Người phụ nữ đi tìm hạnh phúc nhờ phẫu thuật nhân đạo

Cô gái bị khuyết tật khe hở môi - vòm miệng bẩm sinh đã phải sống 27 năm trên cuộc đời với biết bao tủi hờn, cay đắng. Đến cả người bạn đời cũng rời bỏ cô đi sau khi đã nhiều lần miệt thị về khuyết tật này của cô. Và giờ đây, cô đang khắc khoải hy vọng vào những bàn tay tài hoa của các bác sĩ, giáo sư bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương Hà Nội.

Sáng 26/11, Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương khai mạc tháng nhân đạo cho trẻ em khe hở môi - vòm miệng. Ngoài rất nhiều trẻ em được cha mẹ đưa đến để được khám, tư vấn và phẫu thuật miễn phí, tôi đặc biệt chú ý đến một người phụ nữ trẻ. Cô đứng tần ngần bên cửa phòng bệnh với vẻ buồn rầu, lo lắng. Trên khuôn mặt cô vẫn có dấu tích của một người bị khuyết tật khe hở môi – vòm miệng với vết sẹo trên môi, mũi tẹt và hàm răng xiêu vẹo.

Chia sẻ với phóng viên với giọng nói ngọng rất khó nghe, cô ngậm ngùi cho biết mình tên V., đến từ thị xã Phú Thọ. V. năm nay 27 tuổi, cô bị tật khe hở môi - vòm miệng từ lúc mới sinh ra. Mẹ cô đã đưa con đi phẫu thuật vá môi khi cô mới 1-2 tuổi, nhưng chỉ đi một lần rồi thôi nên suốt những năm qua, V. phải mang theo tật nói ngọng, nuốt thức ăn rất khó khăn, dễ bị sặc lên mũi và không bao giờ có thể súc miệng được vì nước sẽ bị trào ngược lên mũi do hở rất to phía trong.

V. kể, hồi nhỏ khi còn đi học, V. luôn bị bạn bè trêu chọc đến mức cô tủi thân và sợ hãi không dám học lên đến cấp 2 dù gia đình sống ngay ở thị xã. Lớn lên, đi đâu cô cũng phải đeo khẩu trang vì sợ bị người đời chỉ trỏ, dị nghị. “Đi đường thanh niên họ toàn chỉ trỏ bảo sứt môi này nọ. Bây giờ nói đến em chỉ muốn khóc thôi” – V. rưng rưng nói, mắt ầng ậc nước như chỉ trực trào ra.

V. đã phải trải qua những năm tháng tuổi thơ đầy nước mắt và tủi hổ - ảnh minh họa

Vì không có học vấn nên V. xin đi làm công nhân cũng khó khăn. “Em xin đi làm công nhân điện tử nhưng người ta từ chối không nhận. Mỗi lần bị từ chối là lại về khóc mất mấy ngày. Sau này em xin được làm công nhân may” - V. kể.

Hỏi V. tại sao sau khi phẫu thuật vá môi lần đầu không tiếp tục đến bệnh viện để được các bác sĩ tư vấn, điều trị tiếp mà lại chịu đựng khuyết tật khổ sở như vậy, cô bảo: “Hồi đó mẹ em bảo thôi, không cần làm gì nữa nên em cũng không biết".

Rồi V. cũng lấy chồng. Đó là một người đàn ông người dân tộc thiểu số ở tận vùng sâu vùng xa. Nhưng cuộc sống của cô cũng chẳng hạnh phúc. “Mình lấy người hơn mình nên họ coi thường mình. Mỗi lần cãi nhau, người ta lại moi móc dị tật của em ra để bêu riếu khiến em rất khổ tâm. Rồi sau này anh ấy còn đi với gái nữa” - V. kể.

Không chịu được nỗi khổ tâm đó, V. đã li hôn cách đây hơn 1 năm. Mới đây, cô gặp được người đàn ông cùng cảnh ngộ, anh ấy bị hỏng một bên mắt. Hai người cùng hoàn cảnh khuyết tật đến với nhau, cùng nương tựa vào nhau, hy vọng sẽ có một cuộc sống hạnh phúc hơn. Nỗi khổ vẫn chưa dừng lại ở đó. V. có một đứa con gái 3 tuổi với người chồng trước và cháu bé cũng bị di truyền dị tật nay từ mẹ. Hiện cháu bé đã được phẫu thuật lần đầu và bây giờ đang ở với mẹ.

Còn với bản thân mình, nghe tin có đoàn phẫu thuật thật đạo của Hàn Quốc sang Việt Nam, V. tìm đến bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội với hy vọng sẽ được các giáo sư, bác sĩ cứu giúp, phẫu thuật để cô có thể sống một cuộc sống như những người bình thường khác. Đưa V. đến bệnh viện cũng chính là người chồng mới của cô. “Anh ấy chưa lập gia đình lần nào nên bây giờ em muốn sinh con cho anh ấy nhưng lại sợ con bị di truyền” - V. lo lắng nói.

