân, Lê Thị Trĩ, Võ Tình, Nguyễn Văn Khôi… Chín phần mười số học sinh trong nhóm là con nhà nông dân không có ruộng cày, viên chức nghèo do hoàn cảnh các làng bị “lập ấp chiến lược”.

Chứng kiến cảnh chết chóc, bom đạn loạn lạc… cuộc sống như nghìn cân treo sợi tóc, bố mẹ sợ quá đành bỏ hết ruộng vườn, nhà cửa, trâu bò, gia cầm, công cụ sản xuất… Dẫn dắt, bồng bế hoặc gánh gồng con thơ trốn lên vùng Lương Y, khu phố Thuận Lộc, Thành phố Huế nương náu và việc học của chúng tôi từ đó bị gián đoạn.

Kiến thức các môn Tự nhiên và Xã hội hổng nặng không theo kịp bạn bè cùng lớp. Nhiều lúc chúng tôi chán nản muốn bỏ học giữa chừng.

Lớp “Tình Thân” khai giảng có sẵn bàn ghế, bảng, phấn, nước… như là bùa hộ mệnh cho học sinh nghèo chúng tôi.

Học sinh đến lớp với hai bàn tay trắng. Các thầy cô vui vẻ đón tiếp rất thân thiện, dành tất cả sự thông cảm, tình yêu thương cho học sinh của mình.

Các thầy cô âm thầm nghiên cứu giáo án, chọn phương pháp giảng dạy phù hợp, tinh giản, dễ hiểu rồi vận dụng vào bài giảng sao cho phù hợp với các đối tượng học sinh, giúp các em hiểu bài nhanh, tiếp thu bài một cách hiệu quả.

Nhìn cách trình bày bảng rõ ràng, khoa học, chính xác, chữ viết đẹp, lời giảng nhẹ nhàng, sâu lắng… các em vô cùng tin tưởng và quý mến thầy cô.

Sau mỗi tiết học các em được kiểm tra, chấm chữa bài tỉ mỉ, phát hiện học sinh hổng kiến thức ở bài nào, phần nào, dạng nào nhằm kèm cặp phụ đạo kịp thời rồi hướng dẫn các em phương pháp tự học, học nhóm, mỗi nhóm gồm 4 bạn gần nhà nhau.

Trong giờ giải lao thầy cô luôn gần gũi, tâm sự, tìm hiểu hoàn cảnh từng em, em nào hiếu động, ít tập trung trong giờ học thầy cô thường hướng thiện qua những câu chuyện có tính thuyết phục cao, mong sao học sinh mình ngày càng tốt hơn, hoàn thiện hơn.

Với lòng yêu nghề, say mê sáng tạo đầy nhiệt huyết của tuổi thanh xuân, nhóm “Tình Thân” sau khóa học ba tháng chúng tôi đã theo kịp các bạn bè trong lớp. Cha mẹ, thầy cô đều rất phấn khởi.

Cuối mỗi khóa học thầy cô còn tổ chức cho học sinh đi cắm trại ở đồi Thiên An, chùa Từ Hiếu…

Khóa học thứ hai, thầy giáo Nguyễn Khoa Lân lại cùng một số bạn sinh viên khác tiếp tục dạy bồi dưỡng nâng cao. Kết quả lực học trong nhóm tiến bộ rõ rệt.

Có bạn thi vào lớp 10 Trường Hàm Nghi đạt điểm cao nhất, một số bạn được nhận phần thưởng cuối năm, có bạn vào trường chuyên toán Quốc Học.

Hè 1976, học sinh đỗ tốt nghiệp phổ thông trung học 100%, có 2 bạn trúng tuyển vào Trường Y Khoa Huế, số còn lại vào trường sư phạm các cấp, một vài giáo viên có năng lực bồi dưỡng học sinh giỏi cấp Tỉnh, cấp quốc gia.

Năm 1976, thầy giáo Nguyễn Khoa Lân được giữ lại Trường đại học Sư phạm Huế làm công tác giảng dạy.

Thầy không dừng lại ở đó mà vừa dạy, vừa nghiên cứu khoa học, vừa tham gia học tập nâng cao trình độ. Năm 2004, thầy được phong hàm Phó giáo sư, Tiến sĩ.

Với trái tim nhân hậu và lòng hăng say nghiên cứu và giảng dạy, thầy đã đào tạo hơn 40 thế hệ học sinh, nhà giáo và nhà nghiên cứu tỏa đi khắp đất nước, có nhiều em nay là giảng viên đại học, nhà nghiên cứu, nhà giáo uy tín.

