Người sống sót trên máy bay rơi ở Pakistan: 'Tôi thấy lửa khắp nơi'

Vụ tai nạn hàng không khiến ngày 22/5 ít nhất 97 người thiệt mạng ở Pakistan. Những trao đổi cuối cùng của phi công cho thấy máy bay đã mất động cơ.

Lúc chiếc Airbus A230 bắt đầu rung lắc dữ dội chiều 22/5, Mohammad Zubair, người kỹ sư cơ khí 24 tuổi là hành khách trên chuyến bay định mệnh số hiệu PK8308, nghĩ đó chỉ là nhiễu loạn không khí. Phi công cảnh báo trên loa nội bộ rằng việc hạ cánh sẽ khá rắc rối.

Chỉ ít phút sau, chuyến bay của Pakistan International Airlines đâm thẳng vào một khu dân cư đông đúc gần sân bay quốc tế Karachi. Ít nhất 97 người thiệt mạng, với gần như toàn bộ nạn nhân là hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay.

Zubair là một trong hai hành khách may mắn sống sót trong bi kịch này. Người còn lại là Zafar Masood, Chủ tịch ngân hàng Punjab, theo AP.

 Nhân viên cứu hộ và quân đội Pakistan tìm kiếm các nạn nhânở hiện trường vụ rơi máy bay ngày 22/5. Ảnh: Sky News.

Nhân viên cứu hộ và quân đội Pakistan tìm kiếm các nạn nhânở hiện trường vụ rơi máy bay ngày 22/5. Ảnh: Sky News.

"Lửa cháy khắp nơi"

Theo lời kể của Zubair, chuyến bay PK8308 cất cánh vào khoảng 13h ngày 22/5 từ sân bay thành phố Lahore. Chuyến bay diễn ra êm ả và hoàn toàn bình thường cho đến khi máy bay bắt đầu hạ độ cao gần 2 tiếng sau.

"Đột nhiên, máy bay giật lắc dữ dội, sau đó nó tái diễn thêm lần nữa", anh cho biết.

Máy bay phải quay đầu. Giọng phi công vang lên từ loa nội bộ, thông báo họ đang gặp vấn đề về động cơ và việc hạ cánh có thể gặp rắc rối. Đó là điều cuối cùng Zubair nhớ được trước khi anh tỉnh dậy trong cảnh tượng hỗn loạn.

"Sau va chạm, tôi tỉnh dậy nhận ra lửa cháy khắp mọi nơi và không thể thấy ai khác. Có tiếng khóc của trẻ em, người lớn và cả người già", Zubair kể lại.

"Tiếng khóc vang lên khắp nơi. Mọi người tìm cách sống sót. Tôi tháo được dây an toàn, nhìn thấy chút ánh sáng và cố bước về hướng đó, sau đó nhảy ra ngoài", người thanh niên 24 tuổi mò mẫm trong khói bụi và gạch đá, cuối cùng cũng được kéo khỏi đống đổ nát và đưa lên xe cứu thương.

Dù có một vài vết bỏng, tình hình của Zubair đã ổn định, theo tiết lộ của một quan chức y tế Pakistan.

Người phát ngôn Cơ quan Hàng không Dân sự, Abdul Sattar Kokhar, nói chiếc Airbus A230 gặp nạn có tổng cộng 91 hành khách và phi hành đoàn 8 thành viên. Meeran Yousaf, người phát ngôn cơ quan y tế địa phương, thông báo mới có 19 thi thể trong vụ tai nạn ngày 22/5 được xác định danh tính. Nhiều hành khách trên chuyến bay đi theo gia đình trở về nhà cho dịp lễ đánh dấu cuối tháng Ramadan thiêng liêng của người Hồi giáo, theo Bộ trưởng Khoa học Fawad Ahmed Chaudhry.

