Người siêu lây nhiễm phát nổ 'quả bom' COVID-19 thế nào?

Người đàn ông mắc COVID-19 vẫn tới dự đám ma, lễ sinh nhật dẫn đến lây lan nCoV cho hàng chục người khác và kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

Ca siêu lây nhiễm nCoV

Khi người Mỹ vẫn chủ quan trong việc chống dịch COVID-19 hồi cuối tháng 2, một cư dân Chicago có triệu chứng nhiễm bệnh đã tới dự đám tang người bạn. Ba ngày sau, anh ta tiếp tục đi ăn sinh nhật với người thân của mình.

Người đàn ông đó không hề hay biết mình đã mắc COVID-19 và lây truyền virus cho 15 người trong đó 3 sau đó đã thiệt mạng vì dịch bệnh.

Một người đeo khẩu trang bước đi trên một con phố ở Chicago. (Ảnh: Reuters)

Một người đeo khẩu trang bước đi trên một con phố ở Chicago. (Ảnh: Reuters)

Mọi chuyện bắt đầu khi người đàn ông trên dùng bữa vào đêm trước đám tang. Anh ta ăn cùng đĩa thức ăn với 2 người khác. Trong bữa tối kéo dài khoảng 3 giờ và đám tang kéo dài 2 giờ, người đàn ông ôm hôn 4 người.

Ba người sau đó phát hiện các triệu chứng mắc Covid-19. Một người phải nhập viện và qua đời gần 1 tháng sau, 2 người còn lại được điều trị ngoại trú và may mắn hồi phục.

Trong thời điểm bệnh nhân xấu số được chuyển vào phòng chăm sóc đặc biệt, 1 thành viên trong gia đình tới thăm họ. Người này không mặc đồ bảo hộ sau đó cũng xuất hiện các triệu chứng ho, sốt, nhưng hiện sức khỏe đã bình thường.

Ba ngày sau đám tang, "người siêu lây nhiễm" trên tới tham dự bữa tiệc sinh nhật với 9 thành viên khác trong gia đình và tiếp xúc gần với tất cả họ trong suốt 3 giờ.

Trong vòng 1 tuần, 7 người trong số này có các triệu chứng nhiễm bệnh. 2 người phải nhập viện và sau đó không qua khỏi.

Hai người khác liên quan tới việc chăm sóc các bệnh nhân trên cũng xuất hiện các triệu chứng nCoV.

Một số người mang các triệu chứng nhiễm dịch đã tới các nhà thờ ở địa phương và lây truyền virus cho 1 chuyên gia chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Người này ngồi gần và trò chuyện với họ trong khoảng 90 phút.

Cảnh vắng vẻ khi lệnh hạn chế ra đường được ban bố do dịch COVID-19 tại Chicago, bang Illinois ngày 21/3/2020. (Ảnh: TTXVN)

'Giãn cách xã hội' rất quan trọng

Trong báo cáo đưa ra hôm 8/4, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) nhấn mạnh, ca siêu lây nhiễm ở Chicago là ví dụ điển hành cho thấy việc tuân thủ khuyến nghị giãn cách xã hội là rất quan trọng.

Báo cáo cũng chỉ rõ, thành phố Chicago (bang Illinois) đã không áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại trong nhiều tuần cho tới ngày 21/3. Điều tương tự cũng xảy ra tại nhiều khu vực khác của nước Mỹ.

"Các cuộc gặp mặt gia đình kéo dài (bữa tiệc sinh nhật, đám tang và đi lễ ở nhà thờ), tất cả những điều đó xảy ra trước khi chính sách giãn cách xã hội được thực hiện", CDC cho hay.

Câu chuyên về bệnh nhân "siêu lây nhiễm" ở Chicago cho thấy mức độ lây lan nhanh của virus SARS-CoV-9 và tầm quan trọng của việc tuân thủ quy định giãn cách xã hội.

Video: Số người chết ở Mỹ vì COVID-19 lên tới hơn 16.000

Các chuyên gia trước đây cho rằng người mang mầm bệnh sẽ truyền virus cho người khác thông qua các giọt hô hấp, hắt hơi hoặc chạm cùng vào một bề mặt. Nhưng các nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng, một người nhiễm bệnh "chỉ cần thở và nói chuyện" cũng đã đủ để truyền bệnh.

Ngoài vấn đề này, CDC nhấn mạnh tỷ lệ nhiễm bệnh không triệu chứng hiện tại ở mức rất cao, từ 25-50%. Do đó việc che mặt khi ra ngoài đường là cực kỳ cần thiết.

Nguồn VTC: https://vtc.vn/thoi-su-quoc-te/nguoi-sieu-lay-nhiem-phat-no-qua-bom-covid-19-the-nao-ar538933.html