Người Thăng Long nơi quan ải Bạch Đằng giang

Vùng Hà Nam, thị xã Quảng Yên là một hòn đảo nổi chìm giữa cửa sông Bạch Đằng. Giới văn nghệ thì ví đảo như con mắt biển, canh trời, canh núi, canh sông cho quốc gia Đại Việt; có người còn viết về đảo như một con cá chép đang bơi về phía kinh thành Thăng Long. Báo Quảng Ninh điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Vùng Hà Nam, TX Quảng Yên là một hòn đảo nổi chìm giữa cửa sông Bạch Đằng. Giới văn nghệ thì ví đảo như con mắt biển, canh trời, canh núi, canh sông cho quốc gia Đại Việt; có người còn viết về đảo như một con cá chép đang bơi về phía kinh thành Thăng Long. Dân sử học thì gọi sông Bạch Đằng và đảo Hà Nam là quan ải Bạch Đằng giang.

Rước thọ theo nghi lễ truyền thống tại Lễ hội Tiên công Hà Nam (TX Quảng Yên).

Rước thọ theo nghi lễ truyền thống tại Lễ hội Tiên công Hà Nam (TX Quảng Yên).

Người Thăng Long đi mở đất

Năm 1433, Thái tử Lê Nguyên Long lên ngôi, đặt miếu hiệu là Lê Thái Tông, niên hiệu Thiệu Bình. Vua cho mở rộng kinh thành Thăng Long, phía nam tới tận phường Kim Hoa huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức (nay là phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội).

Năm 1434, có 17 vị Tiên công người phường Kim Hoa là những kẻ sỹ, nông dân sống chủ yếu bằng nghề nông và đánh cá ven hồ, ven sông Kim Ngưu. Hưởng ứng lời kêu gọi khai canh lập ấp của vua Lê, các Tiên công đã cùng gia đình xuôi theo dòng sông Hồng ra quan ải Bạch Đằng giang thuộc lộ Hải Đông cắm thuyền, tìm đất. Lúc đầu họ ở trên thuyền, sống bằng nghề đánh bắt cá, dãi chài, phơi lưới trên các đượng đất cao trên triều ở vùng cửa sông Bạch Đằng.

Vào một đêm, họ lên trú ở một gò nổi trên bãi triều, nghe thấy tiếng ếch kêu, biết là ở nơi này có nước ngọt, các tiên công đã tìm thấy mạch nước ngọt, nơi ấy là Hồ Mạch. Mười bảy vị Tiên công quyết định cùng gia đình dừng lại bãi triều này khẩn hoang đất đai, cải tạo thành ruộng lúa, lập làng, vừa trồng lúa vừa đánh bắt hải sản. Đầu tiên lập nên phường Bồng Lưu, sau đổi thành xã Phong Lưu gồm ba thôn: Phong Cốc, Cẩm La, Yên Đông (nay là phường Phong Cốc, Phong Hải, thôn Yên Đông phường Yên Hải xã Cẩm La thị xã Quảng Yên). Mười bảy vị tiên công là: Vũ Song (hiệu sinh), Vũ Hồng Tiệm (hiệu sinh), Bùi Huy Ngoạn (hiệu sinh), Ngô Bách Đoan, Nguyễn Phúc Cốc, Nguyễn Phúc Thắng, Nguyễn Phúc Vĩnh, Lê Khép, Lê Mở (Quốc Tử Giám sinh), Vũ Tam Tỉnh (Quốc Tử Giám sinh), Vũ Giai (Quốc Tử Giám sinh), Nguyễn Nghệ (Quốc Tử Giám sinh), Nguyễn Thực (Quốc Tử Giám sinh), Bùi Bách Niên (Quốc Tử Giám sinh), Phạm Việt, Dương Quang Tín, Dương Quang Tấn.

Nhiều người đến đây tự hỏi, tại sao các tiên công không sang bờ bắc sông Chanh, nơi nhiều bãi bồi, dồi dào nước ngọt để lập làng tựa sơn, đạp thủy, mà lại trụ ở giữa cửa sông Bạch Đằng bốn bề nước mặn?. Chỉ có thể giải thích, đó là người Thăng Long, luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu mà trụ lại giữa quan ải Bạch Đằng giang làm phên dậu cho đất nước.

