Người quyền lực phía sau các bộ phim võ thuật Hong Kong

Biên đạo võ thuật trong các phim điện ảnh Hong Kong nhận được sự tôn trọng cũng như có tiếng nói lớn hơn rất nhiều so với những người đồng nghiệp tại Hollywood.

Theo South China Morning Post (SCMP), biên đạo võ thuật là những người hùng thầm lặng của điện ảnh Hong Kong cổ điển.

Trên phim trường, rất nhiều đạo diễn không có chuyên môn võ thuật đã giao phó việc dàn dựng và thực hiện cảnh giao đấu trên phim của mình cho các biên đạo võ thuật chuyên nghiệp.

Vai trò độc nhất vô nhị

Đôi khi, biên đạo võ thuật sẽ tạm thời thay thế đạo diễn chỉ đạo quay phim các cảnh giao đấu. Có thể nói, vai trò của biên đạo võ thuật đối với điện ảnh Hong Kong là độc nhất vô nhị. Họ nhận được sự kính trọng cũng như có tiếng nói hơn rất nhiều so với những người đồng cấp tại Hollywood.

Danh xưng biên đạo võ thuật được sử dụng từ đầu thập niên 1960, dù công việc dàn dựng các cảnh giao đấu trên phim đã diễn ra từ thập niên 1950, thậm chí sớm hơn. Trong thập niên 1960 và 1970, nhiều biên đạo võ thuật đã khởi nghiệp từ vị trí diễn viên đóng thế và nỗ lực tiến thân.

 Nhà làm phim, biên đạo võ thuật Lưu Gia Lương (1934-2013). Ảnh: SMCP.

Nhà làm phim, biên đạo võ thuật Lưu Gia Lương (1934-2013). Ảnh: SMCP.

Các diễn viên đóng thế chủ yếu xuất thân từ hai lò đào tạo. Một số, như Hồng Kim Bảo, theo học các trường kinh kịch. Tại đây, họ được dạy võ thuật và nhào lộn. Số khác được đào tạo các kỹ năng chiến đấu.

Một vài biên đạo võ thuật, trong đó có Hồng Kim Bảo, Lưu Gia Lương hay Trình Tiểu Đông, đều trở thành những đạo diễn nổi tiếng.

Nguy cơ lặp lại chính mình

Năm 1997, Thành Long từng chia sẻ với Richard James Havis của SCMP về khó khăn của công việc biên đạo võ thuật trên phim: “Các biên đạo võ thuật tham gia vào 10, thậm chí nhiều hơn, dự án điện ảnh mỗi năm. Không khó hiểu khi họ cạn ý tưởng, hoặc tự lặp lại chính mình.

Khi ký hợp đồng với Golden Harvest năm 1980 (trong vai trò diễn viên và đạo diễn), tôi không làm việc theo cách đó. Tôi tham gia ít dự án hơn”.

Trả lời phỏng vấn tại Liên hoan phim Quốc tế Hong Kong 1980, nhà làm phim Han Yingjie cho biết: “Làm phim kiếm hiệp chắc chắn dễ hơn phim hành động võ thuật. Nhờ có đạo cụ và quần áo cổ trang, bạn chỉ phải dàn dựng các động tác để diễn viên trông như đang đánh nhau trên màn ảnh.

Nhưng với một bộ phim võ thuật, cử động tay và chân của diễn viên hết sức quan trọng. Các diễn viên cũng thường ở trần từ hông trở lên để tăng hiệu quả hình ảnh trong mỗi trận đấu".

Nữ diễn viên Từ Phong trong bộ phim Hiệp nữ (1971). Ảnh: Union Film.

Ông nói thêm: "Bạn phải dồn toàn bộ tâm sức để khiến các cảnh giao đấu hiện ra trên màn ảnh một cách chân thực. Thể loại khó làm nhất là phim võ thuật, hài bởi bạn phải đảm bảo các trận đấu diễn ra ác liệt mà vẫn vui mắt”.