Trao đổi với VnMedia về trường hợp chị V., Thạc sĩ Nguyễn Tấn Văn - Phó trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình hàm mặt, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương cho biết, nếu như khi còn nhỏ, V. được đưa đến bệnh viện sớm để đặt một thiết bị kéo hàm thì răng và hàm đã không bị ảnh hưởng nặng như bây giờ.

“Trường hợp này sẽ phải làm vạt thành hầu kéo dài vòm miệng về phía sau thì lúc ăn uống sẽ đỡ sặc. Phần phẫu thuật này sẽ được miễn phí hoàn toàn. Còn về thẩm mỹ thì phải chờ các bác sĩ của Hàn Quốc tư vấn vì họ là những người rất giỏi trong lĩnh vực này” - bác sĩ Văn nói và cũng cho biết thêm, hiện nay, phần phẫu thuật thẩm mỹ của các bệnh nhân khuyết tật khe hở môi - vòm miệng vẫn chưa được bảo hiểm chi trả.

Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Tấn Văn

Hàng ngàn trẻ em khe hở môi - vòm miệng đã được phẫu thuật

Theo kế hoạch hợp tác với Hội phẫu thuật tạo hình Hàm mặt Hàn Quốc, hôm nay (26/11), bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội đã tổ chức tháng phẫu thuật nhân đạo cho trẻ em có khuyết tật khe hở vòm miệng. 17 bác sĩ, giáo sư đến từ các bệnh viện nổi tiếng hàng đầu Hàn Quốc đã có mặt tại Hà Nội để khám và tiến hành phẫu thuật cho các bệnh nhi.

Chỉ riêng ngày đầu tiên đã có trên 50 gia đình đăng ký mổ cho các cháu và qua khám sàng lọc, 35 cháu đã đủ điều kiện và phẫu thuật trong ngày hôm nay.

“Từ 15 năm nay, Hội phẫu thuật tạo hình Hàm Mặt Hàn Quốc đều đặn cử các đoàn y bác sĩ sang hợp tác phẫu thuật tại bệnh viện. Họ đã dành những ngày nghỉ quý báu của mình, tự bỏ tiền để mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn… sang đây giúp đỡ các trẻ em không may mắn” - GS Trịnh Đình Hải, Giám đốc bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội chia sẻ.

Ông Hải cũng cho biết thêm, trong những năm qua, dù là đơn vị tự chủ tài chính hoàn toàn nhưng bệnh viện dành nguồn lực rất lớn để phẫu thuật nhân đạo cho hàng chục ngàn trẻ em khe hở môi - vòm miệng với kết quả rất tốt, mang lại nụ cười cho hàng chục ngàn trẻ em, các bà mẹ và người thân. Riêng từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tổ chức hàng chục đợt phẫu thuật nhân đạo cho các cháu.

GS Trịnh Đình Hải

Theo GS Hải, trong quá trình từ khám đến phẫu thuật, hậu phẫu, các cháu được miễn phí 100%, được chăm sóc tận tình chu đáo với đội ngũ bác sĩ, giáo sư có tay nghề chuyên môn cao, phòng phẫu thuật trang bị hiện đại, phòng bệnh sạch sẽ với các tiện ích đầy đủ. Ngoài ra, các gia đình còn được cả phía Hàn Quốc lẫn bệnh viện hỗ trợ thêm một phần kinh phí đi lại, ăn ở.

Trong sáng nay, người đứng đầu bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội cũng không quên ân cần nhắc nhở các gia đình giữ gìn sức khỏe cho các con, từ việc mặc ấm, quàng khăn tắm trong phòng kín… để tránh việc các con bị sốt, vừa vất vả cho gia đình, vừa ảnh hưởng đến lịch mổ.

Chia sẻ về căn bệnh này, GS Trịnh Đình Hải cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến khuyết tật khe hở môi - vòm miệng ở trẻ em, trong đó có các yếu tố về môi trường và một phần là do di truyền từ cha mẹ.

“Trước đây, khi phát hiện ra dị tật này qua siêu âm, nhiều gia đình đã quyết định loại bỏ thai. Tuy nhiên, với lý do nhân đạo, cùng với sự tiến bộ của y học cũng như tay nghề của các bác sĩ, chúng tôi khuyên các gia đình không nên bỏ thai trong những trường hợp này. Nếu được đưa đến bệnh viện khám ngay trong tháng đầu tiên sau khi sinh để chúng tôi tư vấn và hỗ trợ làm các thủ thuật tiền phẫu thuật và sau khi đủ điều kiện về sức khỏe, cân nặng sẽ tiến hành phẫu thuật thì tương lai, các cháu sẽ có được cuộc sống và sự thành công hoàn toàn như những trẻ bình thường” - GS Trịnh Đình Hải nói.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tấn Văn cũng nhắn nhủ, các gia đình có con em bị khuyết tật khe hở môi - vòm miệng nên đến bệnh viện khám và điều trị càng sớm càng tốt để tránh sau này ảnh hưởng đến cuộc sống và hạnh phúc như trường hợp của chị V. nói trên.

Tuệ Khanh

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201811/nguoi-phu-nu-di-tim-hanh-phuc-nho-phau-thuat-nhan-dao-620370/