Người phụ nữ tự đâm mình trước cán bộ chức năng TP HCM: Nhà đầu tư nước sạch tự sát phản đối chủ trương bất nhất

Thiếu nước sạch, năm 1998, UBND huyện Cần Giờ (TP HCM) chủ trương xã hội hóa, kêu gọi xây dựng Trạm cấp nước. Thế nhưng năm 2016, huyện lại cho phép Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH – MTV (Sawaco) đầu tư cấp nước khiến các Trạm cấp nước cũ rơi vào tình cảnh phá sản.

Chị Trí tự đâm mình phản đối chủ trương bất nhất, sai quy định của Cần Giờ.

Chị Trí tự đâm mình phản đối chủ trương bất nhất, sai quy định của Cần Giờ.

Dốc gia tài đầu tư theo kêu gọi của huyện

Trong căn nhà lụp xụp lọt thỏm thấp hơn mặt đường cả mét, vách lá dừa nước, mái tôn cũ kỹ, vật dụng trong nhà chỉ cái bàn gỗ, trang thờ, chiếc tivi “chuồng gà”, chị Phạm Thị Trí (SN 1978, ngụ xã Tam Thôn Hiệp, đại diện Trạm cấp nước hộ bà Lâm Thị Kha) rớt nước mắt nhớ lại câu chuyện.

Chị Trí kể: “Năm 1998, huyện Cần Giờ chưa có nước sạch nên xảy ra dịch tả. UBND huyện kêu gọi người dân đầu tư. Nhà tôi bán khoảng 2ha đất và cầm cố tài sản ngân hàng vay tiền đóng sà lan vận chuyển nước, đầu tư đường ống, tổng số tiền đầu tư gần 1,5 tỷ. Vàng lúc đó có 2 triệu/lượng. Gia đình cấp nước cho gần 1.000 hộ dân ấp An Lộc, An Phước và một phần ấp Trần Hưng Đạo”.

“Gia đình mua sà lan tự vận chuyển nước từ cầu Tân Thuận. Kéo đường ống đến từng hộ dân. Trạm cấp nước rất cố gắng có nước cho dân, nếu sà lan về không kịp do thủy triều, tôi kêu xe bồn tới tận nhà cấp nước”.

Giá bán theo giá nhà nước là 5.565 đồng/m3. Trạm cấp nước nếu tự vận chuyển thì được lãnh thêm từ công ty công ích hơn 1.800 đồng/m3.

Cứ ngỡ chuyện kinh doanh theo lời kêu gọi của chính quyền địa phương sẽ không có gì trở ngại. Nhưng thời gian sau lại có một “ông lớn” được mời gọi đầu tư chồng lên khu vực các Trạm cấp nước cung cấp nước.

“Huyện có mời các Trạm cấp nước họp và nói rằng để tránh tình trạng Nhà nước phải trả tiền bù lỗ cho phương tiện nhiều, giờ nước Sawaco về, kêu các Trạm đấu nối đường ống vào. Tức là các hệ thống của Trạm đến từng hộ dân vẫn giữ nguyên, không cần nhận nước từ cầu Tân Thuận vận chuyển bằng sà lan, mà được Sawaco cấp nước đến tận nơi”, chị Trí kể.

“Nếu có chủ trương như thế thì tốt quá, Nhà nước vừa đỡ tốn tiền bù lỗ, Trạm có nguồn nước mạnh, đều và dân thì không phải lo nước chưa về kịp. Trạm chuẩn bị nâng cấp đường ống để chờ ngày đấu nối với Sawaco. Nhưng ai ngờ…”, chị Trí nói.

Khi thực hiện giai đoạn 1, Sawaco không đấu thẳng trực tiếp vào Trạm cấp nước mà đi nhiều đường ống nhánh quan trọng. Các trạm thắc mắc với huyện thì được giải thích “đi đường ống để có áp lực nước tốt”.

“Ngày 30/9/2016, khi đấu nối được mấy tháng, ông Trương Tiến Triển, Phó Chủ tịch UBND huyện lại mời họp, nói: “Xưa khó khăn, Nhà nước kêu gọi người dân bỏ vốn, công sức ra đầu tư. Bây giờ trạm nào tiếp tục thì đầu tư đường ống theo chuẩn, huyện sẽ tạo mọi điều kiện cho các trạm làm để tiếp tục phục vụ dân”.

Nhà đầu tư tự đâm mình trước cơ quan chức năng

Ngày 17/7/2017, chị Trí làm đơn, huyện chấp thuận. Chị Trí sau đó làm hồ sơ dự án gửi UBND huyện. Nhưng đến nay hồ sơ vẫn không được duyệt mà tiếp tục cho Sawaco đi đường ống nước.

Theo chị Trí, việc không duyệt hồ sơ là do huyện yêu cầu các trạm phải tránh đường ống của Sawaco. Tuy nhiên, chị Trí nói yêu cầu đó là điều vô lý. Đường ống của các trạm tồn tại trước, UBND huyện cấp cho Sawaco chồng lên. Bây giờ trạm xin nâng cấp thì bảo tránh chỗ khác.

Nguy cơ nhà đầu tư phá sản vì làm trạm cấp nước theo lời kêu gọi của huyện.

Giai đoạn 2, Sawaco phủ toàn bộ đường ống đến từng hộ dân (chồng lấn lên của các Trạm cấp nước). Trạm thắc mắc thì UBND huyện bảo vẫn cứ cho trạm đầu tư, đường ống của Sawaco là dự phòng, trạm gửi các hồ sơ giấy tờ xuống đầy đủ thì huyện sẽ cấp phép. Nhưng khi các trạm nộp hồ sơ thì bị “ngâm” vì yêu cầu tránh đường ống của Sawaco.

