Người thanh niên gắn cuộc đời với thư pháp

Chàng thanh niên với nước da ngăm đen, tác phong nhanh nhẹn, hồ hởi bắt chặt tay chúng tôi, đó là nhà thư pháp Trịnh Tuấn (quê Thọ Xuân – Thanh Hóa). Mở đầu câu chuyện Tuấn đã kể về tuổi thơ của mình thật cơ cực tưởng chừng không thể vượt qua…

Lúc 9 tuổi, cậu bé xứ Thanh bắt đầu rời gia đình, quê hương để bước vào một cuộc sống tự lập của chuỗi ngày tuổi thơ đầy khó khăn và gian khổ. Trịnh Tuấn “vật lộn với cuộc sống” khởi đầu bằng nghề lượm ve chai, nhặt phế liệu, bán báo, bán vé số, rồi làm phụ hồ, bốc vác hàng hóa ở cảng Sài Gòn… cho đến ngày trở thành sinh viên của trường ĐH Sư phạm TP HCM.

Cũng từ thời điểm này, Tuấn đã “dấn thân hơn vào cuộc đời mình” vừa phải tự lo cuộc sống cho bản thân, lo kiếm tiền để đóng học. Khó khăn lại chồng chất khó khăn tưởng chừng anh sẽ “từ bỏ” giảng đường ĐH vì không kiếm đủ tiền sinh sống và học hành; nhưng với ý chí và nghị lực của mình, anh đã nỗ lực vượt qua tất cả mọi gian khó để sau 4 năm, tốt nghiệp ra trường Tuấn đứng trên bục giảng để dạy bộ môn Thư pháp.

Sau một thời gian “chạy quanh” tại một số trường CĐ và ĐH như: ĐH Sư phạm TP HCM, ĐH Ngoại ngữ và Tin học, ĐH Văn hiến và một số Nhà văn hóa để truyền ngọn lửa nhiệt huyết tuổi trẻ của mình cho các thế hệ đi sau về bộ môn độc đáo này. Từ đây, anh đã đào tạo, dìu dắt rất nhiều bạn trẻ có lòng say mê bộ môn nghệ thuật thư pháp đã và đang có chỗ đứng ở phương Nam. Và rồi, anh đã quyết định khăn gói ra Bắc “tạo dựng cơ đồ” mà khởi đầu bằng một tác phẩm “Truyện Kiều” Nguyễn Du dài 300m đầy ấn tượng. Cũng thời gian đó, anh đã quyết tâm thi và trở thành chàng sinh viên của trường viết văn Nguyễn Du (nay là Khoa Sáng tác-lý luận-phê bình văn học-trường ĐH Văn hóa Hà Nội) bắt đầu một bước ngoặt mới của Tuấn trên con đường sự nghiệp.

Nhà thư pháp Trịnh Tuấn luôn dành một niềm đam mê vô tận với nghệ thuật thư pháp Việt.

Nhà thư pháp Trịnh Tuấn luôn dành một niềm đam mê vô tận với nghệ thuật thư pháp Việt.

Sau khi ra Bắc được một thời gian, Trịnh Tuấn đã khiến mọi người phải ngỡ ngàng khi có quyết định “dốc hầu bao” của bản thân và gia đình để thực hiện cuốn thư pháp kỷ lục “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du. Tác phẩm có độ dài 3.254 câu Kiều được viết trên 3 cuộn giấy lớn (mỗi cuộn dài 100 m, rộng 0,84 m), bằng hình thức gấp sóng tỉ lệ 10/100. Đây là bức thư pháp tiếng Việt khổng lồ đã đem lại những giá trị to lớn cho tất cả những ai quý trọng và đam mê nghiên cứu và tìm hiểu Truyện Kiều của hôm nay và mai sau. Đồng thời, bức thư pháp có một không hai này đã đưa Trịnh Tuấn vào danh sách những kỷ lục Việt Nam thời hiện đại.