Năm 2015, tôi trở về Trường đại học Sư phạm Huế trong cương vị là một phụ huynh đi ngang qua giảng đường nhìn thầy trong trang phục rất giản dị, áo sơ mi trắng, quần xám, trông thầy còn rất trẻ.

Đứng bên hông giảng đường, lắng tai nghe giọng thầy truyền đạt, vẫn trầm ấm, nhẹ nhàng thổi hồn vào bài giảng thật mượt mà, sinh động, dễ hiểu, y chang 42 năm trước thầy đã dạy tôi.

Rời trường, tôi phóng xe về biển Hải Dương hít thở không khí trong lành, men theo bờ biển hóng mát, trước mắt tôi hiện lên khu rừng ngập mặn Rú Chá, hai bên là hàng đước, giá, quao nước um tùm xanh ngắt, thân ngoằn ngoèo nối tiếp nhau che mát cho những hàng cây lúp xúp mới trồng.

Những con đường uốn lượn trong rú thật đẹp mắt, thỉnh thoảng những cơn gió lùa đưa hương thơm đồng nội thật sảng khoái. Dưới mặt nước trong xanh có rất nhiều cua, tôm, cá...

Thấy cần câu bác nông dân vừa thả xuống hồ thì phao động đậy, thích quá tôi đến bên xem và tấm tắc khen cảnh đẹp thiên nhiên nơi đây.

Bác nói rừng ngập mặn Rú Chá trước đây rất hoang sơ, mùa mưa hay bị sạt lở, ngập úng dài ngày khổ lắm cô à.

Cách đây gần 15 năm, có ông Tiến sĩ tên là Nguyễn Khoa Lân đến đây nghiên cứu và đề xuất việc cải tạo đê đập rồi trồng cây ngập mặn, tạo bãi bồi chống xói mòn, sạt lở... xây dựng khu du lịch sinh thái để bảo vệ môi trường và phục vụ dân sinh.

Rú Chá đã và đang được chính quyền và các ban ngành chức năng đầu tư cải tạo, trồng cây ngập mặn theo kế hoạch đã đề xuất, nay mới có rừng cây đẹp đẽ duyên dáng thế này.

Thì ra thầy giáo Khoa Lân còn là một nhà nghiên cứu và thực nghiệm vô cùng tâm huyết và có trách nhiệm cao.

Thầy Nguyễn Khoa Lân cùng các em sinh viên nghiên cứu trồng rừng ngập mặn ở Rú Chá (Ảnh: tác giả cung cấp).

Cách đây 4 tháng, gặp thầy Lân trên mạng xã hội (facebook), tôi hỏi thăm sức khỏe thầy và nói em muốn viết về thầy giáo của em, thầy nói sơ qua quá trình công tác thầy nhé, mặc dù qua đồng nghiệp của thầy, tôi biết thầy đã được nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2006.

Thầy cười và nói: Cám ơn em nhưng đừng viết nữa, cuộc đời “sắc sắc không không” mà em. Các học trò của thầy hiểu và ghi nhận đó chính là niềm hạnh phúc, là món quà vô giá đối với thầy.

Tháng 7/2018, tôi và con gái Mai Thị Phương Thảo là một giáo viên Toán trẻ nhất đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Tỉnh Lâm Đồng đã ghé nhà thăm thầy.

Thầy tiếp đón rất niềm nở và chu đáo, qua chuyện trò cởi mở Thảo hỏi: Thưa thầy bốn mươi lăm năm về trước lúc đó các thầy còn là sinh viên, dạy mẹ con miễn phí lại còn tổ chức cho cả nhóm đi tham quan thì tiền đâu mà có ạ?

Thầy cười đôn hậu rồi từ tốn nói: Con có biết không! Sinh viên khi nào cũng nghèo tiền mà giàu tình cảm con à!

Lúc về nhà Thảo nói thầy của mẹ thật tuyệt vời, hèn chi cứ mỗi lượt chèo đò chở học trò qua sông mẹ đều kể về thầy của mẹ, nay mẹ về hưu rồi, con sẽ tiếp tục kể về thầy Khoa Lân mẹ nhé!

Thầy ơi! Thầy là “Teacher of the teachers”, thầy đã truyền ngọn lửa yêu nghề, lòng đam mê, sáng tạo cho 41 thế hệ nhà giáo chúng em.

Cám ơn thầy, một Phó giáo sư, Tiến sĩ, một Kỹ sư tâm hồn, một Nhà nghiên cứu khiêm nhường suốt đời cống hiến cho khoa học, cho sự nghiệp trồng người cao cả. Chúng em luôn tri ân biết ơn thầy!

ĐẶNG THANH LỆ

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/ban-doc-viet/nguoi-thay-sinh-vien-cua-chung-toi-post192262.gd