Người thầy mang quân hàm xanh

Nằm dưới tán những cây xoài cổ thụ, lớp học của thầy giáo mang quân hàm xanh Trần Bình Phục và 23 bạn nhỏ trên đảo Hòn Chuối - thuộc thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, giống như một ngọn hải đăng giữa biển khơi. Nơi ấy ngày đêm tỏa ra ánh sáng rạng rỡ của nghị lực, ý chí, tri thức, nơi ấy, những hạt giống tương lai đang được ấp ủ gieo mầm từ lòng nhân ái.

Cái duyên làm thầy giáo

Nằm cách xa đất liền 35km, cuộc sống người dân trên đảo Hòn Chuối từ bao đời nay chỉ bám biển cùng những chuyến đánh bắt xa bờ. Có những thời điểm phần đông người lớn đi khơi xa, chỉ có trẻ em, người già ở đảo, cơm ăn, nước uống nhiều khi còn không đủ nói gì đến chuyện học cái chữ…

Vì thế câu chuyện đưa cái chữ ra đảo nhỏ của những người lính biên phòng thực sự là câu chuyện dài. Đại úy Trần Bình Phục nhớ lại, đến tận bây giờ anh vẫn tin việc gắn bó với lớp học nhỏ nơi đảo Hòn Chuối là một cái duyên. Năm 1997, sau cơn bão Linda, anh được điều ra công tác ở đồn biên phòng đảo Hòn Chuối. Thời tiết khí hậu khắc nghiệt, thiếu thốn đủ thứ, nơi này chỉ có vài chục nóc nhà nheo nhóc, cơm không đủ bữa, chạy lần quanh năm.

Nhưng lâu dần, không rõ vì lý do gì mà con người, cuộc sống nơi này đã níu chân người lính trẻ, thôi thúc anh viết đơn tình nguyện quay trở lại để đưa con chữ đến những đứa trẻ ở xóm chài nghèo khó này. Từ đó đến nay, thấm thoắt đã gần chục năm thầy giáo mang quân hàm xanh Trần Bình Phục gắn bó với học sinh ở Hòn Chuối.

Thầy giáo Phục kể, những buổi ban đầu đứng lớp không đơn giản, lớp 1 học viết, học đọc, đến lớp 4, lớp 5 các em học thêm địa lý, lịch sử, nhưng “hóc nhất là toán”. Chương trình nhiều bài khó lắm.

Nhiều bài lớp 5 không giải được. Khi ấy phải gọi điện nhờ đất liền, nhờ các anh chị giáo viên cứu. ”Mầy mò vừa dậy, vừa học, kỹ năng cũng tốt hơn. Nhiều lúc các đồng chí trong đơn vị bảo tôi bị thần kinh hay sao mà đêm cứ lép nhép dậy… Ừ, kể ra ban đêm cứ lẩm nhẩm đúng là kỳ thật, nhưng một mình dạy đủ các lớp với bao môn học, nếu không chuẩn bị trước sẽ rối loạn. Ban đầu tôi chỉ dạy chương trình tới lớp 5, nhưng về sau, các em lớn lên nhưng lại chưa sẵn sàng để vào đất liền học, vì thế trường mở thêm lớp 6 rồi lớp 7, và thầy giáo phải tự học, tự tìm hiểu thêm hàng chục môn học mới. Cái khó, ló cái khôn, với những môn học thuộc, tôi và trò dạy nhau những kiến thức cơ bản nhất, dễ nhớ nhất để các em dễ tiếp thu. May mắn thay học trò tôi vào đất liền toàn những em giỏi” - thầy Phục tự hào kể.

Nhớ lại những ngày đầu đứng lớp, cả trường chỉ có 4-5 em, còn lại chẳng đứa nào chịu học vì thích đi câu cá, vừa được chơi vừa bán kiếm tiền. Thuyết phục bố mẹ cho con đi học đã khó, nhưng để tụi trẻ tự nguyện đến lớp học cái chữ lại là chuyện không dễ, vừa phải dụ, vừa phải ép, thậm chí thầy phải vác hơn ba trăm bậc cầu thang để đưa cu cậu đến lớp trong buổi học đầu tiên.

Thầy giáo Trần Bình Phục và 23 bạn nhỏ trong lớp học trên đảo Hòn Chuối.

Song cũng nhờ những kỷ niệm ấy lớp học trên đảo nhỏ phía Tây Nam của Tổ quốc ngày một đông hơn, các em yêu quý và gắn bó với nhau như người trong gia đình. 23 em đang ngồi trong lớp không phải em nào cũng đi học chữ, nhiều em chưa đến tuổi học nhưng do bố mẹ đi khơi, không có người trông nên buộc phải theo anh chị đến lớp.

