Người phụ nữ tật nguyền giàu nghị lực nuôi hai con vào đại học

Có những người mẹ bất hạnh, khi sinh ra đã mang hình hài khiếm khuyết nhưng cả đời vẫn bươn chải nuôi con cái học hành đàng hoàng, để tương lai trở thành người có ích cho xã hội. Câu chuyện của người phụ nữ tật nguyền Nguyễn Thị Phúc ở thôn Nhân Hòa, xã Tả Thanh Oai (Thanh Trì, Hà Nội) là một điển hình.

Tuổi thơ bất hạnh

Hà Nội chuyển dần sang thu, thời tiết đỏng đảnh lúc nắng lúc mưa đôi lúc khiến nhiều người khó chịu. Giữa những thay đổi bất thường của thời gian, một người phụ nữ vóc dáng bé nhỏ, khuyết tật vẫn cần mẫn ngồi bán hàng nước cạnh trường học.

Quán nước nhỏ nằm nép mình một góc, vì vào độ giữa trưa nên chỉ có một vài người khách ghé chân. Bên cạnh tôi, vị khách cùng làng đã đến từ lâu cất giọng đang kể về đứa con có thành tích học tập tốt với nỗi niềm đầy sự tự hào. Vừa nghe chuyện, bà chủ quán sáng bừng đôi mắt góp lời, bởi bà cũng có niềm hy vọng về cậu con trai là cả.

Đưa đôi tay nhỏ, gạt đi những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, bà Phúc bắt đầu kể về câu chuyện của mình. Khác những đứa trẻ bình thường, từ lúc sinh ra bà Phúc đã gặp bất hạnh, chân tay teo nhỏ, đi lại khó khăn.

Nhìn đứa con gái bé bỏng không được lành lặn của mình, gia đình bà vô cùng khổ tâm mang bà đi khắp các bệnh viện lớn nhỏ để chữa trị. Bao nhiêu năm là bấy nhiêu cuộc hành trình không có kết quả, cuộc sống của bà tưởng rằng cứ thế trôi qua trong 4 bức tường nhà chật chội thế nhưng với nghị lực của bản thân, không khuất phục trước số phận, người phụ nữ ấy vẫn luôn nung nấu quyết tâm sẽ sống cuộc sống như những người bình thường.

Nói về ngày ấy, đôi mắt bà rưng rưng: “Mặc dù tật nguyền nhưng tôi vẫn tâm niệm phải cố gắng vươn lên. Người khác làm được tôi cũng làm được, việc gì khó thì cố gắng gấp đôi gấp ba sức của mình, tôi không muốn mình là người thừa cần phải chăm sóc”.

Giữa những năm tháng cô đơn ấy, năm 37 tuổi, bà Phúc tìm được "bến đỗ" nhờ cơ duyên dẫn dắt của người quen. Người đàn ông có duyên phận với bà Phúc cũng là một người cũng đang trải qua giai đoạn khó khăn.

Ông đã từng qua một chuyến đò lỡ dở, sức khỏe có phần suy kiệt do ảnh hưởng của căn bệnh dạ dày biến chứng. Thế nhưng, khi 2 người nảy sinh tình cảm, bà Phúc lại vấp phải sự phản đối kịch liệt của mẹ.

Với thân thể không trọn vẹn, mẹ bà sợ con gái mình gặp người không tốt, phần nữa vì không cùng làng, phần vì sức khỏe cả hai bên đều yếu… tất cả khiến mối quan hệ của 2 người không được chấp nhận.

“Tôi đã phải thuyết phục rất nhiều bố mẹ mới cho cưới, gia đình tôi nói phải gọi bố mẹ ông nhà sang nói chuyện, nếu gia đình tử tế mới cho tiến đến” – bà Phúc cười nói. Cuộc hôn nhân tưởng chừng không có hồi kết, thế nhưng một năm sau, đứa con trai khỏe mạnh xinh xắn ra đời là trái ngọt của hai người khao khát tình cảm gia đình.

