Người quê trong lòng phố

Hà Nội, TP.HCM hay nhiều đô thị khác ở nước ta không khó để bắt gặp những người quê ở phố. Nơi chót vót nhà cao, nơi ồn ào phát triển, nơi xuôi ngược mưu sinh… đâu đó có bóng dáng người quê.

Ảnh: Đức Nguyễn

Ảnh: Đức Nguyễn

Thế nào là người quê? Đó là một câu hỏi không dễ gì để phổ quát cho hết. Người ta có thể thấy người quê hiện hữu trong dáng vẻ những buôn thúng bán bưng, người bán hàng rong oằn trên vai những gánh hàng hay chất chồng lên những chiếc xe đạp cũ kỹ nhọc nhằn qua từng con phố.

Người ta cũng có thể thấy người quê ở những cô giúp việc mà bây giờ đại trà gọi chung là “Ôsin”. Họ cũng có thể là những công nhân ở các công trình xây dựng đang ầm ào thi công ngay trong lòng Hà Nội.

Người quê, đó cũng có thể là một cư dân như người viết bài này. Bao nhiêu năm ở phố vẫn chưa nhập hộ khẩu Hà Nội.

Theo ký ức của nhiều người Hà Nội, từ những thời xa hơn cả lúc mạng xã hội ra đời, lúc đó đội ngũ người quê gia nhập đội quân buôn thúng bán bưng nhiều vô kể. Cũng với họ, những tiếng rao trở thành một âm thanh không thể thiếu của Thủ đô, tiếng rao thân thuộc đến nỗi, nếu vắng có khi còn thấy nhớ. Dù xã hội có phát triển thế nào thì đội quân hàng rong vẫn song song tồn tại với nhịp sống sôi động của thị thành.

Đã có thời, khi người ta đập đi các chợ truyền thống để xây nên các trung tâm thương mại, nhiều người đã nuối tiếc thở than về những mô hình chợ cũ. Nơi mà các sạp hàng nhiều lúc tràn cả ra đường. Các bà, các mẹ, các chị trên đường về nhà có thể đạp chân chống xe xuống là mua ngay được mớ rau, con cá. Trung tâm thương mại ra đời, ừ văn minh thì văn minh thật, giá cả niêm yết rõ ràng thật, nhưng để mua được bó rau, con cá, quả cà lại phải gửi xe rồi đi lên đi xuống cầu thang máy, nghĩ đến thôi là thấy muôn phần phức tạp.

Vậy nên nhu cầu mua sắm của thị dân đã được đáp ứng bởi các chợ tạm được mọc lên ở li ti từng con ngõ. Ở đâu sức mua có, ở đó có mấy bà, mấy chị từ mấy mạn gần gần thì ngoại thành Hà Nội, xa xa thì bươn bả ở các tỉnh thành khác về mà tụ lại thành một nơi cung ứng hàng hóa cho bữa ăn của các gia đình.

Dĩ nhiên, với những chợ cóc, chợ tạm thì việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là một điều mà người mua khó lòng đòi hỏi. Song dù thế, có rất nhiều bà nội trợ có thể ngồi ăn ở những nhà hàng sang trọng, thường xuyên mua mớ rau, túi quả ở những siêu thị hay trung tâm thương mại, nhưng cũng có lúc chính họ lại là khách quen của những rạp hàng bày trên nhếch nhác vỉa hè gần nhà.

Ở một góc độ nào đó, chính những người quê như các bà, các chị bán rau, bán cá bán thịt… đã đáp ứng được nhu cầu mua sắm của không ít gia đình. Chưa kể, có những sản vật địa phương người ta không thể tìm thấy ở những nơi sang trọng.

Trong cuộc mưu sinh chật vật mùa dịch bệnh, người quê ở phố cũng là những người bị chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Những tiếng rao chen vào trong hỗn tạp âm thanh thành phố càng trở nên lạc lõng và đắng chát hơn.

Sức mua giảm dần, thu nhập cũng vì thế mà giảm đi, trên những thứ hàng từ quê chở vào thành phố đó có thể là đồng tiền để nuôi gia đình hay đóng học phí cho con, thậm chí là chữa bệnh cho mình hoặc người thân.

Cuộc sống đầy những lo toan và chật vật, nhưng thỉnh thoảng vẫn bắt gặp những thanh âm trầm ấm trong ồn ã ngày thường. Đó là một cụ già cầm trên tay những món hàng nhỏ nhẹ. Cuối giờ chiều, cụ chầm chậm bước vào một chiếc bàn trống thong dong gọi: Bà chủ, cho một cốc bia không mồi. Bia đến, cụ trầm mặc ngồi nhâm nhi, bâng quơ nhìn đời. Ai đó đến mời cụ một cốc, cụ vui vẻ nhận lời. Người khác mời cốc thứ 2, cụ vui vẻ từ chối. Có người cho cụ tiền, cụ bảo mua tôi bán chứ tôi có xin đâu.

Ngày 19-8, Hà Nội bắt đầu quy định giãn cách ở các quán bia, chắc cụ chẳng màng đến nhâm nhi nữa, mà giờ này chắc cuộc mưu sinh của cụ cũng đang chật vật đi nhiều. Mà thời dịch bệnh, bớt đi một bữa nhậu, bớt đi một lần tụ tập cũng là bớt đi những nguy cơ rình rập.

Theo ký ức của nhiều người Hà Nội, từ những thời xa hơn cả lúc mạng xã hội ra đời, lúc đó đội ngũ người quê gia nhập đội quân buôn thúng bán bưng nhiều vô kể. Cũng với họ, những tiếng rao trở thành một âm thanh không thể thiếu của Thủ đô, tiếng rao thân thuộc đến nỗi, nếu vắng có khi còn thấy nhớ. Dù xã hội có phát triển thế nào thì đội quân hàng rong vẫn song song tồn tại với nhịp sống sôi động của thị thành.

Nhà báo Hồ Viết Thịnh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nguoi-que-trong-long-pho-post441888.antd