Bé Hồng Thúy An, 15 tuổi, một trong hai học sinh theo học lâu nhất của thầy Phục chia sẻ: “Em học thầy từ lúc 8 tuổi. Đi học tuy mệt nhưng cũng rất vui vì em có nhiều bạn, được học chữ. Chị gái em trước cũng học thầy Phục, bây giờ vào đất liền học rồi. Sau này lớn lên, em mong được làm cô giáo để về đảo dạy các em nhỏ”. Và đó cũng là mơ ước của bé Khôi, bé Hào, bé Ly… vượt sóng, vượt gió để làm chủ cuộc sống, làm giầu và xây dựng quê hương.

Còn sức là còn cầm phấn

Trên đảo nhỏ, một mình thầy Phục dạy 7 lớp, từ lớp 1 đến lớp 7. Cứ học sinh lớn đến đâu anh lại mở lớp đến đấy. Thầy Phục luôn trăn trở: "Con người ta đói ăn, đói mặc không phải cái gì đó ghê gớm lắm đâu, mà đói tri thức mới là điều thực sự ghê gớm". Muốn đẩy lùi cái tăm tối của đời người, không còn con đường nào khác là phải biết chữ. Tôi biết dạy chữ đã khó, còn phải dạy làm người, dạy nuôi những ước mơ hoài bão của trẻ nhỏ. Sao cho lũ trẻ lớn lên sẽ cống hiến cho hòn đảo thay đổi mà cha anh của chúng nhiều thế hệ đi trước chưa làm được.

Cũng từ lớp học trên đảo, nhiều em đã vào đất liền, thi vào các trường đại học lớn, ra trường làm nghề… “Cái đói nghèo và mù chữ” không còn đeo đuổi lũ trẻ nữa. Vì thế, khao khát cháy bỏng của người thầy mang quân hàm xanh vẫn là một môi trường giáo dục chuyên nghiệp hơn cho những đứa trẻ để chúng vơi bớt những thiệt thòi nơi đảo xa.

Giờ đây, lớp học nhỏ đã đông hơn, dần đi vào ổn định, mỗi sớm, lũ trẻ đều bắt đầu ngày mới bằng việc đến lớp. Song tâm nguyện sâu xa của người thầy giáo ấy, đến một ngày nào đó sẽ có các thầy cô giáo thực thụ ra với các em. “Dù gì tôi cũng chỉ là một người lính, về mặt chuyên môn sư phạm cũng có phần hạn chế, không giống như các thầy cô giáo thực thụ. Các em được truyền thụ kiến thức bởi các thầy cô đó chắc chắn sẽ rút ngắn thời gian và khoảng cách giữa đảo và đất liền. Các em cũng đỡ bỡ ngỡ hơn”- thầy Trần Bình Phục bày tỏ.

Tiếng lành đồn xa, lớp học của anh và các bạn nhỏ trên đảo Hòn Chuối được biết đến nhiều hơn, nhận được nhiều sự quan tâm hơn, điều ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho cả thầy và trò nơi mái trường nhỏ.

Thầy Phục kể: “Có nhiều người hỏi tôi: Cuộc sống có thay đổi nhiều không từ khi được trao tặng danh hiệu nhân vật truyền cảm hứng? Có bị áp lực không khi trở thành người của công chúng, phải gánh thêm nhiều danh hiệu mới? Câu trả lời của tôi là: Không! Mọi thứ vẫn diễn ra bình thường, hàng ngày tôi vẫn lên lớp cùng các em. Tôi chưa nghĩ rằng nó là áp lực, mà ngược lại nó như như sức mạnh vô hình giúp tôi đứng vững, chiến đấu tốt hơn, giúp cho học trò rốt hơn. Đó là sự trân trọng lớn, là nguồn lực, là sức mạnh để đứng vững hơn. Tôi tin rằng sóng gió ở nơi đảo tiền tiêu thế này, ít ra ở phía sau vẫn có những tấm lòng, những cánh tay được nối dài… Khi chúng tôi ngã quỵ vẫn có những cánh tay kéo chúng tôi đứng dậy”.

Thầy Phục không chỉ giúp các em biết đọc, biết viết, biết ước mơ, chính bản thân thầy là một tấm gương sáng về vượt khó. Ngay từ khi ra đảo, thầy đã mang trong mình bạo bệnh. Song chính niềm tin vào cuộc sống, tình yêu dành cho biển đảo, cho lũ trẻ đã giúp thầy đứng vững nơi hải đảo xa xôi. Khi được hỏi về sức khỏe, thầy cười hiền: “Tôi vẫn ổn! Mỗi năm các anh chị đến đây vẫn thấy tôi còn cầm phấn dạy các con nghĩa là tôi vẫn ổn. Đó chính là điều tuyệt vời nhất”.

Giữa biển khơi, lẫn trong tiếng sóng và tiếng gió, lớp học dưới tán xoài cổ thụ, trên đỉnh Hòn Chuối ngày ngày vẫn vang lên tiếng đánh vần của thầy giáo Trần Bình Phục cùng các em học sinh...

MAI AN

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/phong-su-sang-tac/nguoi-thay-mang-quan-ham-xanh-65164.html