Người sửa máy ảnh cho các nhà báo

Các nhà báo xứ Bắc sử dụng những dòng máy ảnh khủng, không mấy người không biết Ngô Tuấn Việt, thợ sửa máy ảnh. Gần như có một quy tắc bất thành văn, ngay cả khi giao những bộ máy tiền tỷ cho Việt, cũng không ai yêu cầu anh viết phiếu biên nhận hoặc mở ra kiểm tra trước mắt mình.

Ảnh: Lê Anh Dũng

Ảnh: Lê Anh Dũng

Thói quen giao dịch dựa vào uy tín cá nhân thế nhưng lại vẫn tồn tại ngay trong giới của những người vốn nhiều đa nghi.

Khác biệt của thợ thường và thợ xịn

Cửa hàng sửa máy ảnh của Việt chỉ rộng khoảng ba mét vuông, là cái góc ngõ cơi nới ở đầu phố cà phê Hàng Hành. Trên cái bàn đơn giản, nơi anh hành nghề, thế nhưng lại bày đủ các thương hiệu máy ảnh lớn nhỏ, trong đó không thiếu máy Leica.

Sở dĩ tôi phải nói riêng về máy Leica bởi đây là câu chuyện cửa miệng phổ biến trong giới phóng viên ảnh. Họ kể đi kể lại rằng, trong cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha, phóng viên kỳ cựu Robert Capa nhờ đeo Leica ở cổ mà được “kéo tuột qua biên giới” trong khi những phóng viên khác “trình bày còn khuya”. Câu chuyện có phần thậm xưng ấy chỉ muốn nhấn mạnh một điều rằng, trong thị trường máy ảnh, thì Leica chính là Haut couture của thời trang, là Nobel của văn học. Chất lượng của nó luôn nằm ở phân khúc đầu, còn giá thì đắt và siêu đắt.

Tôi hỏi, sửa máy Leica có khó không, anh Việt bảo: dễ lắm, vì nó cấu tạo rất thông minh, máy bền. Chỉ sửa máy cỏ (dòng máy ảnh tự động rẻ tiền) mới khó vì mất công.

Việt không phải người hoạt ngôn. Anh có đầy đủ phẩm chất của một người làm kỹ thuật điển hình: ít nói, tỉ mỉ và kiên nhẫn. Sinh năm 1976, đến nay anh có thâm niên gần 30 năm sửa máy ảnh, trung bình mỗi ngày “phẫu thuật” từ sáu đến tám “con bệnh”. Liên tục từ 8h sáng đến 6h tối (chỉ nghỉ 10 ngày Tết) anh ngồi “chết dí” ở góc ngõ trong phố cà phê làm bạn với máy ảnh hỏng.

Rất nhiều khách hàng trung thành của Việt nói rằng, họ sở dĩ không bỏ được anh vì “đã sửa tốt lại còn không lo bị luộc đồ”.

Nói về cái bí quyết “sửa tốt” này anh thợ xuất thân là lính gác Lăng thành thật: “Chịu nghĩ một tí là làm được thôi. Ví dụ, máy ảnh hỏng cáp, thì chỉ cần thay cáp máy lại chạy bình thường. Nhưng mà sẽ nhanh hỏng. Phải tìm ra lý do vì sao cáp hỏng, khắc phục lý do ấy rồi xử lý thì máy bền”.

Trong đà câu chuyện về máy ảnh, anh Việt nói thêm: “Thực ra các nhà sản xuất họ thừa giỏi để làm ra một cái máy ảnh 10 năm không hỏng, nhưng tại sao cứ trung bình chụp khoảng 150 ngàn shots (kiểu) thì phải có vấn đề. Nó chỉ là những cái bẫy nhỏ, nếu để ý thì tìm ra ngay. Nếu nhãng đi khả năng cao là phải thay máy”.

Đồng nghiệp của tôi nghe những giải thích này bình luận: “Đấy gọi là ba trăm sáu mươi nghề, nghề nào cũng có trạng nguyên”!

