Người Thái mê phở Việt

Chỉ mới hơn 16 giờ chiều, đầu bếp nấu món phở gia truyền Nam Định đã úp nồi thông báo thực khách hết phở, xin mời quay lại thưởng thức món phở Việt vào ngày mai.

Thứ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Đỗ Thắng Hải (trái) và Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan Sontirat Sontijirawong đang dùng món phở Việt tại tuần hàng Việt 2018. CTV

"Hết thịt, bán bánh phở với nước lèo cũng được"

Món phở truyền thống Việt luôn là mặt hàng hút khách mạnh nhất tại “Tuần lễ hàng và du lịch Việt tại Thái Lan 2018” (ngày 22-26/6). Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, hơn 300 tô phở bò và gà Nam Định được bán hết sạch. Không ít khách đến sau cứ cầm ví đứng tần ngần tỏ ý tiếc nuối. Thậm chí có người năn nỉ "nếu hết thịt bán bánh phở với nước lèo cũng được". Ba ngày sau khai mạc, món phở Việt vẫn nườm nượp khách Thái, khách du lịch đến Thái và cả người Việt xa quê tìm đến thưởng thức. Một tô phở gà được bán tại tuần hàng Việt có giá 59 bath/tô, phở bò 79 bath/tô, được nấu bởi đầu bếp chuyên món phở gia truyền Nam Định từ Việt Nam sang, mang theo cả những nguyên vật liệu nấu phở Việt.

Còn thương hiệu Phở 24 tham dự tuần hàng cũng chỉ có nồi phở tầm vài chục tô mời khách, chủ yếu giới thiệu nước lèo phở để khách nếm thử. Đại diện thương hiệu Phở 24 cho biết, dịp này chỉ tham dự với tư cách giới thiệu thương hiệu phở hiện đại không kém phần đặc sắc của Việt Nam chứ không chủ trương nấu bán rình rang món phở vì hơi khó khăn trong vấn đề vận chuyển dụng cụ, nguyên vật liệu… Cạnh những tô phở Việt nghi ngút khói được du khách thích thú là kệ xếp đầy gói phở ăn liền của Vifon. Đại diện Vifon khẳng định Thái là thị trường tiềm năng cho món phở ăn liền bởi thị trường này chưa có nhà cung cấp thành công.

Đặc sản vùng miền có cơ hội lớn

Từng tham gia tuần hàng Việt tại Thái 3 năm liên tục, sáng 23.8, tại Hội nghị kết nối doanh nghiệp Việt với các nhà thu mua của Thái tại Thái, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam nhận xét, hàng Thái giá dễ chịu, người tiêu dùng Thái cũng dễ chịu không kém. Thái có rất nhiều sản phẩm địa phương được người tiêu dùng yêu chuộng. Song hàng đặc sản vùng miền Việt đang được nhiều nhà thu mua lớn ở Thái quan tâm. Và đây là cơ hội cho nông sản chế biến Việt. Chẳng hạn cà phê xứ Đắk Lắk, Lâm Đồng; hạt điều Gia Lai, Bình Phước; quả vải Thanh Hà, thanh long Bình Thuận… rất được người dùng quan tâm từ câu chuyện liên quan sản phẩm cũng như cách chế biến khác người Thái.

Đặc sản vùng miền của Việt Nam có cơ hội lớn tại thị trường Thái.

Sau món phở, là cà phê. Tại tuần hàng Việt năm nay, có khá nhiều thương hiệu cả phê Việt như: King Coffee, Long Triều và Mr.Việt, Dakmak… giới thiệu hàng đến người Thái. Cà phê Long Triều năm trước từng tham dự tuần lễ hàng Việt tại Thái, ông chủ công ty cà phê này cũng từng được Central Group kết nối để gặp gỡ các nhà phân phối lớn tại Thái. Rút kinh nghiệm năm trước chỉ mang sản phẩm cà phê mà thiếu phin cà phê Việt, năm nay, doanh nghiệp tiếp cận người tiêu dùng Thái món cà phê Việt pha phin rất được người Thái thích thú.

