Người phụ nữ được gọi là 'Này' và hành trình 35 năm tìm lại cội nguồn

35 năm trước, một cô gái dân tộc thiểu số Bố Y bị buôn bán xuyên Trung Quốc, đến một ngôi làng xa xôi, nơi người ta không nói ngôn ngữ của cô...

Cho đến khi Li Xinmei biết nhận thức, mẹ của cô là một người phụ nữ vô danh. Cha của Li Xinmei thường gọi mẹ cô là “hey” (Này).

Trên thẻ căn cước của Li Xinmei, tên của mẹ cô là Li Yurong, sinh ngày 15/7/1960, cả hai thông tin này đều do bố của Li Xinmei tự đặt ra cho vợ.

Người phụ nữ được gọi là 'Này' và hành trình 35 năm tìm lại cội nguồn.

Người phụ nữ được gọi là 'Này' và hành trình 35 năm tìm lại cội nguồn.

Li Ximei kể, mẹ cô luôn đặt một con dao dưới gối của bà, với tay cầm hướng ra ngoài và lưỡi hướng vào trong. Khi lớn lên, Xinmei nhiều lần cố ý lấy con dao đi, nhưng chẳng bao lâu một con dao mới lại xuất hiện dưới gối của mẹ cô. Hơn 30 năm trôi qua, mẹ Xinmei không bao giờ sử dụng con dao, nhưng vì một lý do nào đó, bà nhất quyết phải có nó đi ngủ cùng.

Cho đến năm nay, Xinmei cuối cùng mới phát hiện ra được danh tính thực sự của mình. Một ai đó đã giải thích cho Xinmei biết, đặt dao dưới gối là một phong tục của dân tộc Bố Y, một nhóm dân tộc thiểu số sống chủ yếu ở tỉnh Quý Châu. Con dao sẽ giúp ngăn chặn những cơn ác mộng và những gì mẹ cô đã trải qua có thể làm phiền giấc ngủ của mọi người.

Vào một mùa đông cách đây 35 năm, mẹ Xinmei bị bọn buôn người bắt cóc từ ga xe lửa Trùng Khánh, thành phố cạnh Quý Châu. Cô bị đưa đến làng Zaosheng và bán làm vợ cho Li Wei, cha của Xinmei. Những kẻ buôn người đánh đập bà dã man, làm mất vài cái răng, chảy máu tai, lý do khiến bà nghe không rõ.

Xinmei không biết mẹ có gặp nhiều ác mộng hay không bởi cô chỉ có thể trò chuyện vài câu cơ bản nhất với bà. Mẹ Xinmei nói một thứ ngôn ngữ hoàn toàn khác với tiếng Trung, không một ai trong làng có thể hiểu được. Ngay cả Xinmei, khi lớn lên, cũng chỉ hiểu được một nửa những gì mẹ nói. Thính giác kém, nên bà cũng không thể học được tiếng Trung. Bà chỉ biết viết hai ký tự chữ Hán ngoằn ngoèo mà Xinmei đã dạy cho bà là Zaoshang, tên ngôi làng của họ.

Nhưng bà không bao giờ cảm thấy Zaosheng là nhà của mình. Li Xinmei nhớ rằng từ khi cô còn nhỏ, mẹ cô đã lặp đi lặp lại hai từ khó hiểu nghe giống tiếng Trung là "khói" và "khói trắng". Mãi sau này, Xinmei mới hiểu rằng mẹ mình đang nói “về nhà” và “trở về nhà” bằng ngôn ngữ của bà.

Li Xinmei đôi khi hỏi mẹ, qua cử chỉ, rằng nhà mẹ ở đâu. Câu trả lời của mẹ cô luôn luôn không thể giải thích được. Nhưng bà thường nói với Li Xinmei và em gái của cô ấy: “Hãy về nhà. Ở đó thật đẹp ”. Trong ký ức của mẹ cô, có một thác nước lớn gần ngôi nhà cũ của bà, có cây bàng mập mạp mọc trước nhà và một cây dẻ cao mà cha bà sẽ rung khi hạt dẻ đủ chín để mang đi chợ bán.

Mẹ của Li Xinmei.

Từ năm 2010, Xinmei đã cố gắng tìm quê cho mẹ, bằng việc tham gia các nhóm tìm người thất lạc trên QQ. Tuy nhiên không ai biết ngôn ngữ của mẹ cô qua các đoạn video chia sẻ. Các trang web tìm người thất lạc cũng "bó tay". Mẹ của Xinemi hiện 60 tuổi, Xinmei nghĩ rằng ông bà của cô có lẽ cũng không còn sống nữa, vậy ai có thể nhớ được bà? Sau vài năm, Xinmei đã từ bỏ việc tìm kiếm.

