Người Thái ào ạt vào giữ ghế nước mặt sông Đuống

Bà Đỗ Thị Kim Liên (hay còn gọi là Shark Liên) - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Nước mặt sông Đuống không còn đảm nhận chức Tổng giám đốc/Người đại diện pháp luật của công ty này. Thay vào đó là nhân vật khác và hàng loạt người Thái vào giữ ghế...

Đó là thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, ông Tạ Đức Hoàng là người đại diện pháp luật CTCP Nước mặt Sông Đuống thay cho bà Đỗ Thị Kim Liên (hay còn gọi là Shark Liên).

Thay thế vị trí của bà Liên là ông Tạ Đức Hoàng, sinh năm 1980, có hộ khẩu thường trú tại 5B7, TT Quân đội, Học viện Quốc phòng, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ông Tạ Đức Hoàng đồng thời cũng là thành viên HĐQT của CTCP Nước mặt Sông Đuống, đồng thời là Tổng Giám đốc Tập đoàn Aqua One (công ty mẹ của Nước mặt Sông Đuống). Sau khi rời ghế Tổng giám đốc, Shark Liên vẫn đang là Chủ tịch HĐQT của Công ty này.

Bà Đỗ Thị Kim Liên - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Nước mặt sông Đuống không còn đảm nhận chức Tổng giám đốc.

Bà Đỗ Thị Kim Liên - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Nước mặt sông Đuống không còn đảm nhận chức Tổng giám đốc.

Shark Liên ra, người Thái vào

Ngoài Tổng Giám đốc Tạ Đức Hoàng và Chủ tịch HĐQT Đỗ Thị Kim Liên, danh sách người quản lý khác của công ty cho thấy người Thái đã chiếm đa số, gồm:

Ông Natthapatt Tanboon-Ek, sinh năm 1970, quốc tịch Thái Lan, thành viên Ban Kiểm soát;

Bà Jareeporn Jarukornsakul, sinh năm 1967, quốc tịch Thái Lan, thành viên Hội đồng quản trị;

Ông Vivat Jiratikarnsakil, sinh năm 1956, quốc tịch Thái Lan, thành viên Hội đồng quản trị;

Ông Wisate Chungwatana, sinh năm 1967, quốc tịch Thái Lan, thành viên Hội đồng quản trị.

Hai người còn lại trong BLĐ công ty là ông Nguyễn Trọng Dũng, sinh năm 1958, thành viên Ban Kiểm soát; và bà Lương Thị Mai Hương - Kế toán trưởng.

Tính đến thời điểm hiện tại, vốn điều lệ của CTCP Nước mặt Sông Đuống là 999,6 tỷ đồng, trong đó WHAUP (SG) 2DR PTE.LIMITED là tổ chức nước ngoài nắm giữ 34% vốn. WHAUP (SG) 2DR PTE.LIMITED là thành viên Tập đoàn WHA. WHA là Tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực logistics và các giải pháp tiện ích công nghiệp, năng lượng.

Cơ cấu nguồn vốn của Công ty Nước mặt sông Đuống.

Cũng theo đăng ký mới nhất, CTCP Nước mặt Sông Đuống chỉ tập trung vào một lĩnh vực kinh doanh duy nhất là khai thác, xử lý và cung cấp nước.

Câu chuyện Hà Nội ký hợp đồng chấp thuận giá bán nước sạch tối đa 10.246 đồng/m3 từ khi lập dự án Nhà máy Sông Đuống, lộ trình tăng giá tối đa 7%/năm gây nhiều thông tin trái chiều thời gian qua. Mức giá này được cho là cao hơn mặt bằng chung của giá bán lẻ, chênh lệch cao gấp đôi so với giá của đơn vị khác cung cấp cùng mặt hàng trên địa bàn thành phố.

Trước đó khi trả lời cử tri quận Hoàn Kiếm, đề cập đến nhà máy nước mặt sông Đuống, Chủ tịch Hà Nội thông tin có 4 nhà đầu tư rót vốn xây dựng nhà máy, gồm một quỹ đầu tư của Oman, doanh nghiệp Aqua One, Nhà máy nước sạch số 2 (10%) và 5% của một đơn vị khác.

Về việc một doanh nghiệp của Thái Lan mua lại cổ phần của Công ty nước mặt sông Đuống, ông Chung cho biết quỹ đầu tư Oman đã bán lại cổ phần cho nhà đầu tư Thái Lan từ vài tháng trước chứ không phải bây giờ.

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, chuyện các quỹ đầu tư mua bán phần vốn của doanh nghiệp tại dự án, công trình là bình thường, nên khuyến khích.

Ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội trong ngày khánh thành Nhà máy nước mặt Sông Đuống.

Chưa đủ điều kiện nghiệm thu

Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng - Bộ Xây dựng (gọi tắt là Cục Giám định) vừa chính thức lên tiếng về những “lùm xùm” xung quanh việc công trình Nhà máy nước mặt sông Đuống - giai đoạn 1 (huyện Gia Lâm, Hà Nội) chưa đủ điều kiện nghiệm thu đưa vào sử dụng dù trước đó, chủ đầu tư đã tổ chức lễ khánh thành rầm rộ và bán nước cho nhiều khu dân cư.

Cục Giám định cho biết, theo quy định của pháp luật, về công tác kiểm tra, công tác nghiệm thu công trình Nhà máy nước mặt sông Đuống - giai đoạn I thì chủ đầu tư là Công ty cổ phần Nước mặt Sông Đuống chịu trách nhiệm về việc tổ chức thi công xây dựng công trình, tổ chức quản lý chất lượng công trình và nghiệm thu hoàn thành thi công xây dựng công trình. Cơ quan chuyên môn về xây dựng (trong trường hợp này là Cục Giám định) thực hiện việc kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư.

Theo cơ quan này, công trình còn một số tồn tại như: Chưa cung cấp thiết kế ống qua đường, đường cao tốc; chưa làm rõ căn cứ thực hiện và kết quả thí nghiệm bổ sung thí nghiệm vật liệu ống, chiều dày lớp sơn phủ Epoxy; kết quả thử áp chưa bổ sung đầy đủ với các chủng loại ống…

Tuy nhiên, sau khuyến nghị này, Nhà máy nước mặt sông Đuống vẫn được tổ chức khánh thành vào đầu tháng 9/2019.

HOÀNG SƠN

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/nguoi-thai-ao-at-vao-giu-ghe-nuoc-mat-song-duong-92814.html