'Người thầy đặc biệt' và giấc mơ đưa khiêu vũ thể thao dành cho người khiếm thị đến ParaGames

Đối với người khiếm thị, cuộc đời sẽ chỉ là một màu mờ đục nếu họ không tự mang lại gam màu tươi sáng cho chính cuộc đời mình. Và để thay đổi cuộc sống, họ cần tinh thần nỗ lực, vươn lên vượt qua chính mình và trong hành trình đó không thể thiếu những 'người thầy' truyền lửa đam mê cho họ.

Thắp lửa đam mê

Cuộc thi khiêu vũ dành cho người khiếm thị với tên gọi “Bước nhảy xóa mọi khoảng cách” lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam vào ngày 4-4-2021 thực sự đã lan tỏa hình ảnh đẹp của người khiếm thị đến cộng đồng. Trên sân khấu, hơn 40 vũ công không chuyên phô diễn tài năng nhảy điêu luyện, dù không thể nhìn thấy các vũ điệu nhưng mỗi bước nhảy của họ đều ánh lên sự tự tin, niềm hoan ca trên từng khuôn mặt. Để người khiếm thị có thể khiêu vũ, tham gia cuộc thi khiêu vũ chuyên nghiệp đó là một hành trình dài và người chèo con đò đam mê chính là “người thầy đặc biệt” – HLV Tô Văn Hòa.

Gắn bó với khiêu vũ thể thao dành cho người khiếm thị từ dự án trải nghiệm lớp học thể chất do Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn(REACH) phối hợp với Hội người mù quận Đống Đa (HNM) tổ chức, HLV Tô Văn Hòa hiểu hơn khát khao được thể hiện chính bản thân của cộng đồng người khiếm thị. Cũng từ lớp học nhảy vỏn vẹn 20 buổi đó, thầy Hòa bén duyên với các thành viên CLB khiêu vũ người khiếm thị Hà Nội (SoLaR) tới nay khoảng gần 3 năm nay. Lớp học đặc biệt không chỉ là lớp học khiêu vũ thể thao dành cho người khiếm thị đầu tiên tại Việt Nam mà còn là lớp học được tổ chức hoàn toàn miễn phí.

Đều đặn mỗi sáng thứ 4, thứ 6 hàng tuần, ngôi nhà số 49 ngõ Nguyễn Lương Bằng (địa chỉ trụ sở HNM quận Đống Đa) lại vang lên tiếng nhạc của những bước nhảy không chuyên. Trên nền gạch đỏ cũ kỹ, không thể nhìn thấy vũ điệu, nhưng gần 20 học viên vẫn sải bước nhảy đầy tự tin, duyên dáng. Đứng ở vị trí “cánh gà”, thầy Hòa giữ vai trò huấn luyện viên chăm chú quan sát từng học viên, chỉnh sửa từng động tác và đặc biệt sửa biểu cảm khuôn mặt sao cho đúng.

Thầy Hòa bảo, bình thường các lớp anh dạy thì thường làm demo chung nhưng đến lớp học đặc biệt thì mỗi buổi dạy là một giáo án khác nhau. Không chỉ vậy, tâm lý người khiếm thị mặc cảm tự ti hơn so với người bình thường, thời gian mỗi bài tập, vũ điệu thường kéo dài hơn. Nếu như bình thường chỉ cố gắng 1 thì những người khuyết tật phải cố gắng 10. Nhưng cách mà các bạn người khuyết tật tham gia cho mình thấy họ vô cùng tự tin, không mặc cảm.

Dù bản thân họ khó có thể nhảy đẹp nhưng anh ghi nhận nỗ lực của họ khi đứng đầu những người khiếm thị dám bước ra khỏi vùng an toàn để tiếp nhận được môn thể thao mới. Và nếu không phải là cái duyên thì rất hiếm những người vũ công chuyên nghiệp như thầy Hòa dành trọn tâm huyết, ngọn lửa đam mê truyền tải cho họ - những người không thuộc năng khiếu bẩm sinh và bất hạnh vì khiếm khuyết có thể trở thành vũ công, và có thể trong tương lai, họ sẽ trở thành VĐV chuyên nghiệp.

Mang khát khao đó nhóm lửa trong từng buổi học, thầy Hòa cùng với 20 học viên khiếm thị tại SoLaR ngày ngày cần mẫn trên sàn tập. Đối với các học viên khiếm thị có thể đến muộn, vắng mặt những buổi nắng, mưa còn riêng với thầy Hòa lúc nào thầy cũng có mặt đúng giờ, không bao giờ nghỉ. Từ đam mê và sự kiên trì của thầy Hòa, rất nhiều học viên như anh Đỗ Xuân Quang (HNM quận Tây Hồ), chị Đỗ Thúy Hà (Chủ tịch HNM quận Đống Đa) gặt hái nhiều thành tích trong bộ môn khiêu vũ. Tiêu biểu là thành tích của anh Đỗ Xuân Quang với Huy chương Vàng hạng E1 giải vô địch khiêu vũ thể thao quốc tế Hà Nội mở rộng năm 2019, Huy chương Vàng nội dung đồng diễn giải khiêu vũ thể thao CLB Linh Anh, Huy chương Đồng hạng E1 giải Hanoi Stars Open Dancesport C và hiện nay đang tích cực luyện tập để có thể chinh phục những cuộc thi tiếp theo.

