Người sao, ta vậy

VH- Bắt đầu từ ngày 6.7, Mỹ và Trung Quốc đã ở trong cuộc xung khắc thương mại với kịch bản diễn biến tiếp theo không thể loại trừ là bùng phát chiến tranh thương mại song phương. Phía Mỹ khai hỏa trước và Trung Quốc đáp trả ngay lập tức. Cuộc xung khắc đã được báo trước từ lâu và cả hai phía đều đã có mọi sự trù tính lợi ích và biện pháp ứng phó. Hai bên đều tính hết từ trước mọi cái lợi hại, tích cực và tiêu cực của chuyện xung khắc thương mại này.

Trao đổi thương mại chỉ là một trong những lĩnh vực quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Vì trong tổng thể mối quan hệ này, nguyên tắc hành xử mà cả hai bên luôn đề cao là có đi có lại và người sao thì ta vậy, nên việc nó được vận dụng trong lĩnh vực trao đổi thương mại song phương đâu có gì lạ nữa.

Trước mắt, Mỹ áp thuế quan bảo hộ thương mại đối với sản phẩm hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc ở mức độ giá trị là 34 tỉ USD, tiếp theo có thể thêm 16 tỉ nữa thành tổng cộng 50 tỉ USD. Trung Quốc đáp trả tương tự, cũng bắt đầu từ ngày 6.7 như Mỹ, cũng với mức độ giá trị 34 tỉ USD trước và để ngỏ khả năng sẽ thêm 16 tỉ USD nữa sau.

Vì chẳng hạn như năm 2017, Mỹ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giá trị hàng hóa hơn 130 tỉ USD, nên chỉ cần Mỹ tăng mức độ giá trị áp thuế quan bảo hộ mậu dịch đối với Trung Quốc lên cao hơn mức độ giá trị này, thì cách của Trung Quốc ăn miếng trả miếng Mỹ buộc sẽ phải khác, tức là phải đối phó Mỹ bằng biện pháp chính sách trên lĩnh vực khác. Khi ấy, chuyện này không còn là xung khắc thương mại hoặc thậm chí chiến tranh thương mại thuần túy nữa, mà toàn bộ mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ bị đảo lộn với tác động tai hại thật không thể lường hết được đối với cả hai. Đấy cũng chính là lý do khiến cả hai dù quyết chí “người sao, ta vậy” đến mấy cũng không dám vượt qua giới hạn.

LAM SA

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/ng%C6%B0%E1%BB%9Di-sao-ta-v%E1%BA%ADy-10