Người thầy nặng lòng với văn học dân gian

Trên tinh thần đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới nội dung giảng dạy, đặc biệt là giáo dục học sinh bảo tồn văn hóa truyền thống, thầy Trần Minh Thương - giáo viên Văn Trường THPT Ngã Năm (Thị xã Ngã Năm, Sóc Trăng) đã 'truyền lửa' cho trò qua những tiết học và dự án đầy thú vị.

Thầy Trần Minh Thương

Thầy Trần Minh Thương

Khởi nguồn từ dự án “Tết quê”

Tết trong cuộc sống hiện đại đã làm cho người ta quên đi nhiều hương vị đầm ấm của Tết xưa. Chính vì lẽ đó, thầy Trần Minh Thương (Tổ trưởng Tổ Văn - Sử - Địa - Giáo dục công dân, Trường THPT Ngã Năm) muốn thế hệ học sinh của mình tìm lại Tết xưa, cụ thể là giao bài tập dự án Tết cho các em. Đây là năm thứ 2 thầy Thương giao bài tập dự án Tết cho học trò, chương trình nằm trong lĩnh vực đổi mới bộ môn qua nhiều hình thức.

Bài tập dự án với chủ đề “Tết quê” của thầy Thương đã thu hút học sinh Trường THPT Ngã Năm ở các khối lớp tích cực tham gia. Không yêu cầu những điều vượt quá khả năng các em, bài tập này đòi hỏi trong quá trình nghỉ Tết, các em ghi nhận và học hỏi được gì trong những ngày Tết ngay chính gia đình của mỗi em, chính địa phương nơi các em đang sinh sống. Rất đơn giản để hoàn thành, học mà chơi, chơi mà học nhẹ nhàng, lại đúng dịp Tết thì còn gì hay hơn.

Khoảng từ 18 tháng Chạp, dự án của thầy Thương chính thức khởi động để các em chuẩn bị tốt trong không khí mọi người rộn ràng chuẩn bị đón năm mới. Nội dung được thầy chắt lọc xuyên suốt cả Tết nên hầu như ngày nào làm gì phụ giúp gia đình hay chơi gì, các em đều đưa vào bài tập. Hiện nay, hầu như học sinh đều có điện thoại di động với chức năng chụp ảnh nên bài tập này rất thú vị với các em. Tất cả đều mới mẻ, những cái tết “2 trong 1”, vừa học vừa chơi, mọi thứ đều trong tầm mắt, các em vừa tham gia, vừa ghi lại nhiều khoảnh khắc cùng người thân đón Tết.

Gói bánh tét ngày Tết (ảnh minh họa)

Chơi mà học

Với giải pháp sáng tạo của thầy Thương, học trò rất hào hứng. Điều khiến thầy bất ngờ nhất là dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 vừa qua, học trò đã làm được 50 tiểu mục nhỏ trong 4 nhóm nội dung của bài tập Tết. Đây là năm thứ hai thực hiện nên cả thầy lẫn trò đều thích nghi với việc đổi mới thực hiện mọi công đoạn của dự án khá tốt, học sinh đã có sản phẩm nộp qua mail cho cho thầy rất sớm, ngay từ mùng 2 Tết.

Với dự án “Tết quê”, bài tập này còn đưa học sinh tìm về giá trị văn hóa Tết một thời của người dân sống trên địa bàn Thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng). Có thể các em đã biết về Tết nhưng để đứng trên lớp chia sẻ Tết ở những gia đình khác nhau, ở những làng xã khác, chỉ có trong bộ môn Văn. Mở ra dự án này, người thầy đã có thể nhận diện được năng lực học trò, ghi nhận quá trình đóng góp của các em, đánh giá cao những bức ảnh thể hiện được góc nhìn đa dạng tập trung vào đúng chủ đề. Học sinh của thầy Thương thoải mái ghi lại nhiều khoảnh khắc của Tết. Hết Tết vào học, các em tiến hành báo cáo kết quả thực hiện theo nhóm của lớp dưới dạng thuyết trình có kèm slide, hoặc clip hay đoạn phim ngắn, tùy thuộc vào sự sáng tạo của nhóm.

Đồng hành với các em, thầy đóng vai trò chủ chốt trong khâu tổ chức, xây dựng các tiêu chí nhận xét, đánh giá nội dung vào tuần học thứ hai sau Tết. Thầy quy định các nhóm có 10 phút để trình bày, 5 phút để cho các nhóm phản biện, trao đổi nội dung với nhau. Với học sinh không có các thiết bị ghi hình, thầy sẽ ưu tiên cho các em thuyết trình, tạo sự bình đẳng, học sinh nào cũng phải được tham gia vào bài tập dự án.

“Khi lập kế hoạch, tôi xem xét nhiều khía cạnh về mức độ thời gian, tính chất vấn đề để học sinh phát huy năng lực, tìm tòi khám phá trên cơ sở từ những điều đã biết để học hỏi bổ sung nâng cao trình độ, mở rộng kiến thức”, thầy Thương chia sẻ.

Đi và học để dạy cho trò

Đi nhiều nơi, đọc nhiều sách giúp thầy Thương thêm yêu quá trình lao động, sức sáng tạo của người dân. Đây là nguồn cảm hứng, tư liệu quý để thầy truyền dạy lại học trò. Thầy Trần Minh Thương có 16 tác phẩm đạt giải Nhì, Ba, Khuyến khích ở các cuộc thi do Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam tổ chức.

Thực hiện chủ trương của Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng về dạy học theo dự án, định hướng phát triển năng lực học sinh và mang tâm huyết bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, từ năm học 2013 - 2014 đến nay, thầy Trần Minh Thương đã mạnh dạn đem những kết quả tìm hiểu, nghiên cứu Văn học dân gian vào bài giảng. Lòng say mê nghiên cứu, khảo sát, viết về văn hóa dân gian của thầy có tác dụng hỗ trợ tích cực cho bài giảng, được giáo viên các trường vận dụng, bổ sung kiến thức sinh động, gần gũi của địa phương cho học sinh.

Trong những năm công tác giảng dạy, thầy Trần Minh Thương đã dành tâm huyết nghiên cứu văn hóa dân gian địa phương. Sau nhiều năm miệt mài tìm tòi, nghiên cứu, thầy đã cho ra đời nhiều công trình có giá trị, được đông đảo người đọc yêu thích.

Thùy Trang

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/nguoi-thay-nang-long-voi-van-hoc-dan-gian-3989038-b.html