Người 'thắp lửa' cho điệu xòe cổ đất Mường Lò

Nhắc đến vùng Tây Bắc, người ta nghĩ ngay đến đồi núi trập trùng, đến hoa ban trắng trời và những điệu xòe quyến rũ mang đậm hương sắc vùng cao. 'Anh vượt núi/ Gặp sương mù Tây Bắc/ Điệu xòe trôi/ Trong sắc trắng hoa ban' - những câu thơ lay động lòng người trong bài 'Đêm xòe xứ Thái' của nhà thơ Dương Trọng Dật khi được nhạc sĩ Quỳnh Hợp phổ nhạc lại càng chắp cánh bay cao làm cho mọi người càng yêu mảnh đất này hơn. Về Mường Lò, Nghĩa Lộ, Yên Bái, chúng tôi may mắn được gặp nghệ nhân Lò Văn Biến (82 tuổi) - người có công 'thắp lửa' cho những điệu xòe cổ xứ Mường Lò. 

Nghệ nhân Lò Văn Biến (đứng giữa) cùng lãnh đạo thị xã Nghĩa Lộ đón nhận Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia
"Xòe Thái Mường Lò". Ảnh: Thanh Thuận

Xứ Mường Lò từ lâu được người Thái đen ở Tây Bắc coi là nơi sinh ra các điệu xòe, là ngọn nguồn của những vòng xòe. Chẳng ai biết rõ múa xòe của dân tộc Thái xuất hiện từ bao giờ, chỉ biết rằng, từ bao đời nay, những giá trị văn hóa đặc trưng của điệu xòe vẫn luôn được những người con gái Thái từ thế hệ này sang thế hệ khác gìn giữ. Vẻ đẹp điệu xòe qua những bàn tay thon mềm và duyên dáng, quyến rũ và gợi cảm bởi những chiếc áo cóm truyền thống hay chiếc khăn thổ cẩm quàng trên ngực xoay đảo trong vòng xòe bên ánh lửa trại của các cô gái Thái.

Chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân dân gian Lò Văn Biến - người nổi tiếng trong giới nghiên cứu về chữ Thái cổ và những điệu xòe cổ độc đáo của người Thái xứ Mường Lò. Ông cũng là người duy nhất am hiểu, tinh thông chữ Thái cổ ở Mường Lò, người được mệnh danh là "pho sử sống" của dân tộc Thái hiện nay.

Nhà ông ở bản Căng Nà, phường Trung Tâm, cách không xa dòng suối Thia thơ mộng. Hỏi nhà ông, người dân nơi đây nhiệt tình chỉ đến tận nơi. Bởi lẽ họ đã quá quen với việc này. Khách dưới xuôi đến tìm ông, có cả khách nước ngoài nữa. Bằng vốn kiến thức phong phú uyên thâm của mình, ông tiếp chuyện với khách cả buổi, thậm chí có người Nhật đến nhà ông ở nhiều ngày để nghe ông kể chuyện.

Ông kể, hồi nhỏ ông được học chữ của thầy mo Phớ. Chữ Thái khó học lắm, người không kiên trì không học nổi vì không có dấu ngắt câu, không dùng dấu thanh, mà dùng các phụ âm thay thế theo một quy tắc rất phức tạp. Vậy mà, chỉ có 5 đêm miệt mài dùng than củi viết lên mo cau, ông Biến đã học thuộc các quy tắc đó và biết đọc, biết viết. Có chữ trong đầu, ông bắt đầu ham mê sưu tầm sách cổ.

Ông hóm hỉnh kể, say mê đến nỗi để có tiền mua sách, ông phải bớt xén cả tiền đong gạo. Vợ ông biết nhưng thương chồng, hiểu chồng nên không trách móc gì cả. Không chỉ đọc xong và giữ riêng cho mình, ông còn mày mò dịch sang chữ Quốc ngữ để cho mọi người cùng đọc.

