Người ta là hoa đất!

Nhiều người nước ngoài thích thú và ngạc nhiên khi biết người Việt có câu phương ngôn thật hay: Người ta là hoa đất. Ví con người như hoa là coi con người ở tầm giá trị văn hóa cao nhất: Đẹp nhất (đẹp như hoa), tươi tắn, đáng yêu nhất (tươi như hoa), đáng trân trọng, nâng niu nhất (hứng như hứng hoa)…

Người con gái trong ca dao luôn được so sánh với hoa: “Miệng cười như thể hoa ngâu/ Cái khăn đội đầu như thể hoa sen”. Trong văn học viết thì cụ Nguyễn Du nâng tầm vẻ đẹp của cô Thúy Kiều vươn lên trên cái đẹp của tạo hóa, thậm chí còn vượt lên để tạo hóa phải ghen, phải hờn: “Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”. Cũng bút pháp ấy, nhà thơ Hoàng Cầm thời hiện đại ca ngợi vẻ đẹp người con gái xứ Kinh Bắc: “Những cô hàng xén răng đen/ Cười như mùa thu tỏa nắng”. Tức coi những người con gái ngang tầm vũ trụ tỏa nắng tỏa ấm đem lại sức sống cho thế gian. Như vậy văn hóa người Việt có truyền thống coi trọng con người nói chung, vẻ đẹp người phụ nữ nói riêng.

Nhưng trong thực tế thì suốt hàng ngàn năm phong kiến, người phụ nữ luôn chịu nhiều thiệt thòi, khổ đau, bất hạnh vì bị trói buộc bởi những khắt khe, bảo thủ, lạc hậu của giáo lý phong kiến. Dân gian đã rất công bằng khi đưa họ vào văn chương để xây dựng họ thành những tuyệt thế giai nhân, thành những “đấng”, “bậc” tài năng khác hẳn ngoài đời…

Lấy hình tượng người phụ nữ đẹp nhưng đau khổ, bất hạnh mà đầy khao khát tình yêu, tình đời, tình người làm chủ đề chính, bộ phim “Vợ ba” đã chinh phục được khán giả quốc tế (đạt nhiều giải thưởng, được dư luận đánh giá cao) bởi tinh thần nhân văn, bởi đề cập đến chủ đề nữ quyền đang là vấn đề nóng của thế giới... Đó là câu chuyện về cuộc đời của một nhân vật Mây mới 13 tuổi bị gả làm vợ ba cho người giàu. Bộ phim khai thác những chi tiết bi kịch của cuộc đời người phụ nữ dưới chế độ phong kiến, như: Phải làm vợ quá sớm, những hủ tục lạc hậu, va chạm vợ nọ vợ kia, áp lực nặng nề phải đẻ con trai… Bộ phim có những trường cảnh gợi về một quá vãng xa xưa của lịch sử văn hóa thuộc không gian Đồng bằng Bắc bộ thế kỷ 19 được dàn dựng khá công phu. Nhìn chung đây là bộ phim nghệ thuật đáng xem ở cả hai phương diện nội dung và hình thức.

Nhưng bộ phim đã tạm dừng công chiếu ở Việt Nam vì chi tiết nhạy cảm: Diễn viên nữ 13 tuổi đóng cảnh sinh hoạt vợ chồng! Có một nguyên nhân, thật không may, bộ phim công chiếu vào thời điểm môi trường xã hội đang rất nhạy cảm với chuyện xâm hại tình dục trẻ em. Dư luận có lý. Cơ quan quản lý có lý. Có cách nào thoát ra được áp lực này?

Phải khẳng định, nhìn chung đây là bộ phim hay. Không vì một vài chi tiết nhỏ mà phủ định, thậm chí đình chỉ việc công chiếu bộ phim. Vấn đề lúc này là nhà sản xuất nhanh chóng chỉnh sửa bằng cách thay thế (“đóng thế” nhân vật) hoặc chỉnh sửa hẳn đoạn phim nhạy cảm này bằng một cảnh khác có hiệu ứng thẩm mỹ tương tự!?

Mới chỉ vài ngày trước, một người mẫu khá nổi của Việt Nam xuất hiện trên thảm đỏ của Liên hoan phim Cannes tại Pháp bị dư luận báo chí thế giới mỉa mai là “trang phục thiếu vải” với hình ảnh bộ váy tua rua màu đen bằng chất liệu xuyên thấu, phô gần trọn vòng ba nóng bỏng. Sự kiện này “nổi tiếng” đến mức người có trách nhiệm của bộ chủ quản phải lên tiếng, gọi đó là “phản cảm” đáng “phê phán”. Đúng vậy. Đem cái đẹp ra thế giới thì không chỉ còn là cái đẹp của một người mà còn mang ý nghĩa biểu trưng cho cái đẹp của cả đất nước. Trong thời buổi đối thoại và giao lưu văn hóa thì bất kỳ ai ra nước ngoài học tập, công tác đều phải nghĩ đến nhiệm vụ “sứ giả văn hóa”, phải đặt trọng trách giới thiệu, quảng bá cái đẹp bản sắc của đất nước mình lên trên hết. Như trên đã nói, với văn hóa Việt, đó là cái đẹp nhân văn vì con người, gần gũi với thiên nhiên, kín đáo, nhẹ nhàng!

Hai sự kiện rất gợi nghĩ gần như diễn ra đồng thời, ý nghĩa thì khác nhau nhưng cho ta bài học chung: Văn hóa Việt rất coi trọng, tôn trọng phụ nữ và cái đẹp. Vấn đề đặt ra cho hôm nay là thể hiện cái đẹp còn căn cứ vào không gian, thời điểm, tùy nơi, tùy lúc, thận trọng hơn, phù hợp và tinh tế hơn thì cái đẹp Việt sẽ tỏa rạng hơn nhiều!

NGUYÊN THANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/nguoi-ta-la-hoa-dat-574818