Người phụ nữ đầu tiên giành Giải thưởng châu Phi về đổi mới kỹ thuật

Cô Charlette N'Guessan (26 tuổi) đến từ Bờ Biển Ngà đã giành được Giải thưởng châu Phi cho việc đổi mới kỹ thuật của Học viện Kỹ thuật Hoàng gia châu Phi năm 2020.

Charlette N’Guessan và nhóm của cô đã giành được giải thưởng 25.000 bảng Anh cho BACE API, một hệ thống xác minh kỹ thuật số sử dụng Trí tuệ nhân tạo và nhận dạng khuôn mặt để xác minh từ xa danh tính của người châu Phi theo thời gian thực. N’Guessan cho biết, BACE API hoạt động bằng cách đối chiếu hình ảnh trực tiếp của người dùng với ảnh trên tài liệu của họ như hộ chiếu hoặc chứng minh thư.

Charlette N’Guessan

Charlette N’Guessan

Đối với các trang web và ứng dụng trực tuyến có tích hợp BACE API, người dùng sẽ được xác minh qua webcam để thiết lập danh tính của họ. Cô giải thích: "Với những người đang truy cập vào ứng dụng hay chương trình gì đó thông qua internet, chúng tôi yêu cầu họ bật máy ảnh để đảm bảo họ là người thật chứ không phải robot. Chúng tôi có thể chụp trực tiếp khuôn mặt và so sánh hình ảnh của họ với hình ảnh trên tài liệu hiện có mà người đó đã gửi".

Theo N’Guessan, BACE API có thể được tích hợp vào các ứng dụng và hệ thống hiện có để xác minh danh tính và được hướng đến vào hầu hết các tổ chức tài chính trên lục địa này.

N’Guessan cùng các cộng sự đã giành được Giải thưởng Hoàng gia châu Phi về Sáng tạo trong một lễ trao giải vào ngày 3/9 vừa qua, nơi các giám khảo Giải thưởng Hoàng gia châu Phi và khán giả trực tiếp bình chọn ủng hộ họ.

Rebecca Enonchong, một doanh nhân đến từ Cameroon và là giám khảo của giải thưởng này, cho biết: "Chúng tôi rất tự hào khi Charlette N’Guessan và các cộng sự nhận được giải thưởng. Tôi cho rằng công nghệ nhận dạng khuôn mặt dựa trên các đặc điểm của cộng đồng châu Phi thật sự là điều cần thiết. Chúng tôi tin tưởng rằng công nghệ sáng tạo của họ sẽ mang lại lợi ích to lớn cho lục địa".

BACE API giúp hạn chế gian lận danh tính

N’Guessan, CEO và đồng sáng lập của công ty phần mềm có trụ sở tại Ghana, chia sẻ, ý tưởng này nảy sinh khi cô đang theo học tại Trường Công nghệ Doanh nhân Meltwater (MEST) ở Accra, thủ đô của Ghana. Khi đó, cô đã làm việc với 4 cộng sự. API BACE chính là một trong những dự án nghiên cứu của họ vào năm 2018 và sau này là một công ty phần mềm.

N’Guessan chia sẻ: "Chúng tôi đã nói chuyện với các doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ và nhận thấy rằng có một vấn đề lớn với an ninh mạng và các dịch vụ, doanh nghiệp trực tuyến".

N’Guessan cho biết nghiên cứu của họ phát hiện ra rằng nhiều tổ chức tài chính ở các quốc gia Tây Phi đối mặt với gian lận danh tính, ước tính rằng họ chi tới 400 triệu USD mỗi năm để xác định khách hàng của mình. "Chúng tôi quyết định đóng góp công sức của mình với tư cách là kỹ sư phần mềm và nhà khoa học dữ liệu bằng cách xây dựng một giải pháp hữu ích cho thị trường này", cô nói thêm.

Trước khi được công bố là người thắng giải, N’Guessan và các doanh nhân khác nằm trong danh sách dẫn đầu của Giải thưởng châu Phi đã được hỗ trợ 8 tháng đào tạo từ các chuyên gia trên khắp thế giới. Nhóm của cô đã được một chuyên gia về trí tuệ nhân tạo hỗ trợ - người đã giúp họ cải tiến hệ thống.

Cảm hứng theo đuổi công nghệ được truyền từ cha

N’Guessan yêu thích công nghệ từ khi còn nhỏ. Lớn lên ở Bờ Biển Ngà, tây Phi, cô được cha - một giáo sư toán học - khuyến khích tập trung vào các môn khoa học và công nghệ. "Cha đã truyền cảm hứng cho tôi lựa chọn học các ngành về Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học. Tôi có năng lực trong các khóa học liên quan đến khoa học. Sau khi tốt nghiệp trung học, tôi tiếp tục theo học ngành kỹ thuật phần mềm tại trường đại học", cô kể.

BACE API xác minh danh tính người dùng trong thời gian thực bằng camera điện thoại hoặc webcam

Hiện đang điều hành công ty công nghệ của riêng mình, N’Guessan nói rằng việc giành được Giải thưởng châu Phi về đổi mới kỹ thuật đã giúp cô tự tin hơn với vai trò là Giám đốc điều hành đứng đầu một nhóm kỹ thuật đa phần là nam giới.

Trên toàn cầu, ngành công nghệ đang phát triển nhưng các công ty khởi nghiệp do phụ nữ lãnh đạo đang thiếu hụt, chỉ có 22% công ty do ít nhất một phụ nữ thành lập (theo một báo cáo tại Disrupt Africa). Khó có dữ liệu cụ thể cho châu Phi nhưng một số nghiên cứu cho thấy chỉ 9% công ty khởi nghiệp ở châu lục này có người sáng lập là phụ nữ.

N’Guessan cho biết, cô hy vọng rằng thành tích của mình sẽ thúc đẩy nhiều phụ nữ quan tâm đến sự nghiệp trong lĩnh vực công nghệ. Cô chia sẻ: "Tôi sẽ rất vui nếu câu chuyện của mình có thể truyền cảm hứng cho mọi người - người phụ nữ đầu tiên giành được Giải thưởng châu Phi về Đổi mới Kỹ thuật và công việc của tôi với tư cách là một phụ nữ trong lĩnh vực công nghệ".

Kim Ngọc (dịch)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nguoi-phu-nu-dau-tien-gianh-giai-thuong-chau-phi-ve-doi-moi-ky-thuat-202010051945493.htm