Phần lớn các nạn nhân bị bỏng nghiêm trọng. Có 3 người trên hiện trường bị thương. Đến ngày 23/5, đội cứu hộ vẫn đang tìm kiếm nạn nhân bị vùi lấp dưới đống đổ nát. Time dẫn lại truyền thông địa phương cho biết những người sống sót ngồi tại các hàng ghế đầu của máy bay.

Chiếc Airbus A320 gặp nạn thuộc hãng hàng không Pakistan International Airlines đã có hơn 47.100 giờ bay. Ảnh: AP.

Hé lộ manh mối đầu tiên

Abdul Rahman, một người dân địa phương, nói anh nhìn thấy chiếc A320 bay vòng quanh ít nhất 3 lần trước khi tìm cách hạ cánh rồi lao thẳng xuống đất. Một trong những trao đổi cuối cùng giữa phi công chuyến bay PK8308 với đài kiểm soát không lưu cho thấy chiếc Airbus A320 đã không thể hạ cánh thành công trong lần đầu tiên và đang phải bay lòng vòng tìm cơ hội đáp thứ hai.

"Chúng tôi đang thực hiện chỉ dẫn. Chúng tôi đã mất động cơ", người phi công cho biết.

Sau khi nhân viên kiểm soát không lưu thông báo đã mở một đường băng hạ cánh cho chiếc Airbus A230, người phi công gửi đi tín hiệu "Mayday" báo nguy khẩn cấp: "Cấp cứu, cấp cứu, cấp cứu, cấp cứu Pakistan 8303".

Các trao đổi được đăng tải công khai trên trang LiveATC.net. Trong một số đoạn trao đổi giữa phi công với đài kiểm soát không lưu, người nghe có thể phát hiện âm thanh chuông báo động vang lên trong buồng lái, theo Time.

Airbus đã cam kết hỗ trợ kỹ thuật cho các điều tra viên tại Pháp và Pakistan, cũng như hãng hàng không và nhà sản xuất động cơ CFM56-5B4 cho chiếc A320. Theo ông Arshad Malik, chủ tịch Pakistan International Airlines (PIA), máy bay trong tình trạng vận hành tốt trước khi gặp nạn. Ông cũng xác nhận công ty sẽ tiến hành điều tra độc lập về vụ việc.

Các tài liệu công khai cho thấy lần cuối máy bay được kiểm tra bởi cơ quan chính phủ là vào ngày 1/11/2019. Một giấy chứng nhận khác do kỹ sư trưởng của PIA ký tên ngày 28/4 khẳng định công tác bảo dưỡng được tiến hành đầy đủ. Giấy chứng nhận cho biết máy bay đủ khả năng vận hành và đáp ứng mọi tiêu chuẩn an toàn.

Theo AP, chiếc Airbus A320 thuộc sở hữu của công ty China Eastern Airlines từ năm 2004 - 2014. Máy bay sau đó được công ty dịch vụ hàng không GE Capital cho PIA thuê lại. Nó đã trải qua tổng cộng 47.100 giờ bay với 25.860 chuyến tính đến ngày 22/5.

Thảm kịch PK8303 xảy ra chưa đầy một tuần sau khi Pakistan nối lại các chuyến bay quốc nội trước thềm lễ Eid-al Fitr. Quốc gia Nam Á đã ra lệnh phong tỏa trên cả nước từ gữa tháng 3 để ứng phó đại dịch virus corona.

Tỉnh Sindh, với thủ phủ là thành phố Karachi, trong thời gian qua là tâm điểm bùng phát dịch của Pakistan với hơn 20.000 ca nhiễm.

Máy bay chở gần 100 người rơi ở Pakistan Chiếc máy bay dân dụng Airbus A320 của hãng Pakistan International Airlines (PIA) rơi tại khu dân cư Model Colony gần sân bay quốc tế Jinnah, thành phố Karachi, hôm 22/5.

Thanh Danh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-song-sot-tren-may-bay-roi-o-pakistan-toi-thay-lua-khap-noi-post1087816.html