Người Thái đi bầu Hạ viện: Các đảng phái so kè quyết liệt

Hôm nay 24-3, Reuters đưa tin các cử tri trên toàn quốc Thái Lan đã đến các điểm bỏ phiếu để đi bầu các vị trí ở Hạ viện (Quốc hội). Cuộc bỏ phiếu để thực thi quyền dân chủ đã bị chính quyền quân sự Thái năm lần bảy lượt trì hoãn từ sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014.

Có khoảng 51,4 triệu cử tri Thái đủ điều kiện để đi bầu 500 ghế ở Hạ viện, nơi sẽ chọn ra chính quyền dân sự mới. Trong khi đó Thượng viện hiện nay, các vị trí vẫn đang bị chỉ định bởi chính quyền quân sự.

Thái Lan hiện nay vẫn đang được điều hành trực tiếp dưới sự chỉ huy của chính quyền quân sự, từ khi tướng Prayuth Chan-ocha tiến hành đảo chính lật đổ nữ thủ tướng Thaksin Shinawatra rồi lên cầm quyền.

Các nhà phân tích cho rằng hệ thống bầu cử do chính quyền quân sự viết lên tạo cơ hội cho các đảng ủng hộ quân đội thắng cử trong khi ngăn cản các đảng ủng hộ cựu thủ tướng Thaksin như Pheu Thai trở lại nắm quyền lực.

Từ năm 2001, chính trường Thái chứng kiến nhiều sự chia rẽ từ năm 2001 khi các đảng ủng hộ cựu thủ tướng Thaksin luôn thắng cử trong mỗi kỳ tổng tuyển cử. Nhưng 15 năm qua, xen kẽ sự lên xuống của các chính quyền là các cuộc biểu tình rầm rộ phản đối gây bất ổn chính quyền, có cả các cuộc biểu tình chống Thaksin cáo buộc ông tham nhũng.

Thủ tướng Prayuth Chan-ocha tại một điểm bỏ phiếu ngày 24-3 - Ảnh: Reuters

Thủ tướng Prayuth Chan-ocha tại một điểm bỏ phiếu ngày 24-3 - Ảnh: Reuters

Nói với các phóng viên, thủ tướng Prayuth cho biết: “Tôi rất hạnh phúc khi thấy các công dân đến và thực thi quyền bầu cử. Tôi muốn thấy tình yêu và sự đoàn kết. Mọi người đều có quyền bỏ một phiếu. Mọi người đều muốn dân chủ”.

Chính phủ mới sẽ được công bố sau vài tuần

Đáng chú ý trong cuộc biểu tình vừa qua là phe Áo vàng chống Thaksin, hầu hết quy tụ những người thuộc tầng lớp trung lưu và những người thuộc phe bảo hoàng thành thị, cáo buộc cựu thủ tướng Thaksin tham nhũng, đã xuống đường nhiều lần cùng với quân đội tiến hành 2 cuộc đảo chính chỉ trong 1 thế kỷ qua.

Phe còn lại là phe Áo đỏ, ủng hộ Thaksin, cũng đã nhiều lần xuống đường chiếm cứ các địa điểm quan trọng ở Bangkok trong nhiều tháng vào năm 2010 khi một tòa án giải tán chính quyền ủng hộ Thaksin.

Trong khi các kết quả của cuộc bầu cử được dự kiến sẽ được thông báo chỉ vài giờ sau khi các phòng phiếu đóng cửa vào lúc 17h chiều nay 24-3, thì hình hài của một chính phủ mới có thể chưa được công bố trong vài tuần khi có khả năng không có đảng nào đủ số ghế chiến thắng mà không phải thành lập chính phủ liên minh.

Hệ thống bầu cử do chính quyền quân sự đưa ra vẫn đảm bảo cho họ vẫn tiếp tục có chân trong chính quyền mới, thậm chí nếu thủ tướng Prayuth không còn tại vị.

Người Thái đến một điểm bỏ phiếu bầu Hạ viện - Ảnh: Reuters

Giới chuyên gia cho rằng các đảng ủng hộ Thaksin có thể thắng đa số ghế trong cuộc bầu cử Hạ viện lần này. Tuy nhiên Thượng viện vẫn còn đó 250 ghế do quân đội chỉ định có quyền bầu thủ tướng.

Điều đó có nghĩa đảng Palang Pracharat của ông Prayuth và các đảng liên minh của ông chỉ cần 126 ghế để chiến thắng trong khi đảng Pheu Thai và các đảng liên minh cần đến 376 ghế để chiến thắng.

Trong số các đảng liên minh với Pheu Thai, đáng chú ý có đảng Hướng đến tương lai (Future Forward) do tỷ phú 40 tuổi Thanathorn Juangroongruangkit lãnh đạo. Đây là đảng thường xuyên chỉ trích chính quyền quân sự.

Giữa sự so kè quyết liệt của nhiều đảng phái, Reuters dẫn lời Somkiat Rattanawibun, một doanh nhân 42 tuổi nhận định: “Chính quyền hiện tại hành động chưa đủ cho nền kinh tế phát triển. Tôi nghĩ các đảng phái mới sẽ là lựa chọn tốt hơn”.

Trong khi đó cựu thủ tướng Abhisit Vejjajiva, lãnh đạo đảng Dân chủ chống Thaksin, cho rằng mình là đại diện cho con đường thứ 3 giữa sự “độc tài” của chính quyền quân sự giúp tướng Prayuth trở lại cầm quyền và sự “tham nhũng” của những đảng ủng hộ Thaksin.

Anh Duy

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/thoi-su-quoc-te/nguoi-thai-di-bau-ha-vien-lan-dau-tien-sau-dao-chinh_71494.html