Từ thành công trên, Tuấn đã “âm thầm” thực hiện một cuốn sách thư pháp mà anh đã “ôm mộng” từ lâu để đạt kỷ lục cả về quy mô và thời gian thực hiện có tựa đề Tuyên ngôn độc lập chỉ trong vòng 21 ngày để làm nội dung (nếu tính toàn bộ thời gian cả làm bìa thì mất chưa đầy 2 tháng). Không chỉ dừng lại ở đó, văn bản thư pháp này còn thể hiện tính liên tục của lịch sử, vừa để khẳng định vai trò và tôn vinh những giá trị lịch sử cũng như nghệ thuật của 3 kiệt tác bất hủ của dân tộc ta, đó là bài thơ Thần “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt (thế kỷ thứ X); “Bình Ngô Đại cáo” của Nguyễn Trãi (thế kỷ XV) và “Tuyên ngôn độc lập” của Chủ tịch Hồ Chí Minh (thế kỷ XX). Ba bản hùng ca ra đời đã đánh dấu ba bước ngoặt lịch sử hào hùng của dân tộc ta, khẳng định tinh thần bất khuất chống giặc ngoại xâm, là những tuyên bố hùng hồn về chủ quyền lãnh thổ của dân tộc không ai có quyền được xâm phạm.

Ngoài những kỷ kục về kích thước, độ dày… nêu trên, cuốn sách còn đặc biệt ở chỗ bìa được làm bằng gỗ Vàng rè quý hiếm, bìa 1-4 dày 4 cm, nặng 120 kg. Mặt khác, bìa 1 được phối hợp nghệ thuật chạm khắc tinh xảo cho tựa đề bằng chữ thư pháp; bên trong trang ruột được làm bằng giấy Xuyến chỉ bồi fomech có keo vĩnh viễn, không bao giờ hư hỏng nếu không dây vào axít hoặc lửa. Tất cả được thực hiện rất cầu kỳ, tinh xảo từ chất liệu đến hoa văn nền, cũng như cách bố cục trên mỗi trang sách.

Trịnh Tuấn tâm sự: “Nếu chúng ta đi dọc đất nước này trong một hành trình xuyên Việt, chắc ai cũng sẽ lặng đi mỗi khi dừng chân nơi nghĩa trang liệt sĩ. Lịch sử Việt Nam trải qua bao cuộc kháng chiến giành độc lập, có lẽ các trang sử đã nhuốm đỏ bởi xương máu của những người anh hùng đã ngã xuống vì nền “Độc lập”. Tác phẩm này tôi mong muốn được chép lại bằng thư pháp Việt công ơn của những người đã ngã xuống, những người đã hy sinh một phần xương máu và toàn thể những ai đã đóng góp sức mình cho nền độc lập lớn lao này”.

Thư pháp, hiểu đơn giản là cách người viết đưa Tâm lực, Thần khí được tập trung cao độ của mình để thể hiện cái hồn của câu chữ. Song, đối với nhà thư pháp Trịnh Tuấn thì lời nhắc nhở của người thầy còn hơn cả nỗi ám ảnh. Thầy của anh cho rằng: “Hán Văn là của Trung Quốc, thư pháp cũng xuất phát từ bên Tàu, nhưng khi vào đến Việt Nam thì cần phải có những nét đặc sắc của Việt Nam…”. Từ lời dạy bảo này, đã xuất hiện một nét bản sắc Việt ngay từ trong suy nghĩ về thư pháp của Tuấn, tuy chỉ mơ hồ thôi nhưng nó đã ảnh hưởng rất đậm nét trong nghệ thuật thư pháp của anh ở hiện tại.

Để phát triển một nền thư pháp Việt ngữ, ở đó con chữ tài hoa có thể chuyển tải được thần khí của người viết, thể hiện được ý nghĩa câu chữ ở các tầng bậc nghệ thuật, để trở thành một nét văn hóa trong đời sống của người Việt. Với mong ước đó, Trịnh Tuấn đã tự nỗ lực nghiên cứu và học hỏi những bậc tiền nhân đi trước để nâng cao bút lực, kỹ thuật lẫn thần khí. Bên cạnh đó, Tuấn còn tham gia giảng dạy nhiều lớp học trò, để rồi anh tự nhận thấy rằng cần phải có mô hình đào tạo, có chiều sâu và phải kế thừa tính liên tục.

Thủy Liên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nguoi-thanh-nien-gan-cuoc-doi-voi-thu-phap-166660.html