Người thành phố khác gì?

'Một góc nhỏ trồng rau cho nhà dùng, góc rộng kia dành để phun thuốc và mang ra chợ. Nhà của ba em đủ sức cung cấp rau sạch cho bọn em ở trên thành phố' - cô bạn cười đắc ý.

“Vậy ở nhà ăn thịt gì?”, tôi hỏi. “Thì ăn cá trong ao, gà qué, heo mọi nuôi trong sân, khi cần chạy sang lò mổ gia súc bên cạnh”. “Vấn đề là người ta mua thức ăn gia súc ở đâu, mua phân bón ở đâu?”, tôi gặng tiếp. “Mua của công ty trên thành phố”, cô ngỡ ngàng.

Nghĩa là một vòng tròn khép kín, tôi nghĩ. Ai cũng nghĩ mình an toàn, nhưng còn gì an toàn khi ai cũng phụ thuộc vào một mắt xích nào đó.

“Nhà em không nghĩ mang rau xịt thuốc ra chợ bán là nhẫn tâm ư?”. “À thì ai cũng thế mà chị. Mà thương lái cũng thích những mớ rau mập mạp, xanh mướt. Rồi họ cũng phải tẩm cho rau, củ quả tươi lâu khi vận chuyển.” “Từng có chuyện người cha phun thuốc cho vườn ổi, ngay sau đó cô con gái phải đi cấp cứu vì không biết ra hái ổi ăn, em biết không?”. “Ồ không, xui lắm mới có chuyện ấy mà. Cha mẹ em là nông dân, thực ra không ghét bỏ gì người thành phố đâu. Họ chỉ nghĩ, tại sao người thành phố luôn hưởng những thứ ngon nhất, đắt nhất mà không nghĩ cho nông dân vất vả và khốn khổ luôn bị thương lái ép giá. Mua phân bón còn mua phải phân giả, mất mùa chẳng biết kêu ai. Khi lên thành phố, mới choáng ngợp vì đâu mà người ta giàu có đến thế. Giàu mà lấy đất của nông dân, mà o ép người nghèo, mà lừa đảo nhau. Trong làng, nhiều người khinh ghét đám giàu xổi tham lam vô độ ở thành phố. Ghét là tống hết lên chợ của họ thứ rau xịt thuốc dăm ba ngày đã xanh um, lồng khồng nhạt thếch, chẳng chất vị gì...”.

Nghe cô em gốc nông dân ngồi nói, tôi bỗng giật mình. Phải, nỗi căm ghét không từ đâu xa, mà ngay ở người láng giềng, người cùng làng, kẻ ở lại chăn nuôi và trồng trọt, người ra thành phố lập nghiệp. Kẻ mất đất và người có tiền của mua cả cánh đồng bát ngát về làm dự án nhà ở đô thị. Người làng sau khi tiêu hết tiền bán đất, mất ruộng, lại lên thành phố làm thuê. Cứ thế, một vòng xoay tít đèn cù.

Bẵng đi khá lâu, bỗng một hôm tôi gặp cô đang hớt hải giữa đường. “Em đi chăm cha trong viện. Ba em vì sơ suất mà bị nhiễm thuốc trừ sâu. Nặng lắm. Cầu trời cho ông qua khỏi”.

Tôi chỉ còn biết an ủi cô, rồi bâng quơ nghĩ: “Chẳng ai thoát khỏi chướng nghiệp của mình. Con người ta chết trước hết vì vô minh và lòng sân hận kẻ khác, điều đó còn kinh khủng hơn nhiều những liều thuốc trừ sâu. Hóa chất có thể bị tiêu hủy, nhưng trong ý thức, nếu không gạt bỏ mối chấp thù khó nói ấy, không biết người thành thị và nông thôn còn hại nhau đến mức nào...”.

Mà nghĩ cho cùng, ai trong chúng ta cũng đều từ gốc nông dân mà ra cả.

NHẬT LỆ

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/chuyen-doc-duong/nguoi-thanh-pho-khac-gi-640522.ldo