Người thắp lửa khuyến học ở đại ngàn Trường Sơn

Già Hồ Doi vẫn vững tay lái mặc cho tôi ngồi phía sau người cứ chao đi sau những lần xe sụp ổ gà. Đường đến nhà Hồ Văn Rai ở bản Xa Ry (xã Hướng Phùng – H. Hướng Hóa, Quảng Trị) phải đi qua nhiều khúc cua quanh co, cây rừng vươn ra che gần kín lối. 20 năm qua, Hồ Doi không nhớ hết được mình đã qua bao nhiêu đèo dốc, lội bao nhiêu con suối, thuyết phục bao nhiêu gia đình để vận động con em đến trường học chữ...

Bắc nhịp cầu Kiều…

Khoảng đầu những năm 2000, Hồ Doi khi ấy đảm nhiệm chức Chủ tịch xã sau khi nghỉ hưu, rời quân ngũ. “Lúc này, xã mình có 6 cô giáo từ dưới xuôi lên tăng cường cắm bản. Bố luôn tâm niệm có người dạy thì phải có người học, và phải đảm bảo nơi ăn ở, học hành thì câu chuyện giáo dục mới nghĩ dài, nghĩ xa được. Có giáo viên rồi, việc đầu tiên là phải giúp cho các cô có chỗ ở ổn định.

Dân bản mỗi nhà góp một ít, người thì góp công, người góp tranh tre nứa lá dựng chòi cho các cô làm chỗ ở. Nhưng ở miền núi rẻo cao, mùa nắng thì quá nóng, mùa đông thì rét buốt, trời chưa tối sương đã giăng đầy. Mình sinh ra ở đất này, nhà cửa mình ở đây mà còn thấy heo hút mịt mù, huống gì mấy cô giáo trẻ, sao không dao động cho được. Nghĩ mãi rồi bố quyết định khăn gói về tỉnh, tìm đến lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Sở GD&ĐT xin kinh phí xây dựng trường” – già Hồ Doi kể.

Ba tháng sau chuyến về xuôi “lịch sử” của già Hồ Doi, xã Hướng Phùng có một ngôi trường khang trang được xây dựng ngay trung tâm xã, là nơi học tập, vui chơi của HS Tiểu học và THCS trong toàn xã. Để có được địa điểm xây trường cũng là một câu chuyện dài mang dấu ấn của già Hồ Doi. Đề án xây dựng trường được phê duyệt, kinh phí cũng đã chuyển về xã, nhưng lấy đất đâu để xây trường. “Bà con Vân Kiều hiền lành, chất phác nhưng phải có chữ tín, có cái nghĩa thì bà con mới thông được” - già Hồ Doi chia sẻ.

Thế là Hồ Doi mở cuộc họp bàn với dân để phân tích, vận động bà con hiến đất, xây trường. Vừa nói vừa làm gương, nên câu chuyện hiến đất xây trường được bà con hưởng ứng theo già Hồ Doi, trường vì vậy được xây cất ở một vị trí cao ráo, trở thành niềm tự hào của người dân Hướng Phùng, thuận tiện cho việc đến trường của con em thôn bản.

Rồi đời sống của đồng bào ngày càng khấm khá lên, dân trí cũng được nâng cao, thêm vào đó là sự vào cuộc vận động của các cấp chính quyền, đoàn thể nên tỉ lệ trẻ đến trường ngày càng cao, Trường TH và THCS tách riêng cơ sở để mở mang thêm trường lớp. Già Hồ Doi không giấu được niềm vui: “Từ 6 cô giáo và những em học trò đầu tiên, đến nay, Trường Tiểu học Hướng Phùng có 32 lớp học với hơn 600 em học sinh với 5 cụm trường. Hướng Phùng không còn là vùng trũng về giáo dục nữa khi khoảng chục năm trở lại đây, đã có hàng trăm con em của xã học hết cấp 3, nhiều em thi đỗ vào các trường ĐH, CĐ rồi trở về công tác tại địa phương”.

