Người sưu tầm và lưu giữ những cổ vật của đồng bào Cor

Thuộc lớp người trẻ, nhưng 'nặng lòng' với những giá trị văn hóa của đồng bào mình và không muốn các cổ vật đã một thời gắn bó với ông bà, với người Cor bị vơi hụt dần theo năm tháng, nhiều năm qua, anh Hồ Văn Tư, SN 1989, ở thôn Tây (xã Trà Lãnh, huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi) đã cất công sưu tầm và lưu giữ các cổ vật mà thời xa xưa ông bà, tổ tiên đã sử dụng.

Một số cổ vật anh Hồ Văn Tư sưu tầm được. Ảnh: Trần Lâm

Một số cổ vật anh Hồ Văn Tư sưu tầm được. Ảnh: Trần Lâm

Níu giữ hồn xưa

Tôi đến thôn Tây khi trời đã quá trưa, con đường cấp phối đang làm dở lởm chởm đá. Dừng xe bên vệ đường, tôi hỏi thăm đến nhà anh Tư nhưng trớ trêu thay, không mấy người biết đến. Thấy thế, tôi hỏi ngược lại: "Có ai biết anh Tư đang lưu giữ cồng chiêng không?". Nghe vậy, một cụ già đang ngậm chiếc tẩu nở một nụ cười đầy ẩn ý rồi bảo: "Ở đây có nhiều đứa tên Tư nên hỏi vậy thì ai biết. Muốn hỏi nhà thằng Tư đang sưu tầm cồng chiêng chứ gì? Bây giờ chạy xe xuống con dốc kia, qua một khúc cua là tới, ngôi nhà của nó nằm sát bên vệ đường".

Cuối cùng, sau nhiều lần quanh co theo hướng cụ chỉ, tôi cũng tìm đến nhà anh Tư, đó là ngôi nhà cấp 4, nằm vắt vẻo bên triền dốc hướng mặt về phía hồ thủy lợi Nước Trong, xung quanh được bao bởi những gốc cây cổ thụ, thân thiện với môi trường. Một người đàn ông mang quần cộc, ở trần, nước da ngăm đen đang vác cần câu men theo triền dốc đi lên nhà. Thấy khách, anh liền đáp: "Tôi không bán cồng chiêng đâu, đi đi, đừng hỏi mất công". Tôi vội phân bua: "Không, em không mua, mà đến tìm hiểu việc anh đang cất giữ, bảo tồn những bộ cồng chiêng". Nghe vậy, người đàn ông vội ném cần câu vào gốc cây mít, đi ra áng nước rửa chân tay rồi vào rót nước mời khách.

Là người thuộc thế hệ 8X, nhưng từ rất sớm, anh Tư đã "bén duyên" với những thứ vật dụng, những bộ cồng chiêng của cha ông. Nhiều lần thấy những bộ cồng chiêng đáng giá của cha ông, của đồng bào người Cor bị chính người Cor bán cho thương lái vì túng tiền, anh rất tiếc. Hiện tại, trong ngôi nhà cấp 4 tềnh toàng của mình, anh vẫn đang lưu giữ được 4 bộ cồng chiêng có niên đại cả trăm năm, 4 bình ché dùng đựng rượu cần, 3 bộ nồi bảy, nồi bung (dùng để nấu cơm). Mặc dù cuộc sống của anh và gia đình cũng không dư dả gì, tiền gạo, tiền sinh hoạt mọi thứ chỉ trông chờ vào nương rẫy, thế nhưng, dù đã có người trả giá 4 bộ cồng chiêng lên đến 100 triệu đồng, anh vẫn không có ý định bán.