Từng phải đền 2 cái máy ảnh

Nói lại một chút về kinh nghiệm nghề nghiệp của anh Việt để bạn đọc dễ hình dung.

“Lúc ấy (những năm 90) tôi mới ở Hưng Yên lên phố, lơ ngơ không biết gì. Làm bộ đội gác Lăng bốn năm, rồi xin ra. Mượn ông anh được một cái máy Nikkon đi chụp ảnh kiếm tiền. Tôi nhớ, có đợt kỷ niệm 2-9, trong một buổi tối tôi chụp 17 cuộn phim, có ngày kiếm đến một triệu rưỡi, tiền đút phồng cả cái áo da. Ba tháng sau đã tự mua được máy mới”.

Sự giàu lên bất ngờ ấy không làm Việt thỏa mãn. Anh giải thích: “bao nhiêu người học đại học ra còn thất nghiệp, mình thân cô thế cô, nghề ngỗng không có. Thế là đăng ký đi học nghề Điện tử viễn thông ở Bách Khoa. Ban ngày tôi ở quanh lăng Bác chụp ảnh kiếm tiền, bốn giờ chiều đạp xe lên Bách Khoa học, sáu giờ tối lại về sân vận động Quần Ngựa làm bảo vệ”.

Học ở Bách Khoa được một năm, một người anh quen biết hỏi Việt có muốn đi học sửa máy ảnh không, anh gật đầu.

“Nhờ thời gian học Điện tử viễn thông, tôi học nghề cũng nhanh hơn. Nhiều người nhìn vào các thiết bị điện tử thường choáng váng, thực ra nó rất đơn giản. Chỉ có 7 con linh kiện cấu thành một modul. Ba năm sau học nghề tôi đã được trả lương. Mức lương hồi đó là 15 triệu một tháng. Nếu anh Hồng (người dạy nghề) không chuyển hướng kinh doanh thì có khi tôi cũng không ra ngoài làm”.

Năm 2011, anh Việt mở cửa hàng riêng. Nhân duyên tích lũy tốt đến nỗi, ngay khi đang treo biển đã có khách tìm đến. Vì là ngày khai trương, anh đi uống bia với bạn. Khi về “bổ” một con Nikkon chuyên nghiệp bị hỏng. Việt phải mua cái máy mới giá tám triệu lấy phụ kiện để bù vào. Đến giờ anh vẫn nhớ, thù lao sửa cái máy ấy là 800.000đ.

Một lần khác, khách nước ngoài đem một cái máy Canon đến sửa màn hình. Trong lúc lơ đãng anh tắt nhầm màn hình phụ, thế là không biết đường nào mà mò menu để xử lý. Lại phải đi mua cái máy khác về thay. Cái máy này sau khi khắc phục màn hình thì được bán trở lại, “chỉ mất công thôi”!

Sau hai lần đó, anh Việt có một nguyên tắc: không uống bia trong giờ làm việc! Giải quyết những ca khó vào buổi sáng, ca dễ vào buổi chiều. Khi căng thẳng, anh đi bộ mấy vòng quanh hồ Gươm. Bạn bè thường đùa gọi là “cụ Việt” bởi sinh hoạt lành mạnh quá mức cần thiết ở cái tuổi bốn mươi mấy.

Thợ không chảnh

Một đồng nghiệp ở báo Nam Định đã bị truyền thông hù dọa đến mức mặc định thợ thủ công ở Hà Nội mà giỏi thì thể nào cũng “khó đăm đăm” và chảnh. Khi được dẫn đến Việt sửa máy ảnh, cứ hỏi đi hỏi lại: trẻ thế này chữa được không, giỏi thật à?

Những người từng chứng kiến nhiều pha tiếp khách của Việt đều công nhận, anh có sự kiên nhẫn vô biên. Nhiều tay chơi mới vào cửa hàng liên tục hướng dẫn Việt phải sửa thế này thế kia, anh vẫn kệ, việc mình mình làm. Không nói xẵng, không cáu kỉnh, có lúc bạn bảo “mày lành như cục đất”.