Mẹ của Xinmei đã cố gắng bỏ trốn hai lần. Lần đầu tiên là ngay sau khi đến Hà Nam nhưng cuộc chạy trốn chỉ kéo dài hai giờ đã bị bắt lại. Lần hai là vào năm thứ 9 của bà ở làng Zaosheng, bà dắt theo Li Xinmei, 4 tuổi và con út 2 tuổi. Nhưng khi tới được ga xe lửa thì cũng là lúc những người làng Zaosheng đã chờ sẵn. Từ đó bà dường như không còn ý định bỏ trốn nữa. Bố Xinmei là một người trung thực, hiền lành, ngày ngày cùng vợ làm việc. Những từ tiếng Trung ít ỏi mà mẹ cô có thể hiểu được hầu hết đều liên quan đến lao động: nồi, gạo, lúa mì, hạt giống, phân bón. Nếu ông Li Wei nói những từ này, bà sẽ làm theo các công việc tương ứng.

Một bức ảnh gia đình Li Xinmei.

Khi còn nhỏ, Xinmei từng rất ghét mẹ vì lúc tới trường, cô bị các bạn học chế giễu: “Này, mẹ của Xinmei xấu xí chưa kìa?”. “Bạn sẽ thấy thật khủng khiếp khi các bạn có những người mẹ bình thường mà họ có thể nói chuyện và làm mọi việc với họ, còn bạn thì không”, Xinmei nhớ lại.

Vào năm lớp 5, Xinmei nhận ra rằng những đứa trẻ khái đều có hai ông bà nội ngoại. Khi được hỏi về bà ngoại, đó là lúc Xinmei bắt đầu thầm mong mẹ sẽ tìm được nguồn cội của mình…

Cuối năm 2017, ông Li Wei phát bệnh ung thư thực quản, điều trị trong 3 thang và rồi bị bệnh viện trả về. Lần đó, mẹ Xinmei tiến lên thúc vào cánh tay chồng, sau đó bà khóc. "Chưa bao giờ mẹ khóc vì bố. Có thể ban đầu mối quan hệ của họ là bạn cùng phòng nhưng theo thời gian đã nảy sinh tình cảm. Nó thậm chí không còn là một mối quan hệ, mà là một gia đình", cô nói.

Một ngày sau đám tang, trước cả gia đình, bà nói: "Cha của các con đã chết. Mẹ sẽ về nhà, hai con có thể ở lại". Tuy nhiên, quá trình về nhà của bà không dễ dàng.

Li Xinmei ở Xingyi, tỉnh Quý Châu, ngày 27 tháng 10 năm 2020.

Hồi tháng 9, Xinmei lướt qua một video ngắn, nói ngôn ngữ Bố Y. Xinmei thấy rất quen, giống như thứ ngôn ngữ mà mẹ cô hay nói. Xinmei tự hỏi, người đàn ông trong video có thể biết liệu ngôn ngữ của mẹ cô có phải là tiếng Bố Y hay không.

Vlogger Huang Defeng, sinh năm 1992, một thành viên dân tộc Bố Y, đang là công chức tại huyện An Long, Kiềm Tây Nam, Quý Châu. Huang thường làm các video hướng dẫn để quảng bá ngôn ngữ Bố Y. theo Huang, dân tộc Bố Y có khoảng 3 triệu người, với 97% dân số sống ở Quý Châu.

Huang nhớ, tối 10/9, Xinmei gửi cho anh đoạn ghi âm mẹ Xinmei nói trong nước mắt về chuyện về nhà: “Không tìm thấy đứa trẻ, đứa trẻ đã đi đâu?” Ngay giây đầu tiên, Huang đã biết chắc chắn đó là ngôn ngữ Bố Y. Mặc dù xa nhà đã lâu nhưng phát âm của bà không thay đổi, vốn từ vựng của bà rất chân thực. Sau khi Xinmei gửi thêm bức hình về mẹ, Huang khẳng định bà 100% là người Bố Y.

Nhưng ngay cả khi chắc chắn mẹ là người Bố Y, Xinmei cũng tự hỏi làm thế nào để mẹ mình có thể tìm được cội nguồn trong số hàng triệu người trong tộc người Bố Y?

