Người phụ nữ trăn trở suốt 10 năm dạy nghề miễn phí

Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ giành phần ai? Vậy mà, chị Dương Thị Sáu, xóm 2, Yên Thắng, Yên Mô, Ninh Bình lại tự chọn cho mình cái công việc chẳng mấy dễ dàng.

Chị Sáu hiện đang làm công việc thiết kế thời trang. Từ năm 2006, người phụ nữ ấy đã quyết định, bàn với chồng mở lớp dạy nghề may miễn phí và tạo việc làm cho người khuyết tật. Nhưng cũng như đánh giá khách quan của nhiều người, chồng chị Sáu lo ngại rằng đây là công việc khá khó khăn. Dạy nghề cho người bình thường đã khó, dạy nghề cho những người khuyết tật còn khó hơn. Thêm nữa, điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn, chồng lại công tác xa nhà, nên quyết định tạo việc làm cho những người khuyết tật đồng nghĩa với việc, chị Sáu ôm thêm vất vả vào bản thân.

Chị Dương Thị Sáu, Ninh Bình đang tận tụy dạy việc làm cho những người khuyết tật (Ảnh: Internet)

Quả thực, hành trình ấy không đơn giản như chị nghĩ. Thời điểm ấy, con chị còn quá nhỏ, lại hay ốm đau, bản thân chị cũng mắc chứng đau đầu thường xuyên. Nhưng với nỗi trăn trở quá lớn, chị đã cùng chồng gắng thực hiện quyết định với mong muốn ban đầu chỉ là giúp được người nào tốt người đó.

Người câm điếc, người khuyết tật vận động đều có thể đến với cơ sở may của chị Sáu. Từ năm 2006, chị có khoảng 5 -6 người khuyết tật vào làm việc tại xưởng may, và khoảng 40 người khuyết tật khác nhân hàng về nhà làm.

"Dạy nghề cho người khuyết tật nếu nóng tính sẽ không dạy nổi. Chỉ một động tác đơn giản, với người bình thường tôi chỉ cần ngồi một chỗ nói đơn giản, nhưng người khuyết tật tôi nói trước họ lại quên sau khiến tôi gắt lên. Nhiều em thấy tôi gắt còn lẩm bẩm chửi lại", chị Sáu tâm sự.

Người phụ nữ có tấm lòng nhân hậu ấy cho hay, nhiều đêm chị không ngủ được, và những lúc ấy lại tìm ra được cách để dạy các em cho phù hợp. Ví dụ như dạy các em chia cắt một cái áo, đặt phép chia các em lại không biết làm, máy tính lại không thể sử dụng. Vậy nên, đêm nằm suy nghĩ, chị Sáu cho rằng chỉ có một cách là dùng thước dây để dạy chia, giúp cho những người bị câm hoặc điếc rất là dễ hiểu.

Với chị Sáu, dạy được việc làm cho một người khuyết tật là niềm vui như được nhân lên gấp đôi (Ảnh: Internet)

Trong thâm tâm những con người khuyết tật được chị tạo việc làm này đều có chung một cảm nhận về ân nhân chính là sự hiền dịu, nhân hậu và chịu đựng tốt. Một trong số họ còn thương cảm khi nhìn thấy chị Sáu bị các bạn dỗi đến đau đầu phải sử dụng đến thuốc. Vậy là đã hơn 12 năm chị Sáu nhận và dạy nghề cho người khuyết tật. Hiện nay, cơ sở may của chị có trực tiếp hơn 20 người sản xuất tại xưởng và có hơn 40 người khuyết tật khác nhận hàng về nhà làm. Trong đó, có nhiều học sinh khuyết tật của chị Sáu đã có thể mở được cửa hàng riêng.

Với chị Sáu, dạy được người khuyết tật may được một sản phẩm là niềm vui như được nhân lên, bởi chị thấy mình đã góp được một phần nhỏ giúp người khuyết tật có việc làm ổn định, giảm bớt được gánh nặng cho gia đình của họ.

Nguồn Thế Giới Trẻ: http://thegioitre.vn/tin-tuc/xa-hoi/nguoi-phu-nu-tran-tro-suot-10-nam-day-nghe-mien-phi-54699.html