“Thập niên 1960, 1970, một bộ phim hành động võ thuật thường mất tới 20 ngày để ghi hình. Trong đó, việc biên đạo các cảnh chiến đấu sẽ tốn khoảng 5 tới 6 tiếng mỗi ngày.

Vì thiếu thốn đạo cụ và thiết bị bảo hộ, việc ghi hình các cảnh phim vô cùng khó khăn. Trong những cảnh có sự tham gia của 20 hay 30 diễn viên quần chúng, sai sót xảy ra khá thường xuyên”, Han Yingjie nói.

Đạo diễn Hồ Kim Thuyên chia sẻ về trải nghiệm làm việc cùng Han Yingjie trên phim trường Hiệp nữ (1971): “Điều quan trọng nhất là đảm bảo an toàn cho diễn viên. Khi họ thực hiện những cảnh hành động đặc biệt nguy hiểm, chúng tôi phải trải sẵn đệm mút hoặc thùng giấy dưới sàn nhà.

Chúng tôi cũng phải dự trù những cảnh cần tới diễn viên đóng thế. Ngày nay, các đạo diễn Hong Kong đã rất thông thạo việc dàn dựng cảnh hành động võ thuật. Nhưng thời trước, chúng tôi phải mày mò sáng tạo ra mọi thứ”.

Định hình phong cách khi làm đạo diễn

Chia sẻ với SCMP về công việc biên đạo võ thuật, nhà làm phim Viên Hòa Bình nói: “Cha đã dẫn tôi vào nghề làm phim. Tôi khởi nghiệp trong vai trò đóng thế. Rồi sau đó trở thành biên đạo võ thuật.

Sự thật, tôi khá nổi tiếng trong vai trò biên đạo. Tôi thấy những biên đạo võ thuật cùng thời mình bắt đầu thử sức với công việc đạo diễn và nghĩ bản thân cũng có thể làm điều tương tự. Nên tôi đã thử sức với công việc đạo diễn”.

“Phim võ thuật của đạo diễn khác chỉ có bạo lực và phô trương sức mạnh. Tôi muốn tác phẩm của mình mang màu sắc khác. Vậy nên tôi làm Túy quyền (1978) theo hướng hành động, hài và tiếp tục phát triển theo hướng này. Đó là cách tôi xây dựng thương hiệu bản thân”, ông chia sẻ.

Nhà làm phim Viên Hòa Bình đang chỉ đạo một cảnh giao đấu trên phim trường. Ảnh: SCMP.

Lưu Gia Lương, đạo diễn của bộ phim Hồng Hy Quan (1976), từng trả lời phỏng vấn về cách dàn dựng cảnh chiến đấu võ thuật trên phim: “Giả sử chúng ta có một tên phản diện dùng Ưng trảo quyền. Bạn không thể để nhân vật sử dụng các chiêu thức khác, bởi Ưng trảo quyền là dấu ấn riêng của hắn. Nếu nhân vật là một kẻ gian xảo, hắn có thể sử dụng Đường lang quyền.

Nếu bạn là một khán giả tinh tường, bạn sẽ nhận ra mô-típ chung này. Đó là cách một bộ phim thu hút khán giả. Cũng vì thế, kungfu trong các bộ phim của tôi luôn luôn rõ ràng, và mỗi món vũ khí đều có những đặc trưng riêng biệt”.

Tại Liên hoan phim Quốc tế Hong Kong 1981, biên kịch kiêm đạo diễn Ngô Tư Viễn chia sẻ: “Trong các bộ phim nói tiếng Quảng Đông, diễn viên hành động võ thuật thật sự đánh nhau trước ống kính. Bạn thường sẽ nghe thấy họ nhắn nhủ nhau ‘Đừng đánh tôi mạnh quá’ trước mỗi cảnh quay.

Chỉ tới khi theo dõi việc ghi hình trên phim trường The Sand Pebbles (1966), chúng tôi mới biết các cảnh đánh nhau trên phim có thể làm giả. Kỹ thuật quay phim sẽ khiến mọi thứ trở nên chân thực”.

Anh Phan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-quyen-luc-phia-sau-cac-bo-phim-vo-thuat-hong-kong-post1153724.html