Người phụ nữ nặng lòng với biên cương

Không có lương hưu, đi xa cũng 'canh vé 0 đồng', thế nhưng hằng tháng, cô Nguyễn Thị Tuyết Hồng (nguyên Giám đốc Siêu thị Coo.pmart Cống Quỳnh, thành phố Hồ Chí Minh) vẫn dành tiền để đỡ đầu 2 cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở Đà Nẵng. Tình cảm, việc làm luôn hướng về biên giới của cô là câu chuyện mà người nghe luôn cảm thấy ấm lòng...

Em Cao Nguyễn Thịnh Phát nhận quà của cô Nguyễn Thị Tuyết Hồng. Ảnh: Trúc Hà

Em Cao Nguyễn Thịnh Phát nhận quà của cô Nguyễn Thị Tuyết Hồng. Ảnh: Trúc Hà

Với nhiều người lính Biên phòng ở khu vực phía Nam, Tây Nguyên, cô Nguyễn Thị Tuyết Hồng không có gì xa lạ. Trong thời gian công tác, cô và cán bộ, công nhân viên của Siêu thị Coo.pmart Cống Quỳnh đã nhiều lần đến thăm, tặng quà các đồn Biên phòng, đặc biệt là những nơi xa xôi, đời sống cán bộ, chiến sĩ còn gặp nhiều khó khăn. Cô cũng là người khởi xướng phong trào “nuôi heo đất” gửi ra biên giới để thể hiện tấm lòng của cán bộ, công nhân viên Siêu thị Coo.pmart, cùng tri ân người lính Biên phòng đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc.

Không chỉ vậy, nhiều vợ con, anh em của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng được Ban Giám đốc Siêu thị Coo.pmart Cống Quỳnh tạo điều kiện vào làm việc tại siêu thị hay giới thiệu đến các chi nhánh được mở tại các tỉnh, thành phố khác. Nhờ vậy, rất nhiều gia đình cán bộ, chiến sĩ đã đưa vợ con, anh em ở quê vào thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp, ổn định cuộc sống, từ đó yên tâm công tác.

Còn đối với cô Hồng, tình cảm dành cho biên giới và những người lính Biên phòng bao nhiêu năm nay vẫn thế. Khi cô Hồng làm Giám đốc, Siêu thị Coo.pmart Cống Quỳnh đã tổ chức kết nghĩa, tặng quà nhiều đồn Biên phòng ở các tỉnh Tây Ninh, Kon Tum... Mỗi chuyến đi đong đầy thêm những kỷ niệm và tình yêu biên giới. Mùa khô năm 2003, đoàn cán bộ, công nhân viên Siêu thị Coo.pmart Cống Quỳnh đến thăm Đồn Biên phòng Mo Ray, BĐBP Kon Tum. Lần đó, đến thăm một tổ công tác ở giữa rừng, cách biệt với dân, một cán bộ tên Hùng đã nói với cô: “Hơn 1 năm cháu về đây, giờ mới thấy phụ nữ, cô ạ”. Nghe xong, ai cũng cảm thấy nghẹn lòng trước tâm sự của người lính trẻ này. Hay ở thành phố, có những người chiến sĩ khiến cô Hồng đến giờ vẫn nể phục.

Năm 1995, Siêu thị Coo.pmart Cống Quỳnh đi vào hoạt động cũng là lúc Binh nhất Trần Văn Lực hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Lực được nhận vào làm bảo vệ cho siêu thị. Nhờ tính cẩn trọng có được từ những tháng năm quân ngũ, Lực nhanh chóng được phân công làm Tổ trưởng Tổ bảo vệ. Trong thời gian ấy, Lực tranh thủ vừa đi làm, vừa đi học. Tốt nghiệp đại học, Lực trở thành nhân viên của Phòng Kinh doanh rồi trở thành Phó Giám đốc và hiện là Giám đốc Siêu thị Coo.pmart Cống Quỳnh.

Nghỉ hưu, con cái đã trưởng thành, các cháu đã lớn, cô Hồng dành thời gian cho mình cùng bạn bè tận hưởng “khoảng trời riêng”. Đó là tiếp tục đến với các miền biên viễn, nơi ấy có cột mốc thiêng liêng, đồng bào các dân tộc với đức tính chân chất và những người lính vì công việc mà hy sinh cả tuổi trẻ, hạnh phúc riêng của mình. Do thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ theo quy định nên hết tuổi làm việc, cô Hồng không có lương hưu. Hai con gái của cô, mỗi tháng biếu mẹ 5 triệu đồng để chi tiêu. Giữa năm 2019, cô Hồng liên hệ với phóng viên Báo Biên phòng thường trú tại Đà Nẵng nhờ kết nối để ủng hộ Chương trình “Nâng bước em tới trường” của BĐBP bằng việc nhận đỡ đầu 2 học sinh nghèo vượt khó ở khu vực biên giới biển Đà Nẵng với mức hỗ trợ 6 triệu đồng/năm.

Tháng 6-2019, Đồn Biên phòng Non Nước, BĐBP Đà Nẵng phối hợp với Hội Khuyến học quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng lựa chọn 2 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đó là em Thái Gia Bảo, ở tổ 72, phường Hòa Hải, là học sinh lớp 7, Trường Trung học cơ sở Huỳnh Bá Chánh. Mấy năm trước, cha mẹ Bảo ly hôn, sau đó đều đã xây dựng gia đình riêng, từ đó em ở với ông bà ngoại đã mất sức lao động, gia đình thuộc hộ nghèo. Người thứ 2 là em Tống Thị Thanh Tuyền, trú tại tổ 10, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, là sinh viên Khoa Du lịch, Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng. Huyền chia sẻ: "Từ nhỏ, em mất cha, mẹ lại tàn tật nên em luôn cố gắng học thật tốt để trở thành chỗ dựa cho mẹ. Cuộc sống 2 mẹ con rất khó khăn, nhất là khi em vào đại học, chi phí cho việc học nhiều lúc vượt quá khả năng của gia đình. Nay, nhận được sự giúp đỡ của cô Nguyễn Thị Tuyết Hồng, em và mẹ vô cùng biết ơn cô. Em hứa sẽ học tốt hơn nữa để xứng đáng với sự tin tưởng, giúp đỡ của mọi người”. Sau đó, vì được nhận học bổng và có mạnh thường quân giúp đỡ, Huyền đã “nhường” lại cho em Cao Nguyễn Thịnh Phát, học sinh lớp 2, Trường Tiểu học Lê Lai. Hoàn cảnh của Phát rất đáng thương khi cha chết, mẹ bỏ đi, em ở với ông bà nội đã già yếu, lại không có thu nhập.

Cuộc sống của cô Hồng ở thành phố Hồ Chí Minh không giàu có, nhưng cô luôn cảm thấy đủ đầy vì các con đều có trách nhiệm với mẹ, các cháu lúc nào cũng kính trọng và yêu quý bà. Cô bảo: “Sở dĩ cô Hồng muốn cùng BĐBP thực hiện chương trình “Nâng bước em tới trường” trước hết bởi tình cảm với biên giới. Hơn nữa, cô muốn các cháu của mình biết rằng, gia đình còn có 2 người bạn nhỏ ở nơi xa, đang khó khăn, từ đó thấy giá trị những gì mình đang có cũng như sẽ gợi mở cho các cháu việc có thể làm gì để giúp đỡ người khác”.

Trúc Hà

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nguoi-phu-nu-nang-long-voi-bien-cuong/