Người Sài Gòn cứ ra đường là sợ cướp

Người dân ra đường là lo ngại vì sợ cướp giật, có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Chiều muộn một ngày cuối tháng 3/2021, chị P. đang ngồi quán ăn bên vỉa hè đường Trường Sa, quận 3. Dòng người đông đúc qua lại, quán ăn cũng nhiều bàn đầy khách và chị P. ngồi sử dụng điện thoại. Từ phía sau, một gã trai ăn mặc lịch sự đi bộ đến bất ngờ chụp điện thoại của chị P. rồi bỏ chạy.

Chị nhoài người đuổi theo, truy hô và có nhiều người xung quanh chạy đến, nhưng kẻ cướp vọt lên xe đồng bọn rồ ga tẩu thoát. Camera an ninh trước cửa quán ăn ghi lại diễn biến vụ cướp giật táo tợn giữa ban ngày và công an vào cuộc điều tra, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Cô gái ngồi quán ăn lề đường khá đông người xung quanh nhưng bị giật điện thoại trong tích tắc

Cô gái ngồi quán ăn lề đường khá đông người xung quanh nhưng bị giật điện thoại trong tích tắc

Với nhiều người, cướp giật ở Sài Gòn trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng. Chị T. - một người Hà Nội trước khi vào Sài Gòn công tác nhiều ngày, đã tỏ vẻ lo lắng cực độ khi nghe kể, xem thông tin báo chí, mạng xã hội rất nhiều về cướp giật trên đường phố Sài Gòn. Vào đến nơi, chị T. tỏ ra cảnh giác cao độ trong từng bước đi.

Thế nhưng, khi đứng trước một địa điểm mua sắm ở trung tâm Sài Gòn, chị T. “điếng” người khi vừa móc điện thoại ra nghe thì một thanh niên đi bộ ngang qua giật lấy rồi chạy lên xe đồng bọn tẩu thoát. Chị T. hoảng sợ, đứng khóc giữa chốn đông người và xung quanh không ai kịp phản ứng, truy đuổi khi vụ cướp chỉ diễn ra trong vài giây.

Kẻ cướp giật kéo lê nạn nhân trên đường phố

Bà Kiều Thanh (52 tuổi) hộ kinh doanh trên đường Cách mạng tháng 8, Quận 3 chứng kiến nhiều vụ cướp giật trên đường phố nói: “Các vụ cướp giật ngày càng manh động. Có những vụ chúng đi bộ cướp tài sản người đi đường rồi thản nhiên đi bộ vào hẻm. Nạn nhân hô hoán, cùng người đi đường truy bắt thì bị đồng bọn của chúng cản địa, tấn công trở lại…”

Còn nhớ một vụ cách đây 3 năm, nhóm “hiệp sĩ đường phố” quận Tân Bình bị băng cướp tấn công cuồng sát gây phẫn nộ trong dư luận. Hai người tử vong và 3 người bị thương nặng. Trong 24 giờ, Công an TP.HCM nhanh chóng phá án, bắt hai nghi can gây án.

Nhận diện tội phạm cướp giật

Hơn chục năm gần đây, cướp giật nói riêng và tội phạm xâm phạm sở hữu tài sản trên đường phố và nơi công cộng ở địa bàn TP.HCM gây nhức nhối, bất an trong dân chúng. Người dân ra đường là lo ngại vì sợ cướp giật, có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Trong đợt tổng kết cuối năm của lực lượng Công an TP.HCM, Thiếu tướng Đinh Thanh Nhàn - Phó Giám đốc, phụ trách công tác điều tra cho biết, các loại hình tội phạm cướp, cướp giật và trộm cắp tài sản chiếm tỷ lệ cao (lên đến 76,7%) trong cơ cấu phạm pháp hình sự xảy ra trên địa bàn TP.

Khống chế cướp giật trên đường phố Sài Gòn

Ông Nhàn đánh giá: "Loại tội phạm này rất manh động, nguy hiểm, thường gây hậu quả nghiêm trọng. Đã có những vụ cướp giật quay lại chống trả, khiến người đi đường thiệt mạng, còn số vụ thương tích khi truy bắt tội phạm đường phố thì rất nhiều".

Còn trong một nghiên cứu công bố mới đây của ông Nguyễn Văn Khoa Điềm (trường ĐH Cảnh sát Nhân dân TP.HCM) dựa trên nghiên cứu 225 hồ sơ vụ án cướp giật tài sản với 288 đối tượng cho thấy, cướp giật là nam giới chiếm đến 276 đối tượng, tức 95,8%; độ tuổi gây án từ 18 đến dưới 30 chiếm đến 77,95%. Đáng nói là nghiên cứu này chỉ ra, tội phạm cướp giật có tính chất lưu động, từ địa bàn này sang địa bàn khác gây án trong phạm vi TP, chiếm tỷ lệ đến 66,32%.

Băng cướp giật tuổi teen từ 15 - 17 tuổi vừa bị phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.HCM bắt giữ

Nghiên cứu của ông Điềm còn chỉ ra nhiều đặc điểm nhận diện tội phạm cướp giật như: đối tượng không nghề nghiệp hoặc có nghề nghiệp không ổn định chiếm đến 85,24%; đối tượng phạm tội cướp giật lần đầu chiếm tỷ lệ 57,64%. Con số này đã cho thấy các đối tượng phạm tội cướp giật phần lớn không nằm trong hồ sơ quản lý của công an địa phương, đây cũng là vấn đề khó khăn trong công tác phòng ngừa.

