Người tạo ra trend sống xanh mới nhất

Ứng dụng công nghệ Nano bạc trong quá trình làm sạch nước, phòng chống bệnh tật, giảm thiểu gánh nặng ô nhiễm cho môi trường… đang là xu hướng mà nhiều tín đồ sống xanh theo đuổi. Tác giả của công trình nghiên cứu ứng dụng Nano bạc ở Việt Nam là Tiến sĩ Trần Thị Ngọc Dung.

Tiến sĩ Dung nhận giải thưởng Nhà khoa học nữ xuất sắc 2017.

Hạn chế hóa chất bằng Nano bạc

Không một người theo phong cách sống xanh nào lại không tìm đủ mọi cách “tránh xa hóa chất”. Họ sử dụng nước rửa bát bằng quả bồ hòn, gội đầu chỉ bằng nước sạch hoặc bồ kết, bón phân, tưới cây bằng bã rau củ quả và nước vo gạo, dùng ống hút bằng trúc, đi xe đạp, phòng bệnh quan trọng hơn chữa bệnh v.v… Cho nên, khi công nghệ Nano bạc phổ biến, đây là những người đầu tiên cổ súy cho nó.

Trên một diễn đàn sống xanh, tác dụng rộng rãi của nước Nano bạc được các thành viên liệt kê đến hạng mục thứ mười mấy, trong đó, các kết quả thử nghiệm được chính những người này công bố, bao gồm: hỗ trợ chữa đau mắt đỏ, viêm tai, viêm họng, phế quản, viêm lợi, đau răng, cảm cúm, sát trùng vết thương, chữa xoang, viêm dạ dày, chữa bỏng, chữa virus Rota v.v… Nhưng ứng dụng phổ biến nhất của Nano bạc trong cộng đồng này là dùng để nâng cao miễn dịch, phòng chống vi khuẩn và virus gây bệnh, và phòng ngừa kháng kháng sinh – một hiện tượng nguy hiểm trong y khoa và ngày càng trở nên phổ biến bởi thói quen dùng kháng sinh vô tội vạ của nhiều người.

Sản phẩm nước Nano bạc được lưu hành phổ biến trên thị trường không mùi, không vị và có giá thành tương đối rẻ (200.000-300.000 đồng/500ml) nên được nhiều người trữ trong nhà như một dạng thực phẩm chức năng không hóa chất, không kháng sinh, thân thiện với môi trường.

Kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Phương, người sáng lập ra mạng lưới Greener, hướng đến phong cách sống xanh, ăn sạch cũng là một người cuồng Nano bạc. Bản thân anh Phương luôn cổ súy hết lời cho những sản phẩm ứng dụng công nghệ Nano của các nhà khoa học Việt Nam như máy lọc nước Nano và khẩu trang Nano. Khi xây dựng tiêu chuẩn hữu cơ Greener, anh Phương cho biết, yếu tố đầu tiên Greener đưa ra là sử dụng nguồn nước sạch trong tưới tiêu đối với cây trồng nông nghiệp, trong đó nước từ ao, hồ, sông... đều phải phải lấy mẫu để xét nghiệm, sau đó sử dụng phối hợp chế phẩm vi sinh hữu cơ, Nano Bạc (Silver Nano )... để diệt khuẩn và trả lại độ trong sạch tự nhiên cho nước. Ngoài ra, quá trình chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm (lợn, bò, gà, vịt, ngan, ngỗng...) cũng phải sử nước được lọc qua máy lọc Nano sinh học để đạt chất lượng nước uống trực tiếp đóng chai. Bản thân anh Phương, trong quá trình chứng minh cho quan điểm của mình đều trực tiếp dùng nước “chăn nuôi” lọc bằng công nghệ Nano để uống.

Tiến sĩ Nano

Tiến sĩ Nano là tên mà nhiều người dùng để gọi chị Trần Thị Ngọc Dung bởi sự gắn bó “không rời không bỏ” của chị với công trình này. Ngay cả đề tài Tiến sĩ của chị cũng là nghiên cứu điều chế Nano bạc và ứng dụng Nano bạc trong khử trùng nước uống.

Trước đó, trong một lần phỏng vấn, bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn (Viện bỏng Quốc gia) kể với tôi: “Dung chính là đại công thần trong lĩnh vực chống nhiễm khuẩn bệnh viện bởi đã nghiên cứu ra loại băng gạc điều trị vết thương có thành phần Nano bạc. Trước đó, không ít ca mổ, ghép da thành công nhưng bệnh nhân vẫn không qua khỏi vì nhiễm khuẩn hậu phẫu. Băng gạc ứng dụng Nano bạc trên thế giới họ sử dụng lâu rồi nhưng giá thành quá đắt, nếu nhập về điều trị thì những bệnh nhân nghèo không kham nổi. Trong khi băng gạc của Dung giá nội mà chất lượng ngoại: khả năng kháng khuẩn cao, thấm hút dịch tốt, nhanh khô, dễ thay… giảm thiểu rất nhiều gánh nặng hậu phẫu cho chúng tôi”.

Trước đó, công trình nghiên cứu ứng dụng Nano bạc của chị Dung và nhóm cộng sự được đánh giá là: “có chất lượng cao, kích thước đều, ổn định, có thể bảo quản lâu dài, có hoạt tính khử khuẩn rất mạnh, và còn có thể điều khiển được kích thước hạt theo từng nhu cầu nhất định. Sản phẩm đã được nghiên cứu đánh giá hoạt tính kháng khuẩn trên hàng chục loại vi sinh vật gây bệnh trên người như: E.coli, Coliform, S.aureus, P. aeruginosa, Aci.baumannii, Streptococcus, Vibrio cholerae, Enterococcus feacalis, N. Gonorrhoeae, Candida albicans... Nghiên cứu được thực hiện tại Viện Công nghệ môi trường và nhiều cơ sở y tế lớn trong nước như Học viện Quân Y, Bệnh viện Trung ương quân đội 108, Viện bỏng Quốc gia, Viện các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm Quốc gia, Bệnh viện da liễu Trung ương, v.v... cho thấy sản phẩm được chế tạo có thể tiêu diệt tất cả các đối tượng vi sinh vật ở trên”. Từ đó, sản phẩm được sản xuất với số lượng lớn và ứng dụng thành công nhiều lĩnh vực và sản phẩm khác nhau, trong đó có thể kể đến: Băng gạc điều trị vết thương, vết loét lâu lành, Bộ dụng cụ lọc dùng cho mục đích làm sạch nước quy mô gia đình, Băng bỉm vệ sinh cho trẻ em, người lớn, người già và Khẩu trang phòng chống ô nhiễm môi trường, Dung dịch vệ sinh phụ nữ.

Hiện nay, công nghệ gắn nano bạc lên vật liệu để sản xuất băng bỉm vệ sinh đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền Giải pháp Hữu ích. Công nghệ chế tạo vật liệu lọc nước ceramic xốp cố định Nano bạc đã được cấp Bằng độc quyền Sáng chế đã gắn tên tuổi của Tiến sĩ với công nghệ tiên tiến này. Trong thời gian tới, Tiến sĩ Dung sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ Nano bạc trong lĩnh vực nông nghiệp như công nghệ bảo quản nông sản sau thu hoạch, xử lý bệnh hại trên cây trồng, vật nuôi.

An An

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/cong-nghe/nguoi-tao-ra-trend-song-xanh-moi-nhat-1297629.tpo