Người thầy đặc biệt của ngôi trường... 'có 1 không 2'

Ở ngôi trường ấy, học viên lớn tuổi nhất đã lên tới 81 tuổi, trình độ học viên thì có đủ loại từ mới tốt nghiệp THPT đến trình độ cử nhân, bác sĩ, thạc sĩ và... tiến sĩ. Đặc biệt, hơn 2 năm nay, ngôi trường này là địa chỉ quen thuộc của người dân nghèo khắp thành phố và các tỉnh thành lân cận đến để khám, chữa bệnh và bốc thuốc miễn phí.

Các học viên trên 70 tuổi cùng lãnh đạo nhà trường cắt bánh "mừng thọ" tại Hội trại truyền thống mừng ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11) tại trường. Ảnh: Q.H

Ngôi trường ấy là Trường Trung cấp Tây Sài Gòn (ấp Bàu Sen, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM) của thầy giáo Nguyễn Khắc Thương - một người con quê hương miền Trung (tỉnh Bình Định), luôn lấy quan điểm “học tập suốt đời” của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm tôn chỉ hoạt động suốt nhiều năm qua.

Trăn trở với nghề y học của dân tộc

Vài năm về trước, Trường Trung cấp Tây Sài Gòn không có nhiều nổi bật trong hệ thống giáo dục chuyên nghiệp tại TP.HCM, bởi việc tuyển sinh bậc trung cấp chuyên nghiệp ngày càng khó khăn, trong khi nhà trường cũng không có ngành nghề thế mạnh nào thực sự thu hút người học.

Trong một lần đi khảo sát, thầy giáo Nguyễn Khắc Thương nhận thấy một vấn đề: Tại nhiều tỉnh thành, có nhiều thầy thuốc Đông y rất giỏi tay nghề, nhưng họ học nghề theo phương pháp “cha truyền con nối” chứ chưa hiểu biết một cách căn bản về các nguyên lý, cũng như những phương pháp khoa học trong việc khám chữa bệnh. Điều này khiến nghề thuốc của dân tộc ngày càng mai một. Bên cạnh đó, xã hội hiện đại không chấp nhận thầy thuốc không có bằng cấp tham gia chữa trị sức khỏe cho người dân...

Cứ mỗi cuối tuần, bếp ăn của Trường Trung cấp Tây Sài Gòn lại trở nên nhộn nhịp với hàng trăm thầy và... “trò”. Theo thầy Nguyễn Khắc Thương, những bữa cơm này không chỉ giúp mọi người thêm gắn bó mà còn là dịp để họ chia sẻ, trao đổi kiến thức lẫn chuyên môn từ trường học đến thực tế.

Nghĩ đến vấn đề này, sau nhiều ngày tháng chuẩn bị đội ngũ, cơ sơ vật chất và xin thủ tục từ các cấp... thầy giáo Nguyễn Khắc Thương đã mở ngành học Y sĩ y học cổ truyền.

Thật bất ngờ, chỉ ngay sau khi trường mở ngành học, có hàng nghìn học viên lớn tuổi từ nhiều tỉnh thành trong cả nước đổ về đăng ký học. Để tiện cho việc đi lại của học viên, thầy giáo Nguyễn Khắc Thương quyết định xây thêm nhiều phòng KTX để học viên có thể ngủ lại và theo học khi có nhu cầu.

“Khi quyết định mở ngành học Y sĩ y học cổ truyền, bản thân tôi chỉ mong muốn gìn giữ và phát huy được nghề y học cổ truyền của dân tộc, nhưng không ngờ học viên lại đăng ký theo học nhiều như thế. Nói thật, nhiều khi các “cụ” chào tôi là thầy, tôi chỉ thấy xúc động và tự hào, không ngờ dân tộc mình lại có truyền thống hiếu học như thế”, ông Thương tự hào chia sẻ.

Hóa ra, các “cụ” trong lời nói của thầy giáo Nguyễn Khắc Thương là các học viên đã và đang theo học ngành Y sĩ y học cổ truyền tại trường. Theo thống kê, khoảng 60% trong số gần 1.500 học viên đã và đang theo học ở trường có độ tuổi từ 50 trở lên; trong đó có hơn 300 trường hợp trên 60 tuổi.

Lãnh đạo nhà trường gồm thầy giáo Nguyễn Khắc Thương (bìa trái) - Hiệu trưởng và thầy Trần Văn Thanh (bìa phải) - Hiệu phó Trường Trung cấp Tây Sài Gòn trao quà tặng cho các học viên.