Chị Trí kể: “Sawaco thi công, mình cản không được. Mỗi lần Sawaco xuống đào đường ống đều có đầy đủ lực lượng, thậm chí huy động lực lượng ở xã khác đến hỗ trợ. Mẹ tôi bị nhốt ở UBND xã, mẹ chồng thì bị còng tay lại. Trạm đề nghị trả lời thì mấy ổng nói là chủ trương của TP. Nhưng theo tôi biết chủ trương TP là nước sạch về nông thôn chứ đâu phải chủ trương giao thẳng cho Sawaco”.

Nỗi uất ức này đã dẫn đến việc chị Trí tự đâm hai nhát dao chí mạng vào người. “Tại vì ra cản hoài mà không được. Ngày 4/5/2018, đó là lần thứ mấy cũng không nhớ nổi, tôi hàng chục lần cản, có đơn kiến nghị nhưng không ai nghe”.

“Lần đó, có tôi và mẹ chồng và mẹ đẻ ra cản. Bên đó có phụ nữ, công an viên, dân quân, nguyên một dàn cán bộ ủy ban, có đủ hết. Nói theo tình, theo lý thì anh phòng quản lý đô thị nói “chỗ người ta làm mà ra đây cản trở như vậy là bắt nhốt”. Hai bên xô đẩy lôi kéo mẹ tôi. Tôi bức xúc quá nên tự đâm. Lúc tôi đâm, có hai anh công an đứng hai bên với anh bên phòng quản lý đô thị. Còn người ta đứng coi đông lắm”.

“Tôi vừa đâm, vừa la “họ áp bức nhà đầu tư, không giải quyết thấu tình đạt lý. Lúc khó khăn thì kêu gọi người dân cùng kham cộng khổ. Giờ nước sạch về đây thì…”. Vết thương rất sâu nhưng may chưa tới dạ dày. Ở bệnh viện mấy ngày thì tôi xin về”.

Trái quy định sao huyện vẫn chỉ đạo thực hiện?

Việc chủ trương cho phép hai đường ống cung cấp nước của hai đơn vị trên cùng một địa bàn là trái quy định pháp luật. Nghị định 117/2007/NĐ-CP về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch nêu rất rõ: “Mỗi vùng phục vụ cấp nước chỉ do một đơn vị cấp nước sạch thực hiện dịch vụ cấp nước”.

Dù trái luật, nhưng UBND huyện Cần Giờ vẫn tiếp tục ra nhiều văn bản giao các phòng ban thực hiện. Như tại Văn bản số 2454/UBND ngày 11/6/2019 gửi Phòng Quản lý đô thị, Xí nghiệp Cấp nước Cần Giờ, công ích, UBND các xã về việc “thống nhất chủ trương triển khai công tác cung cấp nước sạch song song giữa Sawaco và các Trạm cấp nước”.

Chị Trí gửi đơn nhiều nơi nhưng tất cả đều chuyển đơn về UBND huyện. Mà theo chị, UBND huyện giải quyết không đúng quy định.

PV đến UBND huyện Cần Giờ để tìm hiểu thêm thông tin. Tuy nhiên, một Phó Chánh văn phòng nói lãnh đạo đi vắng, đề nghị để lại nội dung sẽ liên lạc trả lời. Tuy nhiên, đến nay hơn hai tuần, PLVN vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía UBND huyện Cần Giờ.

Rất nhiều Trạm cấp nước bức xúc

Ngoài chị Trí, các Trạm cấp nước khác cũng bức xúc, phản ánh UBND huyện Cần Giờ chưa công bằng, lúc khó khăn kêu gọi đầu tư, nay “có trăng quên đèn”.

Trạm của hộ bà Phạm Thị Sang (SN 1971, ngụ xã An Thới Đông) đầu tư gần 300 triệu, cung cấp nước sạch từ năm 2000 đến nay cho 360 hộ dân thuộc ấp An Bình.

Trạm của hộ bà Huỳnh Thị Hồng Hạnh (SN 1964, ngụ xã An Thới Đông) cung cấp nước cho 330 hộ dân thuộc ấp An Hòa và một phần ấp An Bình, với số tiền đầu tư 150 triệu vào năm 1998.

Trạm của bà Nguyễn Thị Hồng (SN 1978, xã An Hòa) cung cấp cho 360 hộ dân. Cả ba trạm đều có mong muốn đầu tư đường ống nhưng không được cấp phép vì bị yêu cầu tránh đường ống của Sawaco.

“Huyện đòi hỏi như thế là sai. Đường ống của chúng tôi có trước, nay chỉ nâng cấp lên đúng vị trí đó. Còn Sawaco đến sau, sao họ được ưu ái đè lên chúng tôi và giờ lại bắt chúng tôi né đi”, bà Sang nói.

Theo các hộ dân, nếu không cho họ tiếp tục cấp nước thì phải có chính sách hỗ trợ hoặc mua lại khu vực họ đang cấp nước. Ngoài ra, họ cho rằng huyện đưa một “ông lớn” vào cạnh tranh với họ là không lành mạnh, không công bằng, vi phạm Nghị định 117/2007/NĐ-CP.

Bùi Yên

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/ban-doc/nguoi-phu-nu-tu-dam-minh-truoc-can-bo-chuc-nang-tp-hcm-nha-dau-tu-nuoc-sach-tu-sat-phan-doi-chu-truong-bat-nhat-475631.html