Theo đại diện Cà phê Long Triều, không phải ly cà phê expresso pha bằng máy từ các hạt cà phê rang xay mang từ Việt Nam sang, công ty muốn mang món cà phê pha phin Việt vào thị trường Thái. Nếu thành công, đây là cơ hội tốt cho doanh nghiệp. Còn King Coffee đến nay đã xuất sang Thái thành công 3 container đưa vào hệ thống bán lẻ của Central Group và Familymart. Phó chủ tịch phụ trách thị trường châu Á - Thái Bình Dương của King Coffee cho biết kế hoạch doanh thu của công ty đặt cho thị trường Thái là 1 triệu USD trong năm nay.

Hàng chà bông nấm và tôm tươi sấy Việt được người Thái yêu chuộng

Có thể nói Thái Lan là “thủ phủ” của thực phẩm chế biến, hàng trăm sản phẩm trái cây sấy, từ măng cụt, sầu riêng, dứa thơm, dừa, thanh long… sấy, đến vỏ quýt, vỏ cam sấy ngon, mẫu mã đẹp và giá cực kỳ mềm. Ngay từ đầu, rất nhiều ý kiến cho rằng, hàng trái cây sấy Việt khó lọt vào thị trường Thái. Tuy nhiên, bà Vũ Thanh Trúc, Giám đốc kinh doanh quốc tế Công ty Cổ phần Vinamit khẳng định, trái cây sấy Việt vẫn hoàn toàn xâm nhập được thị trường Thái với những sản phẩm mà người Thái chưa làm hoặc làm không ngon bằng trái cây Việt.

Chẳng hạn, sản phẩm ổi sấy, mận sấy, mãng cầu dẻo, thanh long sấy, khoai lang sấy và mít sấy của Vinamit ngon ăn đứt hàng Thái. Còn chuối và thơm sấy Việt Nam chưa cạnh tranh nổi với hàng Thái vì giá cả của họ rất thấp. Hiện mỗi tháng Vinamit xuất 2 container hàng trái cây sấy với tổng giá trị khoảng 50.000 USD từ thị trường Thái. Tương tự, hạt điều rang củi của Công ty Hải Bình Gia Lai cũng cho biết thế mạnh bởi người Thái chưa có sản phẩm hạt điều làm kiểu truyền thống này: Điều rang muối bằng củi, còn giữ nguyên vỏ, không tẩm ướp gia vị như hạt điều Thái đang làm.

Có 2 sản phẩm snack cao cấp là tôm tươi sấy giòn và cá ba sa sấy giòn được Babep Foods giới thiệu và mời khách ăn thử tại tuần hàng Việt rất được nhiều người quan tâm. Ông Nguyễn Việt Bách, Giám đốc sản xuất Babep Foods thông tin: “Hàng mang sang mời khách dùng thử được phản hồi rất tốt, chi phí vận chuyển hàng từ Việt Nam sang Thái cũng không trở ngại, về tính chất hàng hóa thì tôi thấy tự tin nhưng bao bì mẫu mã so với hàng hóa của Thái chắc chúng tôi phải xem xét lại”. Ông Bách cũng như một số doanh nghiệp làm mặt hàng chế biến khác kỳ vọng hàng hóa không chỉ được đưa vào hệ thống bán lẻ của Central tại Thái mà vào các chuỗi khách sạn nhà hàng cao cấp của tập đoàn này trong tương lai gần.

Trong khuôn khổ “Tuần hàng và du lịch Việt Nam 2018”, Hội nghị kết nối giao thương giữa các nhà thu mua Thái với doanh nghiệp Việt cũng được tổ chức tại khách sạn Park Hyatt Bangkok (Thái Lan). Đã có hơn 100 cuộc tiếp xúc được thực hiện giữa 20 nhà thu mua Thái với đại diện 51 doanh nghiệp sản xuất chế biến Việt. Đặc biệt đại diện hệ thống Central Group Thái Lan gồm: Central Pattana Group (CPN), Central Department Store Group (CDG), Centara Hotels & Resorts (CHR), Central Restaurants Group (CRG), Central Home Group (CHG), Central Online Group (COL).

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/cau-chuyen-kinh-doanh/nguoi-thai-me-pho-viet-3466443.html