Đối với anh Quang thì thành công chỉ đến nếu bản thân dám mơ ước và dám hành động. Chính sự kiên trì của thầy Hòa tạo động lực cho các học viên khiếm thị xóa bỏ mặc cảm, tự tin trên bước nhảy.

Riêng với chị Đỗ Thúy Hà, việc tập luyện bộ môn khiêu vũ giúp người khiếm thị yêu đời hơn, lạc quan hơn, lan tỏa hình ảnh đẹp tới cộng đồng. Thời gian qua, bộ môn khiêu vũ thể thao (Dance-sport) đã dần đi vào đời sống tinh thần của người khiếm thị Hà Nội. Đối với người tập, khiêu vũ thể thao giúp họ rèn luyện cả về thể chất lẫn tinh thần. Đặc biệt hơn, bộ môn này lại rất phù hợp với thể trạng và điều kiện của người khiếm thị nên đã được nhanh chóng đón nhận trong cộng đồng và khơi dậy phong trào thể thao cho người khuyết tật.

HLV Tô Văn Hòa sửa động tác khiêu vũ thể thao cho cặp đôi người khiếm thị

HLV Tô Văn Hòa sửa động tác khiêu vũ thể thao cho cặp đôi người khiếm thị

Lan tỏa “vũ điệu ánh sáng”

Từ chính khát khao được trình diễn trên sân khấu của “học trò đặc biệt”, thầy Hòa đã “hiện thực hóa” bằng cuộc thi chuyên nghiệp với tên gọi “Bước nhảy xóa mọi khoảng cách”. Mong muốn của thầy Hòa thời gian tới chính là việc phát triển SoLaR và xây dựng đội tuyển khiêu vũ thể thao chuyên nghiệp để có cơ hội bước lên sàn đấu quốc tế tại ParaGames lần thứ 31 tổ chức tại Việt Nam.

Tất nhiên, giấc mơ ParaGames còn là một hành trình dài và nhiều thử thách. Thực tế để thành lập đội tuyển khiêu vũ người khiếm thị, nỗ lực thôi chưa đủ, cần phải có sự chung tay của các mạnh thường quân, trong đó là địa điểm tập sàn chuyên nghiệp và có kinh phí hỗ trợ hoạt động đi lại cho người khiếm thị.

Theo ông Vũ Thế Phiệt, Tổng thư ký Hiệp hội Paralympic Việt Nam đánh giá cuộc thi khiêu vũ dành cho người khiếm thị với tên gọi “Bước nhảy xóa bỏ mọi khoảng cách” là cuộc thi đầu tiên tổ chức tại Việt Nam. Thực tế, trên thế giới chưa có cuộc thi khiêu vũ dành cho đối tượng người khiếm thị mà chỉ xuất hiện dành cho người khuyết tật hệ vận động ngồi xe lăn. Tại Việt Nam, lần đầu tiên giải đấu tổ chức cần được lan tỏa và kết nối, khuyến khích phát triển bộ môn khiêu vũ thể thao tiệm cận hơn tới cộng đồng người khuyết tật nói chung và người khiếm thị nói riêng. Ông Phiệt bày tỏ ấn tượng với sự kiên trì, nỗ lực của HLV Tô Văn Hòa giúp cho hơn 40 VĐV người khiếm thị tỏa sáng.

Chân dung HLV Tô Văn Hòa ngoài đời

Ít ai biết, giữa sàn diễn và cuộc đời, có một Tô Văn Hòa hoàn toàn khác biệt. Nếu trên sàn diễn, HLV Tô Văn Hòa nghiêm khắc, tỉ mỉ từng động tác nhỏ thì ngoài đời, anh là một người phóng khoáng, có chút bụi phủi. Bởi thế, không lạ khi biết anh từng là “kiện tướng dancesport” nhưng lại chọn con đường dạy học tự do để mưu sinh cuộc sống thường nhật. Gắn bó với người khiếm thị gần 3 năm nay, anh Hòa coi đó là cơ duyên và luôn tâm niệm là người thầy thầm lặng truyền lửa đam mê khiêu vũ cho những người kém may mắn.

Câu chuyện về thầy Hòa cùng với học viên người khiếm thị đã lan tỏa hình ảnh đẹp của tình người giữa cuộc sống phố thị phồn hoa và riêng với cộng đồng người khiếm thị họ một lần nữa được thắp lên “ánh sáng thứ hai” của cuộc đời.

HLV Tô Văn Hòa, SN 1984. Đam mê nghệ thuật từ nhỏ và bắt đầu bén duyên với khiêu vũ thể thao từ năm 2003. Sau gần 19 năm gắn bó, anh gặt hái hàng trăm tấm huy chương Vàng, Bạc, Đồng cùng giấy chứng nhận xuất sắc. Sắp tới, HLV Tô Văn Hòa đặt mục tiêu xây dựng đội tuyển khiêu vũ thể thao người khiếm thị chinh chiến sàn diễn quốc tế.

Vi Giáng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nguoi-thay-dac-biet-va-giac-mo-dua-khieu-vu-the-thao-danh-cho-nguoi-khiem-thi-den-paragames-238750.html