Người thân ta có muốn không?

Khi cuộc triển lãm cơ thể người thật được nhựa hóa 'Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người' (Mystery of Human Body) diễn ra ở Việt Nam tạm dừng để soát xét thủ tục pháp lý, thì trong dân gian vẫn tồn tại các băn khoăn tâm lý, như ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm - phát biểu với truyền thông: 'Chúng ta không biết lai lịch của người hiến xác, và họ có thỏa thuận trưng bày trong triển lãm hay không'.

Câu chuyện gia đình chị rất riêng tư, nhỏ bé nhưng cùng hướng băn khoăn đó: Phát hiện tài khoản khá lớn của em chồng chị còn rất ít sau khi mất vì bạo bệnh, cả nhà nghĩ ngay đến người đàn bà có năm con sau bốn cuộc hôn nhân, luôn lơ lửng yêu thương em chị trong hai năm cuối cùng cuộc sống. Bằng nhiều cách kiểm tra, gia đình biết tiền của em đã đưa sang người đàn bà lửng lơ qua một số ngân phiếu. Chị ta cũng công nhận, và rằng “Anh ấy tự nguyện giúp em, dặn không được tiết lộ với ai”. Nhìn/nghe cách nói năng vô lý của người đàn bà hoạt ngôn, nhan sắc đó, gia đình chị quyết tâm nhờ luật pháp can thiệp. Nhưng lập tức đồng tâm dừng lại khi một thành viên nêu câu hỏi: “Liệu hương hồn T. có muốn vậy không?”. Câu hỏi không ai trả lời được, nhưng đầy lý, đậm tình.

Lâu rồi, một phụ nữ Mỹ có con gái bị bắn chết trên xe buýt đã ôm chặt, tha thứ cho hung thủ khiến những người tham gia xử án ngỡ ngàng: Jordyn Howe mười sáu tuổi đã vô tình bắn chết Lourdes Jina, mười ba tuổi, khi đi trên cùng chuyến xe buýt. Howe nhận tội ngộ sát, nhưng bà Guzman-DeJesus mẹ nạn nhân đã giúp cậu thoát án tù. Lý do, như bà nói: “Howe cũng là bạn của Jina và tôi biết con bé không muốn thấy điều tồi tệ xảy ra cho bạn”. Howe được tha bổng, chỉ phải tham dự khóa phục hồi chức năng trẻ vị thành niên.

Tháng 6 vừa rồi chị đi thăm đạo diễn Phạm Văn Nhận, 99 tuổi, ở miền Nam nước Pháp (*). Thể chất leo lét, chật vật, nhưng bố dượng của chồng chị vẫn luôn tự mình vệ sinh cá nhân, vì không muốn ai - thân nhân lẫn nhân viên y tế - nhìn thấy cơ thể kín đáo của mình. Ông nói cơ thể là danh dự cá nhân, là sở hữu riêng tư thầm kín; rằng ông mong muốn ra đi khi còn sức, để không mang ám ảnh bị xâm phạm.

Thông điệp của cuộc triển lãm cơ thể người nhựa hóa được cho là mang tính giáo dục, giúp con người chiêm nghiệm sự sống, cải thiện sức khỏe; nhưng cảm xúc sau những gì nhìn thấy lại trôi theo hướng tiêu cực: Nhìn thi thể bé sơ sinh, người xem tự hỏi cha mẹ nào nhẫn/vô tâm hiến thi thể con mình cho thế gian nhìn ngó; chưa nói việc hiến thi thể con không phải quyền hợp pháp của song thân. Nhìn thi thể phụ nữ sắp khai hoa, người xem tự hỏi ông chồng nào nhẫn/vô tâm hiến thi thể vợ con để phơi bày cho “mục đích khoa học”. Và nếu vì mục tiêu khoa học, sao các thi thể kia phải bị uốn cong, vặn vẹo theo dáng hình giải trí: chơi banh, đạp xe, ném tạ, yoga…?

Chưa bàn tới sự vi phạm đạo đức, nhân quyền hay tội ác còn tranh cãi ở châu Á, bị châu Âu quay lưng, chỉ một câu hỏi thôi cũng làm ta bất an: “Hương hồn những cơ thể kia có muốn vậy hay không?”.

(*) Đạo diễn các phim Hai thế giới, Vì đâu nên nỗi…

Việt Linh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/275026/nguoi-than-ta-co-muon-khong.html