Người tâm thần gây nguy hiểm cho cộng đồng: Xử lý ra sao?

Vụ án mạng đau lòng ở Bình Định những ngày qua, trong đó nam thanh niên có tiền sử bệnh tâm thần giết hại bố và vợ con khiến nhiều người bàng hoàng. Không ít người đặt ra câu hỏi phải làm thế nào khi sống chung với người có tiền sử bệnh tâm thần?

Thời gian qua, có nhiều vụ án mạng liên quan đến người tâm thần giết hại người thân. Mới đây nhất, vụ án mạng đau lòng ở Bình Định khiến 3 người cùng gia đình tử vong gây xôn xao dư luận. Người gây ra án mạng là người đàn ông có tiền sử bệnh tâm thần.

Từ câu chuyện này, không ít người đặt ra nhiều câu hỏi làm thế nào để cảnh báo nguy cơ về cái chết rình rập khi sống chung với những người tâm thần? Các cơ quan quản lý đã có phương án cho người tâm thần ra sao?

Vụ án mạng ở Bình Định gây xôn xao dư luận những ngày qua.

Trước những câu hỏi này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Tô Đức, Phó Cục trưởng cục Bảo trợ xã hội, bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Chia sẻ về việc xử lý vấn đề người tâm thần cấp tính, có hành vi nguy hiểm cho cộng đồng, ông Tô Đức cho biết: “Khi phát hiện người mắc bệnh tâm thần có hành vi nguy hiểm cho gia đình và cộng đồng, gia đình cần phối hợp với Ủy ban Nhân dân cấp xã để liên hệ với cơ sở trợ giúp xã hội (thông qua đường dây tư vấn hotline), đưa người tâm thần đến bệnh viện tâm thần hoặc cơ sở có chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần để được can thiệp, điều trị, trị liệu, chăm sóc và phục hồi chức năng theo quy định tại Nghị định số 103/2017/NĐ-CP ngày 12/9/2017 quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội.

Trường hợp, người mắc bệnh tâm thần có hành vi nguy hiểm cho cộng đồng được đưa vào cơ sở bắt buộc chữa bệnh. Điều này được quy định tại Nghị định số 64/2011/NĐ-CP ngày 28/7/2011 của Chính phủ quy định việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh”.

Ông Tô Đức, Phó Cục trưởng cục Bảo trợ xã hội, bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Để chăm sóc, trợ giúp hiệu quả cho người mắc bệnh tâm thần sống tại cộng đồng, theo ông Tô Đức, các gia đình cần tập trung một số giải pháp sau: “Liên lạc với nhóm nhân viên liên ngành tại cộng đồng để được hỗ trợ cần thiết, gồm: Nhân viên y tế, công chức văn hóa xã hội, các hội đoàn thể chính trị - xã hội và cộng tác viên công tác xã hội về chăm sóc sức khỏe, tổ chức quản lý trường hợp, theo dõi diễn biến bệnh, hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm cho người bệnh tâm thần đã thuyên giảm bệnh.

Thường xuyên liên lạc với các cơ sở trợ giúp xã hội để được hướng dẫn, hỗ trợ trong chăm sóc, điều trị và phục hồi chức năng, trường hợp cần thiết phải đưa ngay vào cơ sở, bảo đảm an toàn cho gia đình, cộng đồng và điều trị ổn định cho người bệnh. Tiếp đó, các gia đình cũng cần đặc biệt chú ý các biện pháp phòng ngừa, kịp thời phối hợp với nhân viên y tế tại trạm y tế cấp xã để xử lý kịp thời các trường hợp người mắc bệnh tâm thần tái phát cấp tính”.

Cũng theo thông tin từ cục bảo trợ xã hội, được biết trên phạm vi cả nước đã có hàng trăm cơ sở bảo trợ xã hội có chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trong đó có 26 cơ sở chăm sóc chuyên biệt, còn lại là cơ sở tổng hợp.

Mạng lưới các cơ sở này có nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho người tâm thần. Công suất tiếp nhận của các cơ sở đạt 13.000 giường; tổ chức lao động sản xuất, phục hồi chức năng cho đối tượng.

Phần lớn các cơ sở liên kết với tiểu thương, tổ chức, cá nhân, tổ chức lao động sản xuất, hướng nghiệp và dạy nghề, tạo việc làm cho người tâm thần thông qua các nghề như chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng nấm, sản xuất hương, vàng mã, giấy bản, trồng cây cảnh… tạo thu nhập, góp phần nâng cao chất lượng đời sống và tinh thần cho đối tượng…

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/nguoi-tam-than-gay-nguy-hiem-cho-cong-dong-xu-ly-ra-sao-a379532.html