'Người thầy phải biết lắng nghe và chịu đổi mới'

Đây là ý kiến được TS Bùi Trân Phượng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, chia sẻ tại buổi tọa đàm 'Định vị hình ảnh người thầy' do Trường THPT Nguyễn Du, quận 10 tổ chức vào chiều 21-8.

Bằng những câu chuyện có thật trên bục giảng, các khách mời đã thẳng thắn chia sẻ ý kiến của mình về những vấn đề giáo dục được đề cập như vai trò của người thầy, quan niệm “mỗi thầy cô là một tấm gương sáng”; sự thích nghi của người thầy trong xã hội hiện nay; thử thách, áp lực của nghề giáo viên…

TS Bùi Trân Phượng, nguyên Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen chia sẻ tại buổi tọa đàm

TS Bùi Trân Phượng, nguyên Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen chia sẻ tại buổi tọa đàm

Nói về sự cần thiết của giáo viên khi thích nghi với nền giáo dục hiện đại, Tiến sĩ Bùi Trân Phượng nhấn mạnh: ”Người thầy bây giờ không thể yên tâm làm thầy như xưa nay vốn chúng ta vẫn quen làm thầy. Chúng ta phải hết sức lắng nghe và chịu đổi mới. Người thầy luôn luôn quan trọng nhưng chỉ phát huy được tác dụng khi người thầy hiểu được mình đang làm thầy trong một môi trường đang thay đổi như thế nào”.

Đồng quan điểm, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, khẳng định: “Muốn giờ học có kết quả cần có sự tương tác giữa thầy và trò. Đứng trước sự phản biện của học sinh người thầy nên bình tĩnh, lắng nghe và tiếp thu chứ rập khuôn lỗi giáo dục xưa cũ, dùng quyền năng của người thầy ở trường hợp đó là sai hoàn toàn”.

Đề cập đến thực tế thí sinh đăng ký xét tuyển vào ngành sư phạm ngày càng ít dần, TS Nguyễn Thị Bích Hồng, ĐH Sư phạm TP.HCM, cho hay số lượng đăng ký học sư phạm nhiều hay ít không quan trọng, chỉ quan trọng có tìm đúng người hay không? Tránh tình trạng “không muốn làm ruộng thì cầm cây viết”, hay vì ngành lấy điểm thấp lại miễn học phí mà đăng ký vào sẽ rất nguy hiểm.

Được biết buổi tọa đàm “Định vị hình ảnh người thầy” là một chuyên đề trong chuỗi chương trình xuyên suốt của trường nhằm mục đích tập huấn giáo viên, xác định được hình ảnh vị trí của người thầy để người thầy hiểu được mình là ai, mình phải làm gì mình phải hành xử như thế nào, góp phần làm cho văn hóa nhà học đường ngày càng đẹp hơn, đẩy lùi những vấn nạn học đường đang có nguy cơ xảy ra.

THỦY TRÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/giao-duc/nguoi-thay-phai-biet-lang-nghe-va-chiu-doi-moi-788829.html