Quán nước nhỏ nuôi con thành người

Bà Phúc và cậu con trai cả bên quán nước nhỏ (Ảnh: Lê Thắm)

Bà Phúc và cậu con trai cả bên quán nước nhỏ (Ảnh: Lê Thắm)

Ngày đón đứa con đầu lòng trên tay, cả bên nội, ngoại đều mừng cho 2 vợ chồng bà. Sau đó mấy năm, đứa con trai thứ 2 tiếp tục được sinh ra, chúng đều xinh xắn và lành lặn. Những đứa con khỏe mạnh là động lực, niềm vui của người phụ nữ sinh con ở tuổi tứ tuần.

Hai đứa trẻ khôn lớn theo thời gian, gánh nặng cơm áo gạo tiền đặt lên đôi vai bà Phúc cũng lớn bấy nhiêu. Nỗi lo chồng chất nỗi khi mà tất cả mọi khoản thu chi trong gia đình đều trông chờ vào quán nước nhỏ đem lại thu nhập gần 100.000 đồng/ ngày.

Từ ngày hai đứa trẻ được sinh ra, thời gian nghỉ ngơi của bà Phúc ít dần đi, mỗi buổi sáng, bà đều tất bật dậy sớm chuẩn bị hàng quán, việc gì có thể kiếm ra tiền trong sức của mình bà đều nỗ lực làm hết. “Thỉnh thoảng chồng tôi cũng đi nhặt sắt vụn bán để thêm thu nhập, sức khỏe của ông ấy yếu, nên chỉ làm được đến vậy thôi” – bà Phúc tâm sự.

Trong những câu chuyện về cuộc sống, bà Phúc chưa từng than trách số phận, bà luôn tâm niệm rằng mình mình phải nỗ lực để cho con cái có thể học hành đến nơi đến chốn.

Không giấu được niềm tự hào, bà Phúc kể: “Năm học nào mấy đứa con tôi cũng may mắn nhận được tình cảm yêu mến của bạn bè và thầy cô. Không những động viên cháu mà còn giúp đỡ hết sức nhiệt tình. Cô giáo chủ nhiệm còn nói nếu không có tiền học thì có thể đóng chậm hơn so với các bạn cũng được. Mặc dù vậy, cứ đến hạn nộp học phí là tôi đưa tiền cho cháu đóng để cháu không phải xấu hổ với bạn bè”.

Nhờ những nỗ lực của mẹ, anh Thành, cậu con trai cả của bà Phúc đã trở thành sinh viên của Đại học Thủy Lợi. Ngày thi đại học, bà cũng đồng hành cùng con trên từng cung đường. “Chưa có gia đình nào mà con chở mẹ đi thi như nhà mình đâu” – bà Phúc chia sẻ.

Câu chuyện “con chở mẹ” đi thi đã để lại kỉ niệm không thể quên đối với 2 mẹ con bà Phúc. Với những gia đình khác, các ông bố, bà mẹ sẽ làm “nhiệm vụ” đưa đón con đến trường thi, còn bà Phúc với đôi chân teo tóp thì việc đó với bà là không thể.

Cậu con trai đã chở mẹ đến địa điểm thi từ sáng sớm sau đó lại chở mẹ về nhà trong suốt 3 ngày. Ngày cầm giấy báo nhập học, cả gia đình ngập tràn hạnh phúc, Từ đó đến nay, hàng ngày Thành vẫn đi về vài chục cây số, vừa học vừa phụ mẹ việc nhà và hàng quán.

Giống như anh của mình, cậu con trai thứ 2 tên Công cũng không làm bố mẹ thất vọng. 11 năm học với thành tích tốt năm nào em đạt học sinh khá giỏi là thành quả cố gắng bao nhiêu năm nuôi con thành người của bố mẹ

Đến giờ, cuộc sống của gia đình bà Phúc vẫn hạnh phúc, tràn đầy lạc quan mặc dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn. Quán nước vẫn đều đặn đón khách ở góc nhỏ trước cổng của một trường tiểu học, người phụ nữ nhỏ bé hàng ngày vẫn chắt chiu từng đồng nuôi để nuôi dạy các con trở thành những người công dân có ích cho xã hội trong tương lai.

Lê Thắm

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nguoi-phu-nu-tat-nguyen-giau-nghi-luc-nuoi-hai-con-vao-dai-hoc-80514.html