Người Sài Gòn diện áo dài, ngồi xích lô tham quan thành phố

Chiều 27-4, diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang, Chủ nhiệm CLB Nghiên cứu và vinh danh văn hóa Nam bộ, đã đưa các thành viên của CLB tìm về Sài Gòn - Gia Định xưa qua chuyến thăm viếng Điện Ngọc Hoàng (chùa Phước Hải), Lăng Tổng trấn thành Gia Định Lê Văn Duyệt (Lăng Ông Bà Chiểu) và xem chương trình Sài Gòn hoa lệ tại Nhà hát Chợ Lớn (TP.HCM).

Các thành viên của CLB Nghiên cứu và vinh danh văn hóa Nam bộ ngồi xích lô di chuyển qua các cung đường ở TP.HCM. Ảnh: DU PHẠM

Các thành viên của CLB Nghiên cứu và vinh danh văn hóa Nam bộ ngồi xích lô di chuyển qua các cung đường ở TP.HCM. Ảnh: DU PHẠM

Đây là dịp để các thành viên của CLB Nghiên cứu và vinh danh văn hóa Nam bộ hiểu thêm về lịch sử, văn hóa của Sài Gòn xưa, đồng thời qua đó thêm yêu quý và càng ý thức về việc bảo tồn những nét đẹp văn hóa đó.

Hành trình di chuyển của các thành viên đặc biệt ở chỗ tất cả đều ngồi xích lô - một loại hình giao thông phổ biến tại Sài Gòn từ năm 1939, tài xế xích lô đội nón lá, người tham dự mặc áo dài truyền thống trang nhã, thanh lịch.

Diễn giả Hồ Nhựt Quang đã kể chi tiết về giá trị tâm linh của người Nam bộ xưa trong quá trình khai khẩn như cầu mưa thuận gió hòa, quốc thới dân an, cầu an khi sinh con, cầu siêu khi đã mất, cầu thế giới hòa bình, cuộc sống hạnh phúc… Tất cả yếu tố tâm linh như vậy đều hội tụ một khuôn viên thu nhỏ của chùa Ngọc Hoàng như: hình tượng đức Phật, Chư thiên, Thành Hoàng, Thập điện Diêm Vương, cung Mẹ sinh Mẹ độ… Và đây cũng là điểm chọn tham quan của cựu Tổng thống Mỹ Obama vào ngày 24-5-2016.

Đoàn đã dâng hương Đức Tổng trấn thành Gia Định Tả Quân Lê Văn Duyệt, vị đại công thần triều Nguyễn đã có công giúp chúa Nguyễn Ánh bình định biên giới phía Tây Việt Nam vào cuối thế kỷ XIX, giúp dân chúng có cuộc sống an sinh, phát triển kinh tế, văn hóa và phong tục đậm đà bản sắc phương Nam.

Diễn giả Hồ Nhựt Quang nói về kiến trúc xây lăng mộ và tấm lòng của nhân dân đối với công đức Tổng trấn thành Gia Định Lê Văn Duyệt. Ảnh: DU PHẠM

Nhắc đến Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt, diễn giả Hồ Nhựt Quang không quên kể về cuộc đời ông cũng như những câu chuyện văn hóa do ông khởi xướng như hát bội, về đào kinh Vĩnh Tế, về thanh gươm diệt bạo trừ gian. Sau khi ông qua đời, người dân còn nhắc đến ông qua nhiều giai thoại mang yếu tố linh thiêng, luôn bảo vệ cuộc sống của người dân, bảo vệ hòa bình trong khu vực. Lăng mộ của ông luôn được người dân gìn giữ và hương khói ấm cúng.

Các thành viên của CLB thăm viếng và chụp ảnh tại Lăng Tổng trấn thành Gia Định Lê Văn Duyệt (Lăng Ông Bà Chiểu). Ảnh: VĨNH NGUYÊN

Ngoài những câu chuyện văn hóa nhắc lại trong các tác phẩm của nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển, Sơn Nam, Trương Vĩnh Ký… được diễn giả Hồ Nhựt Quang trích dẫn, đoàn còn được mãn nhãn với phần trình diễn hát bội qua lớp diễn Tạ Ôn Đình chém Khương Linh Tá trong tuồng Sơn Hậu, xem trích đoạn cải lương Thái hậu Dương Vân Nga, đờn ca tài tử tại Nhà hát Chợ Lớn…

Cả đoàn chụp ảnh lưu niệm cùng NSND Bạch Tuyết sau khi xem chương trình Sài Gòn hoa lệ tại Nhà hát Chợ Lớn (TP.HCM). Ảnh: VĨNH NGUYÊN

Ông Nguyễn Hồng Tú, Giám đốc Power English Center, chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi mặc chiếc áo dài, ngồi xích lô du ngoạn một vòng Sài Gòn xưa, TP.HCM ngày nay, tôi vừa xúc động vừa hãnh diện, nhất là được nghe nhiều câu chuyện văn hóa từ diễn giả Hồ Nhựt Quang”.

Thầy Đào Trí Mỹ Đức, giáo viên Trường THPT Ten-lơ-man, nói rằng với tư cách một nhà giáo, ông thấy cần lắm cho các em hiểu hơn về Sài Gòn - Gia Định xưa bằng những chuyến tham quan thực tế như vậy, “nếu là người Sài Gòn mà không hiểu về Sài Gòn thì thật là có lỗi với người xưa”.

Nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan, người đã từng đồng hành với cố GS-TS Trần Văn Khê trong những chuyến tham quan, bảo tồn các giá trị văn hóa, nghệ thuật cổ truyền dân tộc, không giấu được xúc động: “Ở nơi nào đó, tôi biết thầy chúng tôi rất vui khi còn đó những người học trò luôn tiếp nối hoài bão của người”.

T.GIANG

Nguồn PLO: http://plo.vn/van-hoa/nguoi-sai-gon-dien-ao-dai-ngoi-xich-lo-tham-quan-thanh-pho-767729.html