Giải thích cho việc này thì anh nói: "Tiền có nhiều đến mấy rồi cũng hết, chỉ có những đồ vật đó là tồn tại mãi với thời gian. Thuở trước, ông cha ta còn khó khăn biết bao mà vẫn giữ, vẫn lưu truyền lại cho mình, thì bây giờ không có lý do gì để mình bán nó đi. Nghèo đói mà bán những thứ đó thì chỉ là một sự ngụy biện" - nói rồi anh tất tả đi lấy những bộ cồng chiêng, ché… ra bày biện trước mặt tôi. Cầm một chiếc chiêng, đánh một hồi rồi anh giãi bày: Những chiếc cồng chiêng thời này so với những chiếc cồng chiêng ngày xưa thì không tốt bằng, tiếng cồng ngày xưa đánh vang xa, nghe sướng hơn, chứ cồng chiêng bây giờ tiếng nó rè và không lành, không vang xa.

Gian nan bảo tồn vốn cổ

Theo thống kê của UBND xã Trà Lãnh, năm 2012, toàn xã có khoảng 100 hộ dân còn lưu giữ những bộ cồng chiêng quý hiếm từ xa xưa để lại. Nhưng theo thời gian, vì cuộc sống khó khăn cộng với việc thương lái trả giá cao cho những bộ cồng chiêng nên nhiều người dân đã bán đi. Toàn xã Trà Lãnh có trên 500 hộ dân chỉ còn lác đác vài nhà còn giữ được cồng chiêng, nhưng lưu giữ nhiều và đủ loại như anh Tư thì rất hiếm.

Con đường dẫn vào xã Trà Lãnh cũng rất khó khăn, về mùa mưa trở nên trơn trượt, nhiều đoạn còn nằm cheo leo giữa một bên là núi, một bên là vực sâu. Thế nhưng, khi nghe tin nhiều người dân ở đây còn lưu giữ được những bộ cồng chiêng quý hiếm, không ít thương lái đã đánh liều chạy xe vào tận nơi để gạ gẫm mua bằng được. Với bộ sưu tập cồng chiêng của anh Tư, đã có hàng chục lượt thương lái lui tới thăm dò để mua, nhưng anh không bán, vì anh muốn giữ gìn văn hóa cha ông.

"Họ bảo tôi bán những thứ đó đi để lấy tiền mà xây lại ngôi nhà mới, chứ ở ngôi nhà trống trước hở sau vậy mà giữ những bộ cồng chiêng đó làm gì. Nhưng tôi vẫn quyết giữ, nghèo thì nghèo chứ của cha ông mà sao đem bán được. Thấy tôi không bán, họ ra về rồi vài ba ngày sau lại quay lại. Có nhiều người đến năn nỉ tôi cả chục lần nhưng rồi cũng phải bỏ ra về" - vừa nâng niu chiếc cồng, anh Tư vừa tâm sự.

Ông Hồ Tấn Vũ, Chủ tịch UBND xã Trà Lãnh, cho biết: "Nếu như đông đảo người dân ở đây ai cũng có ý thức bảo tồn, giữ gìn cồng chiêng và những nét văn hóa của dân tộc Cor như anh Tư thì tốt biết bao. Bây giờ, có căng mắt ra cũng khó tìm lại được những bộ cồng chiêng quý hiếm như 4 bộ mà anh Tư đang giữ. Dù cuộc sống gia đình còn khó khăn, nhưng anh Tư vẫn luôn đề cao tinh thần văn hóa của dân tộc mình lên hàng đầu. Năm nào cũng vậy, cứ hễ đến dịp lễ, Tết truyền thống của người Cor là anh Tư lại đem cồng chiêng ra trình diễn và hướng dẫn cho bà con, nhất là lớp trẻ hiểu nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình".

Khi mặt trời đã mấp mé bên kia đỉnh núi, cũng là lúc tôi tạm biệt anh Tư và gia đình ra về. Để tiễn khách, anh Tư vội lấy một chiếc chiêng rồi đánh lên một hồi, giữa bốn bề rừng núi, tiếng chiêng vang xa rồi dội lại đến mê hồn.

Trần Lâm

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nguoi-suu-tam-va-luu-giu-nhung-co-vat-cua-dong-bao-cor/