Người ta trả chồng

Chị đi tìm anh nhiều lần, để nhận lại sự xua đuổi, để nhận được những câu trả lời phũ phàng.

Chiều hôm qua, khi cơm tối xong bỗng dưng có một chiếc xe taxi đậu xịch trước nhà và hai thanh niên nhanh nhẹn chuyển một băng ca vào cổng.

Chị đứng hình với việc "trả chồng". Ảnh minh họa

Chị đứng hình với việc "trả chồng". Ảnh minh họa

Chị Dịu đang lau nhà cũng đứng hình, không biết việc gì. Bỗng có tiếng phụ nữ vang lên: “Em trả anh Thanh cho chị đó. Trước kia chị cứ đi đòi anh hoài. Nay thì ảnh về nhà luôn rồi, có con trai thắt khăn, tang ma, chị coi làm đám cho ảnh nghen!”.

Hai đứa con trai trong nhà ùa ra, thì hai thanh niên đã đẩy băng ca vào tận sân. Họ bỏ chiếc băng ca trên thềm, trên đó là một hình người phủ vải trắng. Rồi chiếc xe vụt đi, như chưa hề đến.

Hai thằng con trai chị Dịu sau phút bàng hoàng cũng đến giở tấm vải trắng ra và hốt hoảng la lên: “Ba chết rồi mẹ ơi!”.

Sáu năm trước, ở tuổi 50, chị Dịu bị mắc một chứng bệnh phụ nữ cần phẫu thuật. Gia đình vốn không khá giả, tiền thuốc men bệnh tật của chị đã phải vay mượn nhiều nơi. Thằng con trai lớn 23 tuổi đi làm thợ cửa sắt mà phải mượn trước 6 tháng lương để giúp mẹ chữa bệnh. Thằng út 16 tuổi đang học lớp 11 cũng phải xin bảo lưu kết quả để theo các bệnh viện chăm mẹ.

Thời gian chị Dịu bệnh đó, anh Thanh đi đâu?

Anh đi theo người đàn bà khác.

Là cô gái một con, trẻ hơn anh 20 tuổi. Cô có nét đẹp rạng rỡ của người đàn bà tuổi 30, thêm chút ngọt ngào son phấn của bà chủ quán cà phê nên anh Thanh ngã ngựa.

Lành bệnh, chị Dịu còn phát hiện chẳng những chồng biến mất, mà tờ giấy đỏ trong nhà cũng không cánh mà bay. Tờ giấy đỏ duy nhất của gia đình này, ngay cả lúc chị bệnh thập tử nhất sinh cũng không dám thế chấp. Vậy thì nó đã đi đâu?

Vậy là chị đi tìm chồng. Để xác định tin đồn của hàng xóm, và để hỏi anh về tờ giấy đỏ mà chỉ anh biết nơi chị cất.

Trong căn nhà nhỏ xinh đó, trên cái thềm nhà lát gạch tinh tươm đó, anh đang chơi trò “ụm bò” với một bé gái tầm 5-6 tuổi. Con bé nắm tóc anh cười nắc nẻ gọi ngựa ông nhong nhong. Cửa rào không khóa, anh nhìn ra, thấy chị. Lúng túng, anh… biến vào nhà và mất hút.

Người phụ nữ trẻ đi ra, thẳng thừng nói: “Anh Thanh chồng chị đang ở với em, anh lấy giấy đỏ của chị đi vay tiền về sửa nhà cho em đó. Chị có gan thì vô dắt ảnh về đi”.

Bẽ bàng. Tê tái. Chị ra về như người mất hồn. Một bên khuôn ngực bị phẫu thuật của chị bỗng dồn lên nhức nhối dù vết mổ đã lành.

Hai con trai chị đi tìm cha. Bảo ông ta muốn ly hôn với mẹ cũng được nhưng ba phải trả sổ đỏ lại, ra tòa chia đàng hoàng. Cha chúng bảo, sổ đỏ lỡ thế chấp rồi, để đáo hạn hẵng tính: “Bây về mà lo cho mẹ bây đi, bệnh ung thư của bả chưa biết chết sống ngày nào đâu. Đừng ăn thua với tao”.

Các con chị về, thề không bao giờ đi tìm ba chúng nữa. Nhưng chị không thể mất chồng vô lý như vậy. Chị đi tìm anh nhiều lần, để nhận lại sự xua đuổi, để nhận được những câu phũ phàng: Giờ chị đã mất một bên ngực, bệnh tật của chị làm cuộc sống chung nặng nề, anh còn phải sống cuộc đời của mình, chị cần thông cảm.

Ảnh minh họa.

Cuối năm đó, ngân hàng kê biên mảnh đất chị đang ở, vì người vay không có khả năng trả nợ. Ông chủ nơi thằng trai lớn chị làm việc thương tình đã bán cho mẹ con chị lô đất 4 x 20 m theo cách trừ dần vào lương để mẹ con có nơi dựng căn nhà sơ sài. Căn nhà mới cách nhà cũ không xa. Người đàn ông đốn mạt kia biết hết, nhưng 6 năm nay chưa một lần về qua.

Vì cú sốc gia đình liên hoàn đó, con trai út của chị không thể học xong lớp 12. Giờ nó theo nghề của anh Hai, lương bổng đủ sống, nhưng chị mãi tiếc sự học dở dang của con.

Rồi nay có màn kịch “trả chồng” này. Nghe hàng xóm nói chồng chị gần đây bệnh tật đùm đề, khiến cô vợ trẻ hết chịu nổi. Cuộc sống của họ chỉ toàn nghe tiếng la hét, đánh đập, quăng mâm quăng chén. Cũng chưa ai rõ chồng chị mất vì bệnh gì ở cái tuổi chưa quá 60 này...

Hàng xóm bảo chị đừng nhận cái xác ấy. Họ nói: "Nhà “nó” cô biết mà, thuê xe đem xác lại quăng trước cửa nhà ấy!". Người nữa lại bảo: "Thứ bạc bẽo ác nhơn thế, tội gì phải cho vào nhà". Lòng chị ngổn ngang...

Nhưng hai con chị khóc, nói rằng dù sao đó cũng là ba của chúng, nghĩa tử là nghĩa tận. "Bao lâu nay tụi con chưa xin mẹ một điều gì lớn cả, chỉ xin mẹ một lần này, là cho ba được làm đám trong nhà mình", chúng van vỉ.

Tiếng kèn trống vang lên khắp phố. Tôi nắm bàn tay chai sần của chị Dịu, bàn tay lạnh quá chừng. Đầu chị vấn vành khăn trắng, đôi mắt cũng đục một màu mây xám...

Theo Hồng Trang/Báo Phụ nữ

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/doi-song/nguoi-ta-tra-chong/20200727102839885