Người phụ nữ Hà Nội 26 năm 'canh giấc ngủ' cho người mất: 'Về nhà thì ốm, ra đây lại khỏe'

26 năm canh giấc ngủ cho người đã khuất nhưng chưa bao giờ bà Ngọc cảm thấy sợ hãi mà ngược lại bà cảm thấy khỏe khoắn hơn khi ở đây.

Nghĩa trang Quán Dền

Nghĩa trang Quán Dền

26 năm canh giấc cho người đã khuất

Nghĩa trang Quán Dền tọa lạc ở khu đất vàng với 3 mặt tiền giữa ngã 3 đường Lê Văn Lương – Nguyễn Tuân – Hoàng Minh Giám, (phường Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) đã tồn tại hàng trăm năm, diện tích 18.000m2 với hơn 5.000 ngôi mộ.

Ngày nào cũng vậy, suốt 30 năm qua từ sáng đến tối sẩm bà Nguyễn Thanh Ngọc (60 tuổi), đều đến khu nghĩa trang dọn dẹp, lau bia mộ, và trông coi ở khu vực này. Ngoài ra, bà Ngọc còn tranh thủ bán hàng nước ở cổng và bán hoa, đồ lễ cho những ai muốn vào nghĩa trang thắp hương.

Biết tôi là phóng viên đến thăm nghĩa trang, bà Ngọc chia sẻ: "Tôi đến trông nom nghĩa trang này cũng là cái duyên. Tôi nhận làm công việc này là vì tâm, phần cũng bởi gia đình nhà chồng có người thân an táng ở đây. Ngày trước khi ra thắp hương cho người thân, tôi thấy không có người trông coi nên quyết định nói với mọi người sẽ nhận trông nghĩa trang và dọn dẹp sạch sẽ nơi này".

Bà Ngọc tâm sự, bà trông nghĩa trang này được 30 năm thì có tới 26 năm ăn ở tại nghĩa trang. Mãi sau này, khi xây tường bao quanh, có cổng khóa bà mới dọn về nhà. Trước đây, các mộ trong nghĩa trang Quán Dền chưa nhiều như bây giờ và mỗi cái ở một nơi.

Bà Ngọc có 30 năm trông giữ nghĩa trang thì 26 năm ngủ tại đây

Điều mà ai cũng phải cảm phục là dù mưa hay nắng bà Ngọc đều túc trực bên từng nấm mồ như thể chính những người thân nhân ruột thịt của bà. Bà kể, năm xưa, hai vợ chồng bà nhận việc, nơi đây còn hẻo lánh, đường đi lại chỉ là những lối mòn. Ngày đó làm gì có tường rào như bây giờ, vợ chồng bà phải vào làng chặt cành gai về buộc quanh nghĩa trang làm hàng rào.

Bấy giờ bên trong nghĩa trang còn chưa có điện lưới, chưa có nhà chờ. Hàng đêm, bà Ngọc phải thắp đèn dầu và trần chăn bông kiếm thêm thu nhập ở gần nơi thắp hương cho thần linh.

Bà bảo, với người khác ai cũng sợ hết hồn, nhưng với bà từ ngày đầu cho đến bây giờ chưa bao giờ biết sợ. "Làm việc này không phải gan lỳ mà còn phải có tâm. Từ khi ở đây tôi nằm mơ 2 lần, có người về báo mộng nhưng họ không dọa dẫm. Mình cứ làm tốt việc của mình thì sao phải sợ, các cụ còn về phụ hộ cho ấy".

Lấy chữ tâm, chữ đức làm gốc, bà luôn cảm thấy vui với công việc mình đảm nhận. Bà Ngọc tâm sự: “Ngày nào tôi còn có thể thắp được nén nhang, ngày đó, tôi còn trông nom, canh giữ giấc ngủ mọi người ở nghĩa trang này”.

Về nhà thì ốm, ra đây lại khỏe

Khi ở đây, bà cảm thấy khỏe khoắn, thoải mái hơn là ở nhà. Chính vì thế mà hai người của bà chưa bao giờ khuyên mẹ về nhà hay từ bỏ công việc này. "Có đợt về nhà một thời gian tôi ốm liệt giường, còn ra đây thì chẳng bao giờ ốm cả”, bà Ngọc nói.

Ngoài chăm sóc những ngôi mộ, bà Ngọc còn bán thêm vàng hương

Bà Ngọc cho biết, trước đây nghĩa trang Quản Dền là nơi có rất nhiều tệ nạn xảy ra như người nghiện vào nghĩa trang hút chích, gái mại dâm vào hành nghề...nhưng kể từ khi được trông coi, xây dựng khang trang nên không còn nữa.

Bà kể, công việc trông coi mộ này không lương, nhưng cũng tùy vào lòng thành tâm của người thân có người nhà nằm đây họ trả cho bà. Mỗi năm, bà sẽ được người thuê trả tiền công một lần hoặc một nửa tiền công tùy theo thỏa thuận công việc. Để thuận lợi cho công việc, bà và người nhà những ngôi mộ trao đổi số điện thoại với nhau.

Những dịp lễ Tết, ngày mất của người thân, muốn làm gì, hương khói, mua gì cúng thì gọi cho bà làm giúp. Các chi phí, bà ghi lại rồi tính với họ. Khi dọn dẹp, hương khói xong rồi bà chụp ảnh gửi cho họ, vì đôi khi không nhìn thấy hình ảnh mọi người không tin. Cũng có những ngôi mộ không được thân nhân thăm non, thấy xập xệ, cỏ mọc um tùm, không ai hương khói, bà âm thầm chăm sóc.

Nghĩa trang Quán Dền tọa lạc giữa đất vàng Hà Nội

"Phần đông những người đã khuất đều có con cháu ở xa nên nếu không có ai đến dọn dẹp, hẳn những vong linh nằm dưới các phần mộ kia sẽ thấy cô quạnh và tủi thân", bà Ngọc chia sẻ.

Công việc hàng ngày của bà Ngọc tuy rất lặng lẽ, nhưng thể hiện sự kính trọng đối với những người đã khuất. Thời điểm này là cuối năm, rất nhiều gia đình đến thắp hương, tu sửa lại phần mộ nên bà Ngọc lại càng bận bịu hơn.

Cao Nguyên - Theo Đời sống Plus/GĐVN

Nguồn Đời Sống Plus: http://doisongplus.vn/nguoi-phu-nu-26-nam-canh-giac-ngu-cho-nguoi-mat-ve-nha-thi-om-ra-day-lai-khoe-80889-3.html