Người Sri Lanka mong đợi 'tia sáng cuối đường hầm'?

Cuối tháng Ba, hàng ngàn người Sri Lanka xuống đường ở thủ đô Colombo và các thành phố lớn phản đối chính phủ, yêu cầu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa từ chức. Ngày 6/5, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ hai trong vòng năm tuần.

Một người lính canh gác tại một trạm xăng ở thủ đô Colombo, tháng 4/2022. (Nguồn: CNN)

Một người lính canh gác tại một trạm xăng ở thủ đô Colombo, tháng 4/2022. (Nguồn: CNN)

Sri Lanka đã vay số nợ khổng lồ trong nhiều năm, chủ yếu để xây dựng cơ sở hạ tầng. Khoản nợ này hiện lên đến 51 tỷ USD trong khi GDP của nước này năm 2021 chỉ 81 tỷ USD. Năm 2019, Ngân hàng Phát triển châu Á nhận định kinh tế Sri Lanka đang lâm vào cuộc khủng hoảng “thâm hụt kép” khi “chi tiêu của quốc gia vượt quá thu nhập và việc sản xuất không tương xứng các hàng hóa, dịch vụ có thể bán được”.

Đại dịch Covid-19 được xem là yếu tố kích hoạt “quả bom nổ chậm” này khi Sri Lanka bị mất thu nhập từ du lịch quốc tế và sụt giảm kiều hối. Lạm phát tại Sri Lanka tăng vọt lên mức 17,5% (tháng Ba) và 18,3% (tháng Tư). Trong tháng Ba, giá gạo, mặt hàng vốn được sản xuất đủ lương thực tiêu dùng nội địa, tăng lên 500 Rupee (1,53 USD) 1kg so với 80 Rupee trước đó.

Trong khi đó, từ năm 2020, Sri Lanka cũng bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm do những quan ngại về tình hình tài chính của chính phủ và khả năng trả các khoản nợ nước ngoài. Thiếu ngoại tệ, Sri Lanka buộc phải hạn chế nhập khẩu và áp dụng cơ chế phân phối đối với các mặt hàng thiết yếu. Những người biểu tình chỉ trích sự điều hành kinh tế của chính phủ là căn nguyên cho những khó khăn hiện nay.

Tình hình ở Sri Lanka thu hút sự quan tâm của quốc tế. Vừa qua, Ấn Độ và Trung Quốc đề nghị hỗ trợ Sri Lanka vượt qua khó khăn thông qua các gói cho vay thời gian dài với lãi suất thấp. Nằm trên Ấn Độ Dương, ở mũi của tiểu lục địa Ấn Độ, trên tuyến vận tải đông - tây nhộn nhịp nối Đông Á, Trung Đông và châu Phi, Sri Lanka được cho là tâm điểm cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn.

Thủ tướng Mahinda buộc phải tuyên bố từ chức hôm 9/5. Bản thân Tổng thống Gotabaya Rajapaksa cũng cam kết sẽ trao lại phần lớn quyền hành và thành lập nội các mới. Ở góc nhìn khác, liệu việc bổ nhiệm chính trị gia kỳ cựu Ranil Wickremesinghe làm Thủ tướng để thúc đẩy đàm phán với IMF và các chủ nợ có phải là tia sáng cuối đường hầm mà người Sri Lanka đang mong đợi?

Biểu tình tại Srilanka vẫn tiếp tục. Quốc hội Srilanka nêu yêu cầu bỏ phiếu bất tín nhiệm Tổng thống, nhưng giới phân tích cho rằng như thế là vi hiến vì Tổng thống được dân bầu trực tiếp. Thủ tướng mới yêu cầu quyền hành lớn hơn khi đề nghị khôi phục sửa đổi hiến pháp lần thứ 22. Tuy nhiên, hiện đảng của Thủ tướng chỉ có một ghế trong liên minh. Trong bối cảnh chưa có một chính phủ ổn định, các nhà quan sát quốc tế không lạc quan về khả năng có thể sớm kết thúc bất ổn ở Sri Lanka.

(*) Bài viết phản ánh quan điểm của tác giả.

Đoàn Vũ - Xuân Thông (*)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nguoi-sri-lanka-mong-doi-tia-sang-cuoi-duong-ham-184371.html