Người phụ nữ say mê bảo tồn văn hóa dân tộc

Do ảnh hưởng từ nhiều mặt của đời sống, những nét văn hóa truyền thống, nhất là văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số đang dần bị lãng quên. Thế nhưng, ở thôn Khe Sú 1, xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí, vẫn có một người phụ nữ say mê với văn hóa Dao Thanh Y. Nhiều năm nay, bà vẫn miệt mài 'đi từng ngõ, gõ từng nhà' tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo tồn các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Bà Triệu Thị Thịnh (bên phải), thôn Khe Sú 1, xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí, hướng dẫn du khách mặc quần áo dân tộc tại chợ cảnh Uông Bí.

Chợ cảnh Uông Bí ngày cuối tuần bao giờ cũng đông vui, tấp nập, nhưng thu hút, rôm rả nhất ở khu chợ này có lẽ vẫn là Khu “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc” của những người phụ nữ Dao. Giữa những không gian trưng bày, buôn bán, giao thương các sản phẩm hàng hóa hiện đại, không khó để nhận thấy khu bảo tồn nổi bật với những gam màu đặc sắc, riêng có. Vừa hướng dẫn du khách đến tham quan mặc trang phục truyền thống của dân tộc Dao, bà Triệu Thị Thịnh (thôn Khe Sú 1, xã Thượng Yên Công) - người góp công lớn trong việc hình thành, duy trì hoạt động của khu bảo tồn suốt thời gian qua, cho biết: “Đến với không gian văn hóa này, người dân, khách tham quan không chỉ được tìm hiểu những trang phục, lễ phục, vật dụng trong sinh hoạt hằng ngày của người Dao, mà còn có dịp để thưởng thức những lời ca, điệu múa; nếm thử các món ăn dân tộc đặc trưng, như: Xôi bảy màu, canh gà nấu rượu Bâu... Nhờ những nét văn hóa đặc sắc như vậy, khu bảo tồn đã thu hút được lượng lớn du khách quan tâm, tìm hiểu, trải nghiệm”.

Để mang đến cho nhân dân, du khách không gian bảo tồn văn hóa dân tộc sống động như vậy, trước đó, bà Thịnh cùng với các cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin thành phố đã mất nhiều ngày lặn lội lên tận Tuyên Quang tìm mua các loại nguyên, vật liệu để may, thêu các loại trang phục truyền thống của người Dao: Quần áo cô dâu, chú rể, quần áo mặc thường nhật cũng như sưu tầm nhiều công cụ sinh hoạt của đồng bào. Song song với việc phục dựng lại trang phục dân tộc phục vụ cho khu bảo tồn, bà Thịnh cũng đã tích cực tuyên truyền, vận động những người phụ nữ khác trong thôn cùng tham gia vào các hoạt động bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Đến nay, nhóm của bà đã thu hút được hơn 10 người tham dự, trong đó hầu hết là những người phụ nữ dân tộc Dao ở tuổi trung niên. Theo lịch đặt hàng của UBND thành phố, bà Thịnh cùng các “cộng sự” lại đến khu bảo tồn ở chợ cảnh Uông Bí, tham gia vào các hoạt động tái hiện văn hóa dân tộc Dao, như: Thêu trang phục dân tộc, giới thiệu về lễ phục cưới hỏi, hướng dẫn chế biến các món ăn truyền thống...

Nhóm bảo tồn văn hóa dân tộc của bà Thịnh nấu canh gừng rượu Bâu cho du khách thưởng thức.

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của xã hội, những nét văn hóa của các dân tộc thiểu số đang đứng trước những thách thức, có nguy cơ mai một. Là người con đồng bào dân tộc Dao, bà Triệu Thị Thịnh luôn đau đáu nghĩ về công tác bảo tồn văn hóa dân tộc. Bà tâm sự: “Thôn Khe Sú có 100% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số. Thế nhưng, người dân bây giờ chủ yếu mặc quần áo dân tộc Kinh; còn rất ít người biết đến cách thêu may quần áo dân tộc, nhất là các cháu thế hệ sau này. Trải qua thời gian, tôi sợ rằng sau này, trang phục của dân tộc chúng tôi ở Thượng Yên Công sẽ mai một, không được lưu truyền đến mai sau. Chính vì vậy, tôi luôn mong muốn có thể truyền dạy lại cách thêu, may trang phục truyền thống cho các thế hệ trẻ trong thôn”. Nghĩ là làm, bà Thịnh đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động người già cũng như trẻ nhỏ tham gia lớp học thêu trang phục truyền thống được mở ngay tại nhà mình. Gạt đi những khó khăn trong những ngày đầu mở lớp không được mọi người đón nhận, bà vẫn miệt mài tuyên truyền, vận động người dân trong thôn tham gia bảo tồn nét văn hóa đặc trưng của dân tộc. Bắt tay vào thực hiện từ năm 2017, đến nay, lớp học của bà đã thu hút được gần 30 học viên tham gia, kể cả người già, thanh, thiếu nhi. Em Trương Thị Khơi, 13 tuổi, thôn Khe Sú 1, xã Thượng Yên Công, chia sẻ: “Cứ vào ngày chủ nhật hằng tuần, em cùng các bạn trong xóm lại đến nhà bà Thịnh để học thêu quần áo. Bây giờ em đã biết thêu những họa tiết thổ cẩm cơ bản trong trang phục của người Dao. Tuy học kỹ năng thêu này rất khó, nhưng được sự hướng dẫn tận tình của bà, em không thấy nản mà ngược lại càng ngày càng thấy thích thú, say mê”.

Trong câu chuyện chóng vánh ở không gian chợ cảnh Uông Bí hôm đó, bà Thịnh nói với chúng tôi rất nhiều về văn hóa dân tộc thiểu số cùng những dự định đang ấp ủ về công tác bảo tồn văn hóa dân tộc. Lúc chia tay, bà không quên gửi chúng tôi một lời hẹn: “Vào lễ hội Xuân Yên Tử năm tới, về làng Hành hương dưới chân núi nhớ ghé không gian bảo tồn văn hóa dân tộc Dao ở đó thăm tôi nhé!”. Đó có lẽ là “dự án” lớn sắp tới của bà...

Ngô Dịu

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/201812/xay-dung-va-phat-trien-van-hoa-con-nguoi-quang-ninh-nguoi-phu-nu-say-me-bao-ton-van-hoa-dan-toc-2411422/