Huang lạc quan hơn. Đêm hôm đó không ngủ được, Huang làm đoạn video ngắn về giọng nói của bà, chuyển nó đến tới nhiều cộng đồng những người Bố Y. Ngôn ngữ Bố Y được chia thành ba phương ngữ ở miền nam, miền trung và miền tây. Một chuyên gia văn hóa xác nhận mẹ của Xinmei có thể là người miền Tây.

Bức ảnh mẹ Li Xinmei gửi cho Huang Defeng.

Trưa hôm sau, Xinmei được thêm một một nhóm trò chuyện có tới 40 thành viên. Nhưng không xác định được giọng của bà thuộc Phổ An hay Thanh Long. Hai quận này có khoảng 600.000 dân, việc tìm một người mất tích 35 năm trước như mò kim đáy bể. Sau cùng họ nghĩ ra cách gửi trang phục, phong cảnh và phong tục đặc trưng của từng địa phương để Xinmei cho mẹ xem.

Cách này tỏ ra hiệu quả. Bà đã nhận ra một con đường quanh co, nằm trên 24 khúc cua nổi tiếng ở địa phương. "Cạnh đây có một ngôi đền và dưới đó có một ngôi nhà", bà nói.

Con đường 24 khúc cua nổi tiếng.

Ngày 13/9, Luo Qili, một người bán quần áo trong các bản, đã xem kỹ video về phản ứng của mẹ Xinmei trước thác nước và con đường 24 khúc cua, qua đó nhận thấy hai từ mà bà nói: "Bollings" và "Ndaelndongl". Những người khác cho rằng chúng có nghĩa là "dốc" và "rừng", nhưng Luo cho rằng những từ này nghe có vẻ giống tên của hai ngôi làng gần thị trấn Shazi. Luo ngay lập tức liên lạc với một người bạn đang ở chợ thị trấn Shazi. Đầu giờ chiều, người bạn gọi lại nói 30 năm trước, tại ngôi làng Bulujiao có một người phụ nữ tên là Dezlinz đã mất tích.

Vài giờ sau, bạn của Luo có thêm tin tức. Một người đàn ông lớn tuổi khác kể hơn 30 năm trước, một phụ nữ tên Dezliangz từ chính làng ông đã bị bán, cha tên là Dezdins, ba em trai và một em gái. Li Xinmei lại gọi "Dezliangz! Dezliangz!".

Sau 35 năm, đây là lần đầu tiên có người gọi đúng tên bà. Nụ cười trên khuôn mặt nở rộng, bà nói với một chút ngại ngùng: Con biết tên mẹ? Xinmei, mẹ là Liangz"...

Cha mẹ của Dezliangz ở huyện Qinglong, tỉnh Quý Châu, ngày 28 tháng 10 năm 2020

Trưa hôm sau, em trai của bà Liangz đã kết nối cuộc gọi video cả gia đình. Bố mẹ của Dezliangz đã 88 và 84 tuổi, hiện là hai cụ già héo hon. Sau một lúc quan sát, Dezliangz gọi: "Mẹ! Bố!". Hai cụ già bắt đầu lau nước mắt. Dezliangz không thể nghe thấy họ nói gì, bà hỏi, "Bố mẹ đang khóc à? Bố mẹ khóc khi con biến mất phải không? Bố mẹ tìm con khắp nơi à?".

Cho đến khi có cuộc gọi video, Xinmei vẫn không tin đó là sự thật và không ngừng tự hỏi, liệu đó có phải là một trò lừa bịp hay không? Làm thế nào mà những người xa lạ này có thể tìm lại quê hương cho mẹ cô chỉ trong hai ngày rưỡi, trong khi cô đã không tìm thấy trong suốt nhiều năm.

Ngày 14/9, sau cuộc trò chuyện với cha mẹ, bà Dezliangz đã không ngủ cả đêm. Bà sửa soạn đồ để về quê sớm nhất, nhưng con gái bảo phải đợi thu hoạch mùa xong. Từ hôm đó bà không cho cháu trai chơi iPad vì sợ - chiếc máy lưu bức ảnh con đường 24 khúc cua - sẽ hết pin.

Quang cảnh bên trong ngôi nhà nơi bố mẹ Dezliangz sống, huyện Qinglong, tỉnh Quý Châu, ngày 28 tháng 10 năm 2020

Ngày 17/10, bà Dezliangz đi xe ba gác, taxi và xe bus, ngủ một đêm ở khách sạn trước khi bắt chuyến bay 2,5 tiếng đến Quý Châu.