“Cục đất” đúng như tên gọi, rất ít “choáng váng”, kể cả khi đối mặt với những con máy “dị cực kỳ”, “chưa gặp bao giờ”. Biết khả năng của anh, nhiều tay chơi đến nhờ độ máy. “Tôi độ vài lần cho biết chứ không ham, vì độ mất thời gian lắm. Khách sửa tiếp còn không xuể, lơ là đi độ là bị mắng ngay”.

Khi thị trường máy ảnh mở rộng, các hãng lớn thi nhau mở đại lý bảo hành độc quyền, cửa hàng của Việt cũng không bớt khách. Có cậu phóng viên trẻ kể trên một diễn đàn chơi ảnh: “Máy hỏng, mình đem ra hãng bảo hành, ba tháng sau lại hỏng, còn bị đổi hết đồ. Sau được giới thiệu anh Việt, nhìn cửa hàng bé tí cũng không tin lắm, nhưng hỏi giá thấy rẻ hơn hãng, với lại cũng tin ông anh giới thiệu nên liều mình để máy lại. Giờ thì thành khách trung thành rồi! Chỉ lo ông này về hưu thì chữa ở đâu”.

Máy kỹ thuật số ra nhiều, các mẫu mới xuất hiện liên tục, nhiều bạn lo Việt không cập nhật, anh lại bảo: càng ngày kỹ thuật càng gọn hơn, dễ hơn xưa. Hồi đầu sửa máy analog là khó nhất, vì phải chế đồ, lại toàn chế thủ công, mất thời gian. Giờ có chế cũng là máy làm. Hoặc là có sẵn linh kiện thay thế, đơn giản hơn nhiều!

TranhNguyễn Văn Hổ

Ngô Tuấn Việt có một nguyên tắc: không uống bia trong giờ làm việc! Giải quyết những ca khó vào buổi sáng, ca dễ vào buổi chiều. Khi căng thẳng, anh đi bộ mấy vòng quanh hồ Gươm. Bạn bè thường đùa gọi là “cụ Việt” bởi sinh hoạt lành mạnh quá mức cần thiết ở cái tuổi bốn mươi mấy.

Tư cách đạo đức phải đưa lên hàng đầu

Thầy của Việt là anh Nguyễn Phương Hồng, biệt danh Hosuma (Hồng sửa máy) là một truyền kỳ về thợ sửa máy ảnh ở Hà Nội.

Anh Hồng tự học sửa máy ảnh từ năm 14 tuổi. Đến tuổi vào Đại học thay vì đi theo con đường bố mẹ vạch ra anh xin ở nhà tự học sửa máy ảnh trong điều kiện thầy thợ không có, sách vở cũng không...

Tất nhiên, Hosuma không thu thập “đệ tử” một cách tùy tiện. Yêu cầu đầu tiên đối với người học nghề của “sư phụ” Hồng là học viên đó phải có tư cách đạo đức tốt. Hỏi tại sao tư cách đạo đức lại phải đưa lên hàng đầu, anh cho biết: “vì cái nghề này nó dễ làm cho người ta nổi máu tham lắm. Khách là người cùng nghề còn biết chứ khách nghiệp dư sao mà rành máy của mình hỏng hóc cái gì, cần phải sửa chữa những gì... Chỉ cần người thợ không có tâm để cho lòng tham lấn át thì rồi uy tín mình xây dựng bao nhiêu năm cũng tiêu tan cả”.

Tuấn Việt chính là đệ tử cuối cùng anh Hồng nhận dạy dỗ cầm tay chỉ việc. Đến nay thầy chuyển nghề nhưng quan hệ hai người vẫn rất tốt. Lâu lâu anh Hồng chạy qua chỗ Việt trà đá nói chuyện chơi. Người này nói về người kia giống nhau đến nhàm chán: “hiền lắm, đơn giản lắm!”.

Hạnh Đỗ

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/nguoi-sua-may-anh-cho-cac-nha-bao-1469293.tpo