Người San Francisco lên thuyền sống trôi nổi vì giá nhà quá đắt

Nạn vô gia cư và thiếu hụt nhà giá rẻ ở San Francisco nghiêm trọng đến mức ngày càng nhiều người sống trôi nổi trên các con thuyền xung quanh thành phố này.

Số người vô gia cư trôi nổi ngoài khơi hạt Marin giàu có phía bắc San Francisco đã tăng gấp đôi, lên 100 người, trong các năm qua, theo nhà chức trách. Cảnh tượng 200 thuyền đủ loại, đa số hỏng hóc, được tận dụng làm nơi ở là dấu hiệu của cuộc khủng hoảng nhà ở giá rẻ, diễn ra trên toàn bang California nhưng ảnh hưởng nhiều nhất đến thành phố San Francisco. Trong số họ, có những người có công ăn việc làm nhưng không đủ tiền thuê nhà, có những người đơn giản là thích sự độc lập, và có những người thất nghiệp hay bị bệnh tâm thần. Ảnh: Wall Street Journal.

Số người vô gia cư trôi nổi ngoài khơi hạt Marin giàu có phía bắc San Francisco đã tăng gấp đôi, lên 100 người, trong các năm qua, theo nhà chức trách. Cảnh tượng 200 thuyền đủ loại, đa số hỏng hóc, được tận dụng làm nơi ở là dấu hiệu của cuộc khủng hoảng nhà ở giá rẻ, diễn ra trên toàn bang California nhưng ảnh hưởng nhiều nhất đến thành phố San Francisco. Trong số họ, có những người có công ăn việc làm nhưng không đủ tiền thuê nhà, có những người đơn giản là thích sự độc lập, và có những người thất nghiệp hay bị bệnh tâm thần. Ảnh: Wall Street Journal.

Cuộc sống trôi nổi không hề dễ dàng. "Không đơn giản đâu. Phải nỗ lực rất nhiều để ở đây", Kristina Weber (trong ảnh) nói với Wall Street Journal. Bà chuyển lên chiếc thuyền dài 18m mua hết 15.000 USD vì không thể thuê căn hộ studio (giá lên đến 3.000 USD/tháng) ở thị trấn Sausalito cách San Francisco 15 km về hướng bắc. Cư dân trên bờ phàn nàn những người như bà Weber khiến khu vực trở nên dơ bẩn và nhiều tội phạm hơn. Ảnh: Wall Street Journal.

Giá trung bình nhà cho một gia đình ở khu vực Vịnh San Francisco đã tăng gấp ba, từ 327.000 USD lên 940.000 USD kể từ 2009 giữa lúc việc làm ngành công nghệ đổ dồn về khu vực bờ Tây nước Mỹ. Trong ảnh là Aaron Rathblott, một nghệ sĩ. Ông nói trên mặt nước, “chúng ta có thể rửa sạch nhận thức và gột rửa trái tim”. Ảnh: Wall Street Journal.

Những người vô gia cư trôi nổi này thực chất đang phạm luật, vốn chỉ cho phép neo đậu nhiều nhất ba ngày. Đây là vấn đề ngày càng phổ biến ở những khu ven biển đắt đỏ như Fort Lauderdale, bang Florida hay Honolulu, Hawaii. Trong ảnh là Halsey Dunman, một người sống trên thuyền. Ảnh: Wall Street Journal.

Người vô gia cư đến vùng vịnh này, nằm giữa hai thị trấn Sausalito và Belvedere, ngày càng nhiều vì chính quyền các nơi khác thắt chặt kiểm soát việc neo đậu, theo Beth Pollard, giám đốc một cơ quan quản lý khu vực vịnh. Thay vì đuổi người vô gia cư đi nơi khác, cơ quan của bà cố gắng làm sao để tàu thuyền neo đậu an toàn hơn. Trong ảnh là Randy Bonney, một người vô gia cư trôi nổi. Ảnh: Wall Street Journal.

Cảnh sát trưởng thị trấn Sausalito nói nhiều người đổ về đây sống trôi nổi thiếu kinh nghiệm tàu thuyền một cách nguy hiểm. “Có những người rất tốt, nhưng họ đang trong giai đoạn khó khăn”, ông nói. Trong ảnh là Brian Doris và Mary Hawrus, hai ngư dân đã sống trôi nổi khoảng bốn năm. Ảnh: Wall Street Journal.

Người dân địa phương phàn nàn rằng tàu thuyền thỉnh thoảng bị tuột khỏi neo do bão, gây nguy hiểm cho người dân hoặc đâm vào các nhà ven bờ. Nhiều tàu thuyền không được neo an toàn, mà chỉ buộc vào các thuyền nhỏ hơn của cư dân địa phương. Ảnh: Wall Street Journal.

Ông Jim Robertson cho biết những chiếc thuyền bị tuột khỏi neo như vậy đã đâm vào nhà ông 16 lần trong hai thập kỷ ông sinh sống ở đây. Một lần ông phải chi 20.000 USD để sửa bến tàu nhà mình. Trong ảnh là một con thuyền bị tuột khỏi neo, do ông Robertson chụp lại. Ảnh: Jim Robertson/Wall Street Journal.

Hàng xóm của ông Robertson, Connie Strycker (ảnh), nói người vô gia cư thường lên bến tàu nhà bà để xin ăn. “Họ dơ bẩn vì không có nơi nào tắm”, bà lão 86 tuổi nói với Wall Street Journal. Ảnh: Wall Street Journal.

Vì vậy, thị trấn Sausalito vào năm 2017 đã đơn phương trấn áp cộng đồng trôi nổi này, trái với chính sách của cơ quan quản lý vịnh do bà Pollard làm giám đốc. Sausalito đã giảm số tàu thuyền trong vùng vịnh của họ từ 77 xuống 20. Trong ảnh, gia đình nhà Layton đang chuyển lên bờ sau thời gian sống trên thuyền. Ảnh: Wall Street Journal.

Greg Baker là người sống lâu nhất ở đây. Nhận thấy nhiều người sống trôi nổi trong vịnh không biết cách sống trên thuyền, ông lập một hiệp hội để truyền bá cách thức dùng tàu thuyền an toàn. Ảnh: Wall Street Journal.

Ông Baker cho biết sẽ không bao giờ rời đi. “Tôi chỉ đi trong hai trường hợp, một là trong túi đựng xác, hai là bị còng tay”, ông lão 80 tuổi nói với Wall Street Journal. Ảnh: Wall Street Journal.

Trọng Thuấn
(theo WSJ)

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nguoi-san-francisco-len-thuyen-song-troi-noi-vi-gia-nha-qua-dat-post943284.html