“Nhiều cụ đã hơn 70 tuổi nhưng vẫn hàng tuần (thứ 7, Chủ Nhật) chạy xe mày hàng trăm cây số xuống trường học. Chẳng hạn như cụ Nghiêm Trần Tiến (76 tuổi) hàng tuần vẫn chạy xe máy gần 120km từ Phú Riềng (Bình Phước) xuống Củ Chi để học; hay cụ Nguyễn Thanh Tràng (Việt kiều Mỹ, 73 tuổi) gần 2 năm nay vẫn chạy xe máy từ Tây Ninh xuống học và chưa vắng một buổi nào... Tấm gương các cụ chính là tấm gương ‘học tập suốt đời’ mà Bác Hồ đã dạy khiến thế hệ chúng ta phải thán phục và tự hào”, ông Thương nói thêm.

Ngôi trường “có 1 không 2”

Theo ghi nhận, trong số hơn 300 cụ học viên từ 60 tuổi trở lên của trường, có học viên hiện hay đã 81 tuổi (cụ Trương Cự, lớp 17YS0403 ngành Y sĩ y học cổ truyền); nhỏ hơn một chút là cụ Nghiêm Trần Tiến (76 tuổi); cụ Nguyễn Thanh Tràng (73 tuổi)... điểm đặc biệt là từ khi đăng ký theo học, các cụ chưa vắng một buổi học nào.

Các học viên nhận lời mừng thọ từ lãnh đạo nhà trường.

“Khi quyết định đi học, từ vợ con cho đến các cháu đều khuyên là tôi già rồi, đi học làm chi nữa vì tôi đã có vài thập niên bốc thuốc, chữa bệnh,... Giờ đi học làm chi cho tốn tiền, mất thời gian và thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe, cầm cái bằng ra thì có chứng minh được gì. Thế nhưng tôi vẫn quyết đi học vì kiến thức của nhân loại nói chung, kiến thức về Y học của cha ông nói riêng là rất lớn, đâu phải mình đã biết hết đâu”, ông Trương Cự nói.

Theo ông Cự: “Sau khi đi học mới thấy những kiến thức của tôi về ngành nghề đang làm vẫn còn hạn hẹp, cần phải bổ sung rất nhiều vì trước giờ chỉ biết bài thuốc này trị bệnh gì mà chưa biết được những thành phần dược lý trong bài thuốc đó tác động để chữa được loại bệnh đó như thế nào”.

Các học viên khác như cụ Nghiêm Trần Tiến, Nguyễn Thanh Tràng... cũng cho biết, khóa học không chỉ là nơi giúp các cụ bổ sung kiến thức bài bản mà bên cạnh đó, ở độ tuổi “xưa nay hiếm”, các cụ chính thức được trải nghiệm ngồi trên ghế giảng đường, được giao lưu kết bạn với các... “bạn già” là những lương y nổi tiếng tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Một điểm đặc biệt nữa, tại Trường Trung cấp Tây Sài Gòn, học viên có rất nhiều trình độ, không chỉ là mới tốt nghiệp THPT mà có nhiều học viên là cử nhân, khoảng 600 học viên đang hành nghề đông y trên khắp cả nước, 15 bác sĩ, 19 thạc sĩ và... 4 tiến sĩ. Càng thú vị hơn, tại trường có nhiều gia đình cùng “kéo cả nhà” đi học như gia đình ông Đào Ngọc Tuấn (quận Tân Bình, TP.HCM) có 15 người gồm anh em, vợ chồng và các cháu cùng theo học; hay 4 cha con gia đình anh Phạm Văn Tiếp cùng học chung lớp, 3 mẹ con của chị Nguyễn Thị Son đến từ tỉnh Tây Ninh, 3 chị em của chị Trương Thị Ngọc Hà và... 17 cặp vợ chồng khác cũng là bạn “đồng môn” trong trường.

“Chúng tôi không chỉ tạo ra môi trường học tập suốt đời mà còn kết nối để các học viên tham gia đóng góp một phần sức lực của mình cho xã hội và cộng đồng”, thầy giáo Nguyễn Khắc Thương chia sẻ. Đó cũng là lý do để các học viên của trường - là những thầy thuốc đông y - cứ mỗi thứ Hai và thứ Sáu hàng tuần đều tập trung lại để khám, bốc thuốc miễn phí cho bà con nghèo ở huyện Củ Chi và các tỉnh thành trên cả nước.

Trường duy nhất tại Việt Nam “mừng thọ” cho... học viên

Trong Hội trại truyền thống ngày 17.11 vừa qua, Trường Trung cấp Tây Sài Gòn đã tổ chức lễ mừng thọ cho 20 học sinh trên 70 tuổi của trường. Đây là lần đầu trường tổ chức buổi lễ mừng thọ này, nhằm bày tỏ sự kính trọng với những người tuy tuổi cao nhưng rất ham học, có tinh thần học tập suốt đời...

Quốc Hải

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/nguoi-thay-dac-biet-cua-ngoi-truong-co-1-khong-2-931624.html