Người tham gia bảo hiểm y tế: Sẽ được bảo đảm quyền lợi tốt hơn

Các cơ sở y tế của TP Hà Nội cần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) và giảm số bệnh nhân vượt tuyến, sử dụng thuốc và chỉ định các dịch vụ kỹ thuật phù hợp nhằm quản lý và sử dụng quỹ khám chữa bệnh BHYT hiệu quả, thiết thực, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Đó là ý kiến chỉ đạo của Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND Thành phố tại buổi làm việc với Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hà Nội Sở Y tế Hà Nội về việc chấp hành các quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân và công tác quản lý, sử dụng quỹ BHYT trong các cơ sở y tế công lập.

Ông Trần Thế Cương, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội, Trưởng đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Đỗ Hòa

Báo cáo với đoàn giám sát, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết, thời gian qua, ngành y tế đã rất nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch được giao. Cụ thể, năm 2014 toàn thành phố có 9.630 giường bệnh, đến năm 2018 có 12.265 giường bệnh (tăng 27%) đạt 24,5 giường bệnh/1vạn dân.

Ngành Y tế đã phối hợp với BHXH TP Hà Nội cũng như với các Sở, ban, ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn, bao gồm đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, hàng năm xây dựng và chỉ đạo 100% các cơ sở khám chữa bệnh nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT, thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh theo quy định, nỗ lực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh, phối hợp phân bổ giao dự toán quỹ khám chữa bệnh, xây dựng kế hoạch thanh tra kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách BHYT của các cơ sở khám chữa bệnh...

Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo Sở Y tế cũng thẳng thắn thừa nhận về những hạn chế và khó khăn của ngành như trình độ chuyên môn của bác sỹ chưa đồng đều, cán bộ có tay nghề giỏi còn hạn chế, chưa được đào tạo kịp thời, vẫn còn tình trạng thiếu bác sỹ tại tuyến cơ sở, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện còn gặp nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh, trang thiết bị chưa đồng bộ nhất là trang thiết bị công nghệ cao, hiện đại chuyên sâu, công tác xử lý rác thải ở một số bệnh viện chưa đảm bảo.

Báo cáo trước Hội đồng giám sát về kết quả thực hiện chính sách pháp luật về BHXH, BHYT trên địa bàn trong giai đoạn 1/1/2014 đến 30/9/2018, bà Đàm Thị Hòa - Phó Giám đốc BHXH TP BHXH thành phố Hà Nội cho biết: Việc phát triển và mở rộng độ bao phủ các nhóm đối tượng tham gia BHYT đều tăng đều qua các năm, việc thực hiện cấp thẻ BHYT cho các đối tượng được BHXH Thành phố quan tâm, đảm bảo đúng quy trình, thời gian, tổ chức chi trả chế độ BHYT kịp thời.

Hàng năm xây dựng kế hoạch thực hiện quản lý và sử dụng quỹ khám chữa bệnh BHYT với sự phân công trách nhiệm cụ thể và đưa các giải pháp thực hiện để đạt mục tiêu đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT đồng thời sử dụng quỹ BHYT hiệu quả; phân công giám định viên thường trực phối hợp với cơ sở khám chữa bệnh BHYT giải quyết ý kiến thắc mắc của người bệnh BHYT và bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người tham gia BHYT;

Thành lập các tổ giám định tập trung để thực hiện giám định thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh BHYT hàng tháng, hàng quý; đổi mới phương thức giám định thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT theo phương pháp tỷ lệ và theo chuyên đề. Số tiền BHXH Thành phố từ chối thanh toán năm 2014 là 23,2 tỷ đồng, năm 2015 là 22,2 tỷ đồng, năm 2016 là 258,7 tỷ đồng, năm 2017 từ chối chi trả 480,8 tỷ đồng.

Đại diện lãnh đạo BHXH thành phố Hà Nội cũng nêu những khó khăn, vướng mắc như: Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện, các cơ sở khám chữa bệnh BHYT chưa kịp thời, việc gửi dữ liệu chi phí khám chữa bệnh lên Cổng tiếp nhận Hệ thống thông tin Giám định còn chậm, việc liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện chưa được triển khai, việc thực hiện đấu thầu riêng lẻ trong công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế cũng là một trong những trở ngại của BHXH Thành phố do thiếu nhân lực tham gia đầy đủ tại các khâu…

Tại buổi giám sát, các thành viên Đoàn giám sát đã đề nghị Sở Y tế giải trình, làm rõ một số vấn đề về: Giải pháp để đến năm 2020 Sở Y tế hoàn thành chỉ tiêu 26,5 giường bệnh/1 vạn dân, nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng quá tải ở một số khoa, phòng tại các bệnh viện tuyến thành phố cũng như việc thiếu đội ngũ cán bộ y tế trình độ cao tại tuyến y tế cơ sở, công tác đấu thầu thuốc còn chậm, kéo dài ảnh hưởng đến việc cung ứng thuốc cho bệnh nhân. Về phía ngành BHXH, đoàn giám sát đề nghị giải đáp rõ hơn về tiến độ thanh quyết toán BHYT, công tác rà soát, quản lý và cấp thẻ BHYT cho đối tượng.

Tại buổi làm việc, sau khi nghe ý kiến giải trình của đại diện lãnh đạo BHXH Thành phố, Sở Y tế và lãnh đạo các ban, ngành, bệnh viên đa khoa, Đoàn giám sát đã tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của các đơn vị đối với HĐND Thành phố, UBND Thành phố, Bộ Y tế, BHXH Việt Nam đồng thời đoàn giám sát cũng đã ghi nhận những kết quả trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về khám chữa bệnh cho nhân dân và công tác quản lý, sử dụng quỹ BHYT trên địa bàn.

Để công tác quản lý, sử dụng quỹ BHYT thực sự hiệu quả, đoàn giám sát đề nghị cơ quan BHXH phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế trên cơ cở đánh giá thực trạng, thực hiện mục tiêu khám chữa bệnh, khắc phục những tồn tại hạn chế ở mỗi ngành, đơn vị; tăng cường công tác quản lý ở lĩnh vực của ngành quản lý; đề nghị các cơ sở y tế nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT và giảm số bệnh nhân vượt tuyến, sử dụng thuốc và chỉ định các dịch vụ kỹ thuật phù hợp nhằm quản lý và sử dụng quỹ khám chữa bệnh BHYT hiệu quả, thiết thực, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Đỗ Hòa - N.Lan

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nguoi-tham-gia-bao-hiem-y-te-se-duoc-bao-dam-quyen-loi-tot-hon-82974.html