Những bước chân không mỏi

So với nhiều người dân của Hướng Phùng, Hồ Doi có điều kiện đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều môi trường học tập, rèn luyện nên hơn ai hết, ông hiểu hết giá trị của việc nâng cao dân trí, phát triển giáo dục. Vốn là công an vũ trang công tác ở Đồn biên phòng Cù Bạc (H. Vĩnh Linh), tháng 2/1975, khi các đồn biên phòng 56, 57 và đồn Cù Bạc sát nhập thành đồn Sen Bụt, ông chuyển về công tác tại đây.

Sau đó, ông được cử theo học lớp trung cấp y tế hơn 2 năm rồi trở về đảm nhiệm công tác y tế tại đồn Sen Bụt đóng ngay trên địa bàn xã Hướng Phùng - quê hương của ông. Ngọn lửa khuyến học của già Hồ Doi bắt đầu nhen nhóm khi các chiến sĩ đồn biên phòng, bên cạnh nhiệm vụ giữ gìn bình yên nơi biên giới còn mở các lớp xóa mù chữ cho nhân dân địa phương. “Mình vừa khám chữa bệnh cho bà con, vừa tuyên truyền cho bà con thay đổi nếp nghĩ lạc hậu, xóa bỏ hủ tục tin vào con ma rừng, mời thầy cúng đuổi bệnh tật vừa vận động bà con cho con em đến trường”.

Trong câu chuyện của già Hồ Doi với bà con dân bản, có hình ảnh những ngôi trường ở thành phố, những tấm gương bà con giàu lên nhờ có kiến thức làm ăn, chăn nuôi, trồng trọt… Trong ba lô của ông, ngoài những loại thuốc chữa các bệnh thông thường, còn có cả tập vở, bút, sách truyện, tranh ảnh, kẹo… để cho trẻ con ở các thôn bản… Già Hồi Doi nhớ lại: “Hồi trước đường sá đi lại khó khăn, bản làng heo hút, chỉ toàn đi bộ thôi, hôm nào không về kịp thì ở lại với bà con. Hồi đầu bà con không tin đâu, để xóa cái nếp nghĩ “chưa thấy ai chết vì đói chữ cả, chỉ thấy chết vì đói ăn thôi” của bà con đòi hỏi phải có thời gian chứ.

Lần đầu thuyết phục không được, thì quay lại lần 2, lần 3… cho đến khi thấy trẻ mang sách vở đến lớp mới thôi”. Cứ mưa dầm thấm lâu như thế, rồi Hồ Doi kể những câu chuyện của cuộc đời mình, mình thay đổi ra sao nhờ biết cái chữ, lâu dần thì bà con hiểu ra và tìm đến lớp học. “Người lớn có ham học thì sẽ làm gương cho con, họ sẽ không vì khó khăn trong đời sống mà cho con bỏ học” – già Hồ Doi nói. Hôm nào, lớp xóa mù của các chiến sĩ đồn Sen Bụt đông thêm được người nào, già Hồ Doi lại thấy vui như chính mình được nhận quà, lại có thêm động lực rảo chân đến những bản làng xa hơn để làm người vận động.

Thầy Nguyễn Mai Trọng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hướng Phùng chia sẻ, dù bây giờ, việc vận động trẻ em ra lớp không còn quá khó khăn như trước, nhưng với tỉ lệ phổ cập đạt 95% thì đâu đó ở những bản làng của Hướng Phùng, với địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt thì công tác vận động vẫn phải duy trì thường xuyên để đảm bảo không có tình trạng HS bỏ học giữa chừng.

“Để vận động được, phải dựa vào những già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng để bà con tin tưởng như bác Hồ Doi”.

Già Hồ Doi chia sẻ, làm công tác khuyến học, không chỉ cứ đi một lần là được, nói một lần là xong, mà phải xem việc học của con em dân bản như chính tương lai của người thân trong gia đình mình.

Ánh Ngọc

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/nguoi-thap-lua-khuyen-hoc-o-dai-ngan-truong-son-3915796-bt.html