Trong bóng tối, đột nhiên một nhóm người xuất hiện, hầu hết đều mặc quần áo truyền thống mới tinh. Chỉ có một phụ nữ lớn tuổi mặc quần áo cũ, quấn một chiếc khăn trùm đầu màu xám. Bà từ từ đi đến chỗ Dezliangz, tay cầm một bát cơm trắng và một đôi đũa. Bà đưa cơm vào miệng Dezliangz.

Mẹ của Dezliangz đút cơm cho cô khi cô trở về nhà ở huyện Qinglong, tỉnh Quý Châu, tháng 9 năm 2020

Đó chính là mẹ 84 tuổi của Dezliangz. Theo phong tục của người Bố Y, khi đi xa trở về phải ăn một miếng cơm nóng để không bị lạc lần nữa. Dezliangz nắm tay mẹ, trong khi vẫn ngậm đũa cơm, nhưng bà không nhai. Khoảnh khắc vô cùng xúc động. Nhiều người rơi nước mắt, anh trai của Dezliangz, Dezzuany, mắt đỏ hoe và quay đi.

Đối với Dezliangz, quê hương đã hoàn toàn khác. Những ngôi nhà cũ đã biến mất, cũng như cây dẻ trước nhà. Gia đình đã khác mọi mặt, ngoại trừ việc vẫn nghèo. Ngôi nhà hư hỏng theo thời gian và đồ đạc thưa thớt. Phòng ngủ của cha mẹ bà chỉ có một chiếc giường và một chiếc tủ quần áo gần như trống rỗng. Quần áo của cha bà chất đống trên giường, giống như từ lâu đã không giặt. Thứ quý giá nhất trong nhà là chiếc bàn vuông, có bếp sưởi để hâm nóng thức ăn. Bếp ăn bị phủ một lớp bụi dày.

Đầu đã hai thứ tóc, nhưng về nhà bà như trở thành đứa con gái ở độ tuổi 20 một lần nữa. Ở đó, bà tất bật dọn dẹp nhà cửa và nấu ăn cho bố mẹ. Bà giặt áo khoác và quần bẩn của cha, lấy ga trải giường ra phơi nắng và thay vào một chiếc chăn sạch sẽ. Bà cho gà và chó ăn. Bà thậm chí còn trồng cải bắp cho những người hàng xóm.

Li Xinmei nhận ra mẹ luôn cười. Khi bà kể cho cha mẹ nghe những câu chuyện về hai con gái, giọng thậm chí còn hơi tếu. Từ hôm về bà hay nói với con: "Mẹ sẽ không rời đi". Nhưng ước nguyện của bà đã không thành hiện thực, vì bố mẹ hay các anh em trai đều quá nghèo. Họ không có chuẩn bị gì cho một người đột ngột xuất hiện.

Cha mẹ cô không có thu nhập, còn anh trai thứ hai và vợ anh đi làm xa, đồng lương ít ỏi. Em trai cô, Dezzuany, hầu như không đủ sống bằng những công việc lặt vặt để nuôi bốn đứa con.

Li Xinmei không muốn mẹ ở lại. Xinmei nhờ chú Dezzuany nói chuyện với mẹ cô: “Chú hãy nói với mẹ giúp con, rằng đây không phải của mẹ con. Đó là nhà của bác cả và mẹ không thể ở đây vì khi cả 5 người con trẻ về, sẽ không đủ chỗ."

Dezliangz và bố mẹ của bà (hàng đầu tiên), Dezzuany (hàng thứ hai) và Li Xinmei chụp ảnh gia đình ở huyện Qinglong, tỉnh Quý Châu, ngày 28 tháng 10 năm 2020.

Xinmei mua vé cho mẹ trở về ngày 30/10. Bà ngồi trên chuyến xe tới đón mình, nhìn chằm chằm vào màn hình TV, không hiểu tiếng trong TV và cũng không thể nói chuyện với người xung quanh. Cuộc đoàn tụ là điều bà mong chờ, nhưng có gì đó trong bà mất mát không thể lấy lại được. Bà thậm chí không biết mình bao tuổi.

Bà Dezliangz chia tay em trai Dezzuany khi Li Xinmei đón bà để trở về Hà Nam.

Nếu bất cứ điều gì đã thay đổi, đó là cuối cùng Dezliangz cũng có điều để mong đợi trong cuộc đời. Trước khi đi, bà nói với người hàng xóm: "Tôi sẽ về chăm sóc mấy đứa cháu. Tết này tôi sẽ hấp bánh và quay lại".

Hà Vy

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/the-gioi/nguoi-phu-nu-duoc-goi-la-nay-va-hanh-trinh-35-nam-tim-lai-coi-nguon-20201201111608702.html