Nhờ thế, những cuốn sách như "Quam xon côn" (Đạo lý làm người), "Quam tố mướng" (Chuyện bản mường), "Táy púk xấc" (Bước đường chinh chiến của cha ông), "Căm hánh tặp sấc cớ lương" (Cầm Hánh đánh giặc cờ vàng)... và đặc biệt, truyện thơ "Xống chụ xon xao" (Tiễn dặn người yêu), tác phẩm được đưa vào trích giảng trong sách giáo khoa. Ông cũng góp công lớn vào việc khôi phục các lễ hội: "Xên bản xên mường", "Lồng tồng"; sinh hoạt "Hạn khuống" - tức sàn sân ngoài trời, một hình thức diễn xướng sân khấu sơ khai, nơi trai gái hát đối đáp giao duyên ở vùng đất này...

Ông Biến là người vinh dự được đại diện cho bà con người Thái lên đón nhận Bằng công nhận xòe Thái Mường Lò là Di sản văn hóa phi vật thể tại Tuần lễ Văn hóa - Du lịch Mường Lò diễn ra tháng 9 vừa qua. Kể đến đây, niềm tự hào còn đọng lại trên gương mặt lão nghệ nhân này. Bằng các nghiên cứu, tìm tòi của mình, ông giảng giải cho chúng tôi hiểu về nguồn gốc của các điệu xòe, về vai trò của xòe trong đời sống văn hóa người Thái vùng này. Trong cuộc sống tinh thần của người Thái đen Mường Lò (chiếm tỷ lệ lớn nhất trong cơ cấu dân số tại Nghĩa Lộ), xòe Thái đã gắn bó với đồng bào nơi đây, trở thành một món ăn tinh thần, phong tục văn hóa không thể thiếu.

Mường Lò nổi tiếng với các điệu xòe làm say đắm lòng người, trong đó có 6 điệu xòe cổ, được các nghệ nhân coi là khởi nguồn của 36 điệu xòe khác. Cũng chính bởi điều này, người Thái Mường Lò có câu "Không xòe không tốt lúa, không xòe thóc cạn bồ, không xòe trai gái không thành đôi"... Còn nhớ, màn đại xòe cổ xác lập kỷ lục Việt Nam năm 2013 được tổ chức với sự tham gia của 2.033 người, trong đó, có 2.013 người tập luyện 6 điệu xòe cổ và 20 người tham gia dàn nhạc cụ dân tộc.

Nghệ nhân Lò Văn Biến kể, khi đó, ông được giao nhiệm vụ hướng dẫn hơn 200 diễn viên không chuyên tập luyện 6 điệu xòe cổ mang hồn cốt của đất Mường Lò gồm: Khắm khen (tức Nắm tay nhau), Ðổn hôn (tức Bước tiến lùi), Phá xí (tức Bố bốn), Nhôm khăn (tức Tung khăn), Khắm khăn mơi lảu (tức Nâng khăn mời rượu), Ỏm lọm tốp mư (tức Vỗ tay đi vòng tròn).

Theo ông Biến, ngày trước nhiều đội văn nghệ không biết và cũng không thể hiện được hết các điệu xòe cổ. Khi đó, ông đã được chính quyền địa phương mời đến truyền dạy cho lớp trẻ. Nhận thấy việc này là quan trọng, nếu không, xòe cổ sẽ mai một, bất chấp tuổi tác, ông Biến vẫn nhiệt tình truyền dạy cho đội văn nghệ của vùng quê của mình. Khi làm việc này, ông thấy vui và thấy mình làm được việc có ý nghĩa.

Đến nay, tất cả 7 xã, phường của thị xã Nghĩa Lộ đều có đội văn nghệ, lúc nào cũng có thể phục vụ du khách phương xa. Trong đó, 6 điệu xòe cổ trên, đội văn nghệ nào cũng biểu diễn thuần thục. 6 điệu xòe cổ của người Thái đen Mường Lò được coi là gốc, là khởi nguồn của các điệu xòe khác, bởi nó thể hiện đầy đủ nghệ thuật dân vũ của người Thái. Trong 6 điệu xòe cổ được sắp xếp theo tuần tự ý nghĩa nhân văn và giáo dục trong đời sống của người Thái thể hiện qua các thái cực tình cảm của gia chủ với khách mời và trong không gian giao lưu văn hóa cộng đồng.

Thanh Thuận

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nguoi-thap-lua-cho-dieu-xoe-co-dat-muong-lo/