Văn hóa Thăng Long nơi quan ải Bạch Đằng giang

Thuở mới khai hoang lập làng, người Thăng Long nơi quan ải Bạch Đằng giang ăn ở với nhau hòa thuận, coi nhau như anh em, trên dưới một lòng. Cùng nhau lập miếu thờ 17 vị tiên công ở xã Cẩm La.

Thời gian sau xã Trung Bản do hai tiên công Hoàng Nông và Hoàng Nênh quê Trà Lũ chiêu tập người quai đê lấn biển lập nên đã sáp nhập với xã Phong Lưu thành “nhất xã tứ thôn”, miếu Thập thất tiên công xã ở Cẩm La trở thành miếu Thập cửu tiên công.

Chùa Yên Đông là một trong các ngôi chùa được các con cháu tiên công xây dựng sớm nhất ở Hà Nam. Ảnh: Trần Minh

Khoảng từ năm 1700 đến 1750, con cháu các Tiên công san định gia phả của dòng họ và lập từ đường thờ thủy tổ là tiên công để con cháu mai sau nhớ nguồn cội, họ hàng. Gia phả họ Nguyễn thôn An Đông san định vào năm 1770 có ghi chép vào đời thứ 9, các cụ họ Nguyễn ở quê Kim Hoa, Thăng Long thành có ra đảo Hà Nam lộ Hải Đông thăm các cụ ở vùng đất mới; hai bên ăn uống vui vẻ và mời các cụ con cháu tiên công về thăm quê cha đất tổ, các cụ vui vẻ nhận lời.

Người Thăng Long vốn ứng xử với thiên nhiên và xã hội linh hoạt như nước. Sống nơi cửa biển dữ dằn trước bão gió, triều dâng, họ thích nghi và sáng tạo ra nhiều cái mới, nhưng vẫn bảo lưu khá nguyên vẹn văn hóa Thăng Long ở nơi quan ải. Thật chẳng mạo muội khi nói rằng các thuần phong mỹ tục trong lễ nghi, hội hè, đình đám, tang ma, cưới xin, trong ứng xử với thiên nhiên và cộng đồng làng xóm của người Thăng Long vẫn giữ nguyên vẹn ở vùng tứ xã nơi quan ải Bạch Đằng giang và đến giờ, các thuần phong mỹ tục này vẫn được bảo tồn.

Giống như đình, chùa ở Thăng Long thành, từ thế kỷ XVI con cháu 17 vị tiên công đã xây dựng bốn ngôi chùa làng to lớn dành cho quá nửa cư dân là các cụ bà đi lễ chùa, đó là chùa Yên Đông, chùa Cốc, chùa Giữa Đồng và chùa La. Bia đá chùa Yên Đông khắc năm Hưng Trị thứ ba (1590) có ghi “Từ triều trước, chùa đã được xây dựng… Thời đó phong tục thuần hậu, lúa tốt, dân đông, nhân tài thịnh, danh thơm lưu truyền ngàn năm…”.

Các đình làng được con cháu tiên công xây dựng muộn hơn, khoảng từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX ba ngôi đình thờ thần hoàng làng quy mô to rộng, cổ kính vào loại bậc nhất trong cả nước được xây dựng, đó là đình Phong Cốc, đình Yên Đông và đình La.

Người Thăng Long chuộng học hành. Trong 17 vị tiên công thì có tới 7 cụ là Quốc Tử Giám sinh (học ở Quốc Tử Giám) và 3 cụ Hiệu sinh (sinh đồ). Mỗi làng nơi đây đều có một văn từ để thờ Khổng Tử và thờ những người học hành đỗ đạt của làng. Gia phả của dòng họ Nguyễn thôn An Đông có ghi từ đời thủy tổ đến đời thứ chín của dòng họ có 26 người học ở Quốc Tử Giám Thăng Long.

Trên đảo Hà Nam, những căn nhà gỗ, đặc trưng nhà ở của Thăng Long cổ xưa được con cháu bảo tồn. Nhà gỗ kiến trúc kiểu ba gian hai chái buồng; vì kèo theo kiểu chữ công, kẻ chuyền, đầu bẩy, có cửa giại, nhà ngang, nhà bếp, sân gạch, tường hoa bó hè, vườn cây; cổng có mái lợp. Bài trí trong nhà có câu đối, đại tự răn dạy cháu con; có hòm cái để làm ban thờ gia tiên và đựng bát đĩa phục vụ những ngày cúng giỗ; có bài vị thờ tổ tiên và các đồ thờ vàng son khuyên dạy cháu con giữ gìn gia phong gia tộc.

Bơi chải trong Lễ hội Xuống đồng ở Hà Nam (TX Quảng Yên).

Văn hóa phi vật thể như phong tục, tập quán, hội hè, đình đám, tang ma, cưới xin, ứng xử trong gia tộc, trong cộng đồng làng xã của cư dân Thăng Long 585 năm trước được con cháu các tiên công các phường Phong Cốc, Phong Hải, Yên Hải và xã Cẩm La đến giờ vẫn còn khá nguyên vẹn. Trong khuôn khổ bài báo này không thể kể hết được. Chỉ xin kể hai lễ hội tiêu biểu của người Thăng Long nơi quan ải, đó là lễ hội Tiên công và lễ hội Xuống đồng.

Hàng năm vào dịp Tết cổ truyền, các cụ ông, cụ bà thọ tròn 80, 90, 100 tuổi được dân làng kính cẩn gọi là “cụ Thượng”. Ngày mùng 6 tháng Giêng, cụ Thượng được con cháu trong gia đình và họ tộc làm lễ Khánh thọ tại nhà. Cụ Thượng được con cháu sắm cho áo thọ, khăn thọ; được ngồi ghế thọ; được lập bên ban thờ sống; người con trưởng đọc văn truy ơn cha mẹ; họ hàng dòng tộc, con cháu xa gần, bà con lối xóm tới lễ sống cụ Thượng, chúc cụ Thượng sống lâu trăm tuổi. Hôm sau, mùng 7 tết, gia đình, họ tộc tổ chức đoàn rước thọ đưa cụ Thượng đến miếu Tiên công lễ tổ. Đoàn rước cụ Thượng theo trình tự: Trống cà rình; cờ hội ngũ phương; bát biểu; đội nhạc nhị huyền bát âm; lễ vật; hương án; võng đào và theo sau là con cháu, dòng tộc và những người đi xem hội. Cụ thượng lễ tiên công xong còn đắp đê và đánh vật tượng trưng ở cửa miếu để răn dạy cháu con vừa lao động vừa vui chơi và rèn luyện sức khỏe theo truyền thống của đất kinh kỳ ngàn năm văn vật.

Lễ hội Xuống đồng ở Hà Nam cũng giống như lễ Hạ điền ở bao miền quê khác. Lễ hội vẫn có các nghi lễ tế thần Nông, thần Hoàng, nghi lễ cấy Xứng đồng (cấy những cây lúa đầu tiên) cho vụ mùa. Nhưng lễ hội Xuống đồng nơi đây độc đáo ở hoạt động hát chèo, hát đúm và Hội thi bơi thuyền chải bằng dầm và bằng sào cho cả chải nam và chải nữ. Nhìn 24 mái dầm trên con thuyền chải cắt nước nhịp nhàng hoặc 24 cây sào vuốt lên, phóng xuống đều tăm tắp đưa thuyền chải lao như tên về phía trước mới thấy hết sức mạnh đoàn kết của những người dân đảo Hà Nam quanh năm phải lo thủy lợi và chống chọi với bão tố, triều dâng bảo vệ 34 km đê điều và làng mạc. Truyền thống đoàn kết trong lao động, đoàn kết làm thủy lợi và bảo vệ đê điều, làng mạc của đất Thăng Long kinh kỳ lại được con cháu các tiên công sáng tạo và thực hành nơi quan ải Bạch Đằng Giang.

Lê Đồng Sơn

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/202001/nguoi-thang-long-noi-quan-ai-bach-dang-giang-2468961/