Trong những năm qua, Công an TP.HCM nỗ lực trấn áp tội phạm đường phố và có sự chuyển biến tích cực qua từng giai đoạn, dù lãnh đạo Công an TP nhìn nhận, loại hình tội phạm đường phố còn nhiều nguy hiểm, diễn biến phức tạp. Một minh chứng cho nỗ lực của Công an TP là trong năm qua, phạm pháp hình sự được kiềm chế, kéo giảm.

Theo thống kê, trong năm ghi nhận xảy ra 4.409 vụ, giảm 13 vụ so với giai đoạn cùng kỳ. Nhưng quan trọng trong 4 loại án được kéo giảm thì có 3 loại án thuộc loại hình tội phạm xâm phạm sở hữu tài sản trên đường phố và nơi công cộng, gồm: cướp tài sản giảm 14 vụ, cướp giật tài sản giảm 25 vụ, trộm cắp tài sản giảm 105 vụ.

Đại tá Nguyễn Sỹ Quang - Phó Giám đốc Công an TP.HCM trong một lần thông tin với báo chí về những giải pháp nhằm đấu tranh với nạn cướp giật, tội phạm đường phố trên địa bàn

Giảm 3% và quyết tâm mới

Định kỳ, Công an TP.HCM tổ chức những đợt ra quân trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự, mà trọng tâm nhắm vào tội phạm xâm phạm sở hữu tài sản trên đường phố. Những lần ra quân gần đây, Thiếu tướng Lê Hồng Nam - Giám đốc Công an TP có những chỉ đạo cụ thể, đặc biệt giao chỉ tiêu cho công an các quận, huyện phải đạt mục tiêu kéo giảm án xâm phạm sở hữu tài sản, ít nhất là 3%, so với giai đoạn liền kề.

Việc lãnh đạo Công an TP công khai chỉ tiêu trấn áp tội phạm (một dạng thông tin nội bộ) trên phương tiện truyền thông được coi là đặt các đơn vị công an cơ sở trước áp lực lớn, làm sao địa bàn của mình hạn chế thấp nhất vụ cướp, cướp giật xảy ra.

Camera an ninh được triển khai rộng khắp sẽ là "mắt thần" giúp phòng, chống tội phạm hiệu quả ở TP.HCM

Thiếu tướng Phan Anh Minh - nguyên Phó Giám đốc Công an TP.HCM cho rằng, giải pháp phòng, chống tội phạm đường phố quyết liệt nhất chính là việc đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện tập trung. Theo ông, đây là cách hiệu quả nhất kéo giảm tội phạm hình sự nói chung và cướp, cướp giật tài sản nói riêng. Ông Minh dẫn chứng là các vụ phạm pháp hình sự, các vụ cướp, cướp giật… đa số là do hệ lụy của nghiện ma túy gây ra.

Còn theo Thượng tá Nguyễn Duy Dũng - Phó trưởng Phòng PC02, Công an TP.HCM, để kéo giảm tội phạm cướp giật đường phố tiến đến xóa sổ vấn nạn này, Công an TP đã đưa ra nhiều giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, trong đó việc đẩy mạnh áp dụng công nghệ, nhất là hệ thống camera an ninh phủ khắp đường phố để truy bắt đối tượng trộm, cướp qua hình ảnh là rất quan trọng.

Công an TP.HCM thường xuyên tổ chức những đợt ra quân trấn áp tội phạm

Thực tế có nhiều vụ cướp giật, sau khi hình ảnh đưa lên mạng xã hội và cơ quan công an nhận được hình ảnh, thông tin đã nhanh chóng điều tra, phá án chỉ trong thời gian ngắn.

Đại tá Nguyễn Sỹ Quang - Phó Giám đốc Công an TP cho biết, không chỉ các đợt cao điểm, các dịp lễ, Tết… Công an TP.HCM sẽ tập trung lực lượng xuyên suốt, kéo dài quanh năm, cả ngày đêm để trấn áp tội phạm đường phố, kéo giảm tình hình tội phạm một cách hiệu quả nhất.

Phát huy công năng của 1.500 “mắt thần” giám sát đường phố

Theo Sở TT&TT TP.HCM, hiện nay tại Trung tâm điều hành đô thị thông minh giai đoạn 1 của TP.HCM đã kết nối, tích hợp với khoảng 1.500 camera chất lượng cao trên khắp địa bàn TP.

Đây chính là các “mắt thần” có khả năng phân tích cao dữ liệu cùng lúc về đặc điểm nhận diện khuôn mặt; nhận dạng phương tiện; phát hiện các sự cố về an ninh - trật tự, an toàn giao thông.

Dự kiến đến cuối năm 2021, TP.HCM sẽ triển khai thêm gần 1.000 camera tương tự trên địa bàn.

Phước An

Nguồn VietnamNet: https://premium.vietnamnet.vn/nguoi-sai-gon-cu-ra-duong-la-so-cuop-n-474486.html