Người Rơ Măm ơn Đảng, ơn Bác Hồ

Được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, làng Le của bà con đồng bào dân tộc thiểu số Rơ Măm, ở xã Mô Rai (Sa Thầy, Kon Tum) đổi thay rõ rệt. Niềm vui lớn nhất của người dân vùng biên giới bắc Tây Nguyên là tuyến Quốc lộ 14C từ vùng biên giới Ia Grai (Gia Lai) đến Mô Rai (Kon Tum) được nâng cấp, rải nhựa, không còn cảnh lầy lội như trước, giúp bà con địa phương thuận lợi giao lưu, buôn bán, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Gặp chúng tôi từ đầu làng, già làng Le là ông A Blong tay bắt mặt mừng, giọng oang oang: “Một năm mới nữa đang đến, Tết cổ truyền của dân tộc cũng tới gần, bà con người Rơ Măm của mình có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc như bây chừ… là nhờ có Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư, xây dựng, bà con chăm chỉ làm ăn. Từ ngày có chương trình xây dựng nông thôn mới, bà con mình được hưởng lợi rất nhiều!”.

Trước năm 1975, cộng đồng người Rơ Măm chỉ có 159 người với 26 hộ, sống tự cung, tự cấp, đói khổ, cư trú trên đỉnh các núi cao, thì nay dân số đã tăng lên hơn 450 người, với 150 hộ. Chuyện người Rơ Măm rời khỏi ngọn núi Yang Sít xuống lập làng Le ở xã Mô Rai và phát triển như bây giờ là một câu chuyện dài, thấm đẫm tình người, tình quân dân. Người khởi xướng chính là Trưởng thôn A Giói, một cựu chiến binh trở về từ Sư đoàn 320 (Quân đoàn 3), sau đó là sự giúp đỡ, tiếp sức của cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 78, Binh đoàn 15, cùng Bộ đội Biên phòng và Bộ CHQS tỉnh Kon Tum... Không giấu được niềm vui, ông A Giói chia sẻ: “Lòng dân Rơ Măm suốt đời vững tin theo Đảng, biết ơn Đảng, biết ơn Bộ đội Cụ Hồ”.

 Một góc làng Le hôm nay.

Một góc làng Le hôm nay.

Với phương châm bám dân, bám bản làng, vừa mở rộng diện tích vườn cây, đầu tư kinh doanh, nâng cao đời sống cho người lao động, thời gian qua Đoàn KT-QP 78 còn tuyên truyền, hướng dẫn bà con chuyển đổi nhận thức trong lao động, sản xuất. Từ sống du canh du cư, đến nay người Rơ Măm đã biết trồng, chăm sóc, thu hoạch cao su, lúa nước, chăn nuôi. Hiện nay, làng Le đã có một chi bộ với 10 đảng viên. Người Rơ Măm đã khai hoang và trồng được 90ha cây mì, 80ha lúa nước, 120ha cây cao su tiểu điền. Trẻ em đến tuổi đi học đều được đến trường; gần 20 thanh niên tự nguyện vào làm công nhân ở Đoàn KT-QP 78, hơn 97% số hộ có xe máy, 100% số hộ có ti vi. Cuộc sống du canh, du cư với phương thức “chặt, đốt, chọc, tỉa” không còn. Tất cả gia đình trong làng đều treo ảnh và thờ Bác Hồ; làng Le được công nhận là làng văn hóa cấp tỉnh. “Điện, đường, trường, trạm” đã đầy đủ, là cơ sở để đưa cuộc sống của bà con Rơ Măm ngày một ổn định, phát triển và thực sự trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh ở vùng biên giới bắc Tây Nguyên.

Một mùa xuân mới đang về, sự chuyển đổi nhận thức, sự phát triển vượt bậc của bà con dân tộc Rơ Măm như một câu chuyện cổ tích giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Với người Rơ Măm, đi theo Đảng, Bác Hồ là đi tới thành công, ấm no, hạnh phúc.

Bài và ảnh: LÊ QUANG HỒI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/quoc-phong-toan-dan/nguoi-ro-mam-